Chặn xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ: Người đàn ông sẽ bị xử phạt ra sao?

Việc người đàn ông chặn xe máy trước xe cứu thương đã vi phạm khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và có thể chịu chế tài xử phạt.

Như PLO đã thông tin, tối 19-10 khi anh TMK (tài xế lái xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM) đang trên đường làm nhiệm vụ thì bị một người đàn ông đi xe máy chở theo một người lớn và trẻ em chặn đầu xe. Hiện cơ quan Công an đang xác minh làm rõ vụ việc để có hướng xử lý.

Video: Người đàn ông chặn xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ ở Tân Bình. Nguồn: MXH

Có thể nói hành vi chặn đầu xe cứu thương không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của chính người chặn xe mà còn là những người trên xe cấp cứu, người đi đường.

Từ đó, nhiều bạn đọc thắc mắc hành vi của người chặn xe sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao.

Trao đổi với PV, luật sư Phùng Huyền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe được quyền ưu tiên. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường và không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

 Người đàn ông chặn xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ ở quận Tân Bình. Ảnh cắt từ clip

Người đàn ông chặn xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ ở quận Tân Bình. Ảnh cắt từ clip

Trong tình huống xảy ra vào ngày 19-10-2024 tại phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM việc người đàn ông chặn xe máy trước xe cứu thương đã vi phạm khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và tùy theo hậu quả của hành vi mà có mức chế tài khác nhau.

Căn cứ theo điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021, người điều khiển xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ thì có thể bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe gắn máy có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Trường hợp vi phạm thêm các lỗi khác như điều khiển xe mà trong máu có nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe... thì cũng bị xử phạt theo lỗi tương ứng, quy định tại Nghị định 100/2019.

Đáng chú ý, nếu người điều khiển xe gắn máy cản trở xe cứu thương là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời dẫn đến hậu quả tử vong thì người điều khiển xe gắn máy nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định: người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ (trường hợp này là cản trở xe được quyền ưu tiên) gây thiệt hại cho người khác thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự (làm chết người) thì có phạt bị phạt tù đến 5 năm.

Thêm nữa, trường hợp người điều khiển xe gắn máy không có giấy phép lái xe hoặc trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất lên đến 10 năm.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chan-xe-cap-cuu-dang-lam-nhiem-vu-nguoi-dan-ong