Chăn nuôi khép kín công nghệ cao: Hướng đi bền vững cho nông dân khu vực Tây Nguyên
Thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm chuyển đổi theo hướng hiện đại, an toàn sinh học và bền vững doanh nghiệp đã mạnh mẽ đầu tư vào hệ thống sản xuất chăn nuôi khép kín tại khu vực Tây Nguyên
Với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm chuyển đổi theo hướng hiện đại, an toàn sinh học và bền vững, Japfa Việt Nam đã mạnh mẽ đầu tư vào hệ thống sản xuất chăn nuôi khép kín tại khu vực Tây Nguyên.
Hệ thống này bao gồm trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng gia cầm và mạng lưới trang trại chăn nuôi gia công quy mô lớn. Đây cũng là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng từ con giống đến gà thương phẩm.
Trong đó, trang trại gà giống bố mẹ tại xã Ea Tul (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những cơ sở chăn nuôi chủ lực của Japfa Việt Nam tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn sinh học nghiêm ngặt, ứng dụng công nghệ chuồng kín và hệ thống quản lý đàn bằng phần mềm chuyên dụng.
Với quy mô 100.000 con gà bố mẹ, trang trại này cung cấp hàng triệu trứng giống chất lượng cao mỗi năm cho Nhà máy ấp trứng gia cầm. Đây là bước đầu tiên trong chuỗi sản xuất khép kín, góp phần bảo đảm nguồn giống ổn định, đồng đều và năng suất cao.
Tiếp nối chuỗi giá trị là Nhà máy ấp trứng gia cầm có diện tích 2,2 ha, đặt tại xã Pơng D’Rang. Đây là nhà máy ấp thứ tư và là một trong những dự án hiện đại nhất của Japfa tại Việt Nam, với công suất thiết kế lên tới 40 triệu gà con mỗi năm
Điểm nổi bật của nhà máy là việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ In-ovo: Kỹ thuật tiêm vắc-xin cho phôi gà ngay từ trong trứng giúp kích hoạt hệ miễn dịch sớm, bảo đảm gà con phát triển đồng đều và khỏe mạnh.
Công nghệ cắt mỏ bằng tia hồng ngoại: Phương pháp hiện đại này giúp giảm đau và hạn chế căng thẳng cho gà con, thể hiện cam kết về phúc lợi động vật so với phương pháp truyền thống.
Nhà máy ấp này chính là mắt xích then chốt, cung ứng nguồn gà giống chất lượng cao cho hệ thống trang trại nội bộ và các đối tác chăn nuôi gia công của công ty trong khu vực.

Mô hình liên kết giúp chuyển giao công nghệ tiên tiến vừa giúp cải thiện thu nhập cho người dân.
Đại diện Japfa Việt Nam cho biết, song song với việc đầu tư hạ tầng, công ty đã triển khai thành công mô hình chăn nuôi gia công gà màu, liên kết chặt chẽ với nông dân.
Hiện nay, Japfa đang hợp tác với gần 600 hộ chăn nuôi trên cả nước, cung ứng ra thị trường hơn 40 triệu con mỗi năm. Riêng tại khu vực Tây Nguyên, mạng lưới liên kết đang được mở rộng tại nhiều địa phương, với sản lượng khoảng 10 triệu gà thương phẩm/năm.
Nhờ sở hữu đặc tính ưu việt của giống bản địa kết hợp với thế mạnh của giống gà ngoại nhập, gà màu thương phẩm Japfa có lợi thế khỏe mạnh, độ đồng đều cao, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng tại địa phương.
Theo đại diện Japfa khi tham gia mô hình liên kết, người chăn nuôi được hỗ trợ kỹ thuật toàn diện, chủ động kiểm soát dịch bệnh, từ đó nâng cao tỉ lệ sống và chất lượng vật nuôi. Đồng thời, chính sách bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp các hộ nông dân yên tâm sản xuất, giảm thiểu rủi ro do biến động thị trường.
“Mô hình này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi mà còn góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ tiên tiến và cải thiện thu nhập cho người dân, từ đó từng bước xây dựng sinh kế bền vững tại địa phương”, đại diện Japfa Việt Nam nhấn mạnh.