Chấn tỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường của tổ chức, cá nhân nhằm phục vụ cho nhiều hoạt động vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các khu vực đô thị của thành phố Tây Ninh, các khu vực trung tâm của các huyện, thị xã.

Lực lượng chức năng nhắc nhở, vận động người dân không mua bán lấn chiếm lòng, lề đường (Ảnh minh họa)

Lực lượng chức năng nhắc nhở, vận động người dân không mua bán lấn chiếm lòng, lề đường (Ảnh minh họa)

Theo Sở Giao thông vận tải, Luật Giao thông đường bộ quy định, lòng đường và vỉa hè (hè phố) là 2 bộ phận của đường đô thị và được sử dụng cho mục đích giao thông. Lòng đường, vỉa hè là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân và phục vụ chung cho mọi người dân; lòng đường là nơi phục vụ cho các phương tiện lưu thông; vỉa hè mục đích để bảo đảm an toàn giao thông và chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan đô thị.

Trong một số trường hợp đặc biệt, vẫn cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông, như: tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt... nhưng phải bảo đảm không gây mất trật tự và bảo đảm an toàn giao thông.

Tuy nhiên, tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định ở các tuyến đường đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn, các vi phạm chủ yếu gồm: tổ chức hoạt động mua bán trên vỉa hè, phương tiện dừng, đỗ ngay dưới lòng đường để mua hàng hóa, dựng biển quảng cáo trái quy định... làm mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông.

Thời gian diễn ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhiều nhất là các thời điểm diễn ra lễ, hội, khung giờ sáng và chiều hằng ngày; nhất là các tuyến đường xung quanh các chợ, các tuyến đường có nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, mua bán hàng hóa...

Công tác giải tỏa lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên của các ngành chức năng và địa phương. Để thực hiện nhiệm vụ này, trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 18.7.2017 về việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; chủ trì tổ chức thực hiện là UBND cấp huyện, hằng năm ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện trên địa bàn.

Theo đó, lực lượng tham gia gồm có: Đội Thanh tra giao thông vận tải đóng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; Cảnh sát trật tự; Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh; Quản lý trật tự đô thị - hạ tầng; UBND các xã, phường, thị trấn... trong đó, các lực lượng địa phương là nòng cốt.

Thời gian qua, kết quả thực hiện giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, nhất là giải tỏa tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn tỉnh được các ngành và địa phương thực hiện thường xuyên và đạt kết quả. Tuy nhiên, công tác này liên quan trực tiếp đến người dân, vì vậy, cũng còn một số hạn chế và khó khăn.

Ý thức chấp hành các quy định về giao thông đô thị, trật tự đô thị, trật tự công cộng... của người dân còn hạn chế, nhất là một số người dân buôn bán nhỏ, buôn bán lưu động bằng xe đẩy, xe kéo (những người này đa số là người nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, buôn bán nhỏ, bán những sản phẩm, hàng tiêu dùng hằng ngày...). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định pháp luật có liên quan đến trật tự đô thị, trật tự công cộng của chính quyền, đoàn thể địa phương chưa thường xuyên, chưa phong phú, đa dạng về hình thức. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn và các lực lượng chức năng chưa thực sự kiên quyết xử lý vi phạm, còn nể nang, hoặc xử lý chưa triệt để, xử lý chưa đến nơi đến chốn, tình trạng tái lấn chiếm còn nhiều. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa thường xuyên, chủ yếu thực hiện vào các đợt cao điểm như: mùa lễ hội, khu vực chợ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Theo Sở Giao thông vận tải, để xử lý hiệu quả tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, cần triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến ra quân tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm.

Trong thời gian tỉnh, tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau: UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng (Đội Cảnh sát trật tự, Đội Cảnh sát giao thông, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra giao thông vận tải đóng trên địa bàn) và UBND các, xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, nhất là tập trung xử lý tại các địa điểm như: khu vực đông dân cư, các chợ, khu, cụm công nghiệp...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức phong phú hơn. Việc tuyên truyền phải thực chất, đi sâu vào hiệu quả, tránh hình thức, nhằm góp phần huy động cả hệ thống chính trị và người dân địa phương cùng chung tay góp sức, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, đặc biệt không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Ngành chức năng và các địa phương phải thực hiện tốt công tác quản lý, quy hoạch xây dựng, từng bước đầu tư chỉnh trang các tuyến đường đô thị (xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh các tuyến đường chưa có vỉa hè; ngầm hóa các trục chính đô thị...) góp phần chỉnh trang đô thị, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố, tạo diện mạo khang trang, trật tự trên các tuyến phố, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

GIANG HÀ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chan-tinh-tinh-trang-lan-chiem-long-duong-via-he-can-thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-a147920.html