Chặn sốt giá vàng: Sau liều thuốc 'cắt cơn', cần tạo nền dài hạn

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã dùng nhiều biện pháp mạnh tay để trị sốt giá vàng. Phương án ngân hàng bán vàng trực tiếp cho người dân đã phát huy tác dụng, giá vàng hạ rất nhanh và được dự báo sớm về mốc 72 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, đây cũng mới chỉ là những giải pháp tình thế.

Thuốc mạnh để “cắt cơn”

Giá vàng tăng mạnh từ cuối năm 2023 và liên tiếp lập đỉnh tới mức mức kỷ lục 92,5 triệu đồng vào tháng 5/2024. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với thế giới neo ở mức cao, có thời điểm tới hơn 20 triệu đồng/lượng.

Trong “cơn sốt” giá vàng trong thời gian qua, thị trường chứng kiến cảnh mua bán cực kỳ sôi động. Không chỉ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư lớn mà người dân cũng lao vào "đánh" vàng để kiếm lãi. Thị trường tăng dần vòng xoáy bất ổn và rủi ro khi bị lợi dụng để làm giá. Thực trạng bán rẻ, mua đắt khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ, còn các "nhà vàng" kiếm lời rất lớn.

Điểm bất ổn lớn nhất của vàng là chênh cao so với thế giới. Giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý. Nhiều chuyên gia cho biết, không nước nào có mức chênh lệch quá lớn như vậy.

Ở nhiều nước, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce. Giá vàng miếng không chỉ chênh lệch bất thường so với thế giới mà còn đắt hơn vàng nhẫn tới mức khó tin. Trước khi 4 ngân hàng thương mại nhà nước bán trực tiếp cho dân, giá vàng miếng SJC luôn cao hơn vàng nhẫn đồng thương hiệu tới 12 - 13 triệu đồng/lượng dù cùng chất lượng 9999.

Cơn sốt vừa qua cho thấy điều nghịch lý là trong khi vàng ở nhiều nước trên thế giới được định giá theo cung - cầu, theo tuổi vàng và hàm lượng… thì ở Việt Nam, giá vàng miếng SJC dường như nằm ngoài những quy luật chung.

Một trong những chính sách tác động lớn tới thị trường vàng Việt Nam là Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012. Theo giới phân tích, đến nay, mục tiêu chống đôla hóa, vàng hóa của Nghị định 24 đã đạt được. Song nghị định này chưa đạt được mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng. Và đã đến lúc, NHNN nên sửa Nghị định 24, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm bình ổn thị trường vàng trong nước, giảm chênh lệch với giá thế giới. Trong đó, việc cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung; bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đáp ứng đủ điều kiện; giảm sức cầu vàng vật chất, trong đó có phương thức giao dịch vàng qua tài khoản; thành lập sàn giao dịch vàng như công cụ điều hòa cung - cầu vàng… đã được đề cập. Bản chất của hầu hết giải pháp được đề xuất đều hướng tới việc tăng cung và hạn chế cầu vàng vật chất.

Từ tháng 6/2023 đến nay, Chính phủ đã có chỉ đạo, đôn đốc NHNN và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so với thế giới.

Trong 2 tháng gần đây, NHNN đã liên tục áp dụng các giải pháp nhằm tăng cung vàng miếng để bình ổn thị trường. Cụ thể, từ ngày 19/4 đến ngày 23/5, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Song 9 phiên đấu thầu, với hơn 1,8 tấn vàng cung ứng ra thị trường, vẫn không kéo giảm được mức đắt đỏ của vàng miếng SJC. Giá vàng miếng SJC vẫn đắt hơn thế giới 17 - 18 triệu đồng/lượng.

Khi phương án bán cả lô cho DN không hiệu quả, NHNN đã quyết định bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC để các đơn vị này bán vàng cho người dân từ ngày 3/6. Đại diện NHNN khẳng định, với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, cơ quan này có đủ khả năng để bình ổn thị trường.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp. Cùng với đó, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.

