Chăn nuôi tuần hoàn tạo giá trị

Chăn nuôi theo phương pháp giảm tiêu hao đầu vào, giảm thất thoát đầu ra và gắn với liên kết tiêu thụ giúp nông sản có chất lượng tốt, bán với giá cao hơn so với thông thường.

Sử dụng phế phẩm chăn nuôi như một nguyên liệu đầu vào giúp nâng cao giá trị là một trong số các nhóm giải pháp triển khai chăn nuôi bền vững tại một số dự án thí điểm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai thời gian qua.

Cụ thể, tại 6 địa phương gồm Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Huế, Đồng Nai, bà con được thực hành chăn nuôi lợn kết hợp trồng trọt theo hướng hữu cơ, thay thế cho chế phẩm hóa học. Mô hình áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học giúp đàn lợn có sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống 100%, tránh hoàn toàn được dịch tả lợn châu Phi, loại dịch bệnh gây khốn đốn cho nhiều bà con nông dân xung quanh không tham gia thí điểm.

Thúc đẩy nông nghiệp phát thải thấp qua mô hình nông nghiệp tái sinh

Các mô hình thí điểm cũng có sự tham gia của một số doanh nghiệp, có thể kể đến như Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ bà con chăn nuôi sinh học an toàn theo mô hình 4F. Kết quả, đàn lợn của bà con có chất lượng cao, một phần được doanh nghiệp trực tiếp thu mua, phần còn lại bán ra thị trường với giá cao hơn từ 25 – 30%.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó trưởng phòng khuyến nông chăn nuôi thú y, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, phát triển chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn là chủ trương lớn trong chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực tế, các phương pháp chăn nuôi theo hướng tuần hoàn đã xuất hiện từ lâu và chứng minh được hiệu quả kinh tế, điển hình là mô hình vườn – ao – chuồng và các biến thể của mô hình này.

Trong bối cảnh mới, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi được triển khai theo hướng tích hợp các phương thức và công nghệ sản xuất mới, từ đó tối thiểu hóa chất thải và phát huy tối đa giá trị. Đó cũng là bí quyết cho thành công bước đầu của các mô hình thí điểm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai.

Gỡ vướng chính sách

Định hướng phát triển chăn nuôi quy mô trang trại để giải quyết tình trạng manh mún, nhỏ lẻ đã tạo điều kiện cho tỉnh Thái Nguyên phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Ông Vũ Đức Hảo, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho biết, sản xuất chăn nuôi theo phương thức tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị đã giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập đáng kể.

Bí quyết cho nền nông nghiệp xanh

Tuy nhiên, ông Hảo đánh giá, hiệu quả đem lại của chăn nuôi tuần hoàn chưa tương xứng với tiềm năng do còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, bà con nông dân vẫn chưa có đầy đủ nhận thức cũng như động lực để chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Mặt khác, các mô hình được triển khai độc lập, chưa tạo ra sự đồng bộ và chưa thực sự hoàn thiện.

Một số chính sách về đất đai, môi trường cũng như cơ chế hỗ trợ cho chăn nuôi tuần hoàn vẫn còn hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến chăn nuôi tuần hoàn chưa phát huy hết giá trị.

Thực tế, đây là tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước, dẫn đến nghịch lý là ngành chăn nuôi thải ra hàng trăm triệu tấn phụ phẩm nhưng ngành trồng trọt vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD phân bón.

Tại Diễn đàn khuyến nông Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, bà Hương đánh giá, một số địa phương vẫn chưa có hỗ trợ về tái chính, đất đai, nguồn lực, doanh nghiệp và người dân cũng chưa có nhận thức đầy đủ về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Vì vậy, các mô hình chưa làm triệt để, vẫn còn lãng phí một lượng không nhỏ phụ phẩm gây ô nhiễm.

Ghi nhận phản ánh, ông Đường Công Hoàn, Phó trưởng phòng Môi trường và công nghệ chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, cho biết, rất cần phải có thêm các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho chăn nuôi tuần hoàn, bao gồm hỗ trợ về tài chính, đất đai, hỗ trợ giá điện từ khí sinh học, đồng thời hoàn thiện tài liệu kỹ thuật hướng dẫn bà con thực hành thu gom, xử lý, tái sử dụng, tái chế chất thải chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Song song với các chính sách của Nhà nước, bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò trong chuyển đổi nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các nông hộ, tạo ra chuỗi giá trị hoàn thiện, từ đó mở ra nhiều cơ hội ứng dụng các giải pháp chăn nuôi tuần hoàn, bao gồm cơ hội từ nhu cầu thị trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Minh Lịnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cũng đề nghị trung tâm khuyến nông các địa phương tham mưu cho lãnh đạo địa phương các giải pháp cụ thể để đưa triết lý tuần hoàn vào nông sản gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chan-nuoi-tuan-hoan-tao-gia-tri-1690108444063.htm