Bao giờ về mức 72 triệu đồng/lượng?

Việc ngân hàng bán vàng trực tiếp cho người dân được các chuyên gia đánh giá là tích cực khi thực hiện tăng cung có kiểm soát, từ đó hạn chế được vấn đề thao túng giá vàng khi các ngân hàng "thay mặt" NHNN bán trực tiếp tới tay người dân chứ không phải mạnh ai nấy quyết định giá như việc đấu thầu vàng và để cho các DN kinh doanh. TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho hay giải pháp này cùng với việc đẩy mạnh thanh kiểm tra doanh nghiệp vàng đã làm giảm tình trạng đầu cơ, làm giá, tăng cường minh bạch thị trường vàng.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định giải pháp bán vàng trực tiếp của NHNN thông qua các ngân hàng đã đẩy giá vàng trong nước giảm sâu. Nhưng kéo xuống bao nhiêu thì vẫn là ẩn số, bởi một phần phụ thuộc vào nguồn cung mà cơ quan điều hành có thể bán ra thị trường trong những ngày tới.

TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng giá vàng sẽ hạ dần theo thời gian mà lượng vàng được NHNN cung ra. Giá vàng SJC chênh lệch với giá vàng thế giới 2 - 4 triệu đồng/lượng là hợp lý. Tuy nhiên, nếu NHNN hạ dần giá bán vàng, đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới, cộng thêm việc giá vàng thế giới giảm thì cầu vàng trên thị trường có thể giảm. Ông Hiển cho rằng cầu vàng không thể tăng mãi, vì thế hệ “mê vàng” sẽ giảm dần. Thêm nữa, kênh đầu tư bất động sản sẽ phục hồi, kênh tiền gửi tiết kiệm cũng chứng tỏ được sự an toàn, hiệu quả… sẽ làm giảm dần sức hút của vàng.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm nay, khi các kênh đầu tư ấm lên, dòng tiền sẽ bớt “điên cuồng” với vàng. Bên cạnh đó, việc triển khai một số giải pháp như thanh tra doanh nghiệp vàng, yêu cầu mua bán vàng phải công khai thông tin, phải có hóa đơn điện tử... cũng sẽ giúp thị trường vàng được minh bạch hóa, góp phần hạn chế việc đầu cơ, tạo cơn “sốt ảo” trên thị trường vàng.

Trong gần 2 tháng qua, giá vàng thế giới đã giảm từ mức 2.450 USD/ounce vào ngày 12/4 xuống còn 2.292 USD/ounce vào sáng 8/6. Giá vàng miếng SJC cũng lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm. Ngay sau khi NHNN thông báo bán vàng (ngày 29/5), giá vàng miếng đã lao dốc không phanh. Mức chênh lệch giảm sâu từ 17-18 triệu đồng/lượng xuống còn gần 5 triệu đồng/lượng. Giá bán vàng miếng SJC giảm mạnh, từ mức 90,5 triệu đồng/lượng vào kết phiên 28/5 đến phiên 8/6 chỉ còn 76,98 triệu đồng/lượng, tức giảm 13,52 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn đang tiến lại rất sát giá vàng miếng. Giá hai loại vàng này tại SJC chỉ còn cách nhau gần 2 triệu đồng/lượng. NHNN đặt mục tiêu kéo giá vàng miếng SJC về sát giá thế giới quy đổi, hiện khoảng 72 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, sau khi đã đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức nhất định, NHNN cần sửa đổi ngay Nghị định 24/2012/NĐ-CP để quản lý thị trường vàng một cách căn cơ, hiệu quả. Đặc biệt, cần tính tới cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, đưa ra các công cụ giao dịch vàng để người dân giảm nắm giữ vàng vật chất…

Minh Dũng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chan-sot-gia-vang-sau-lieu-thuoc-cat-con-can-tao-nen-dai-han-d112354.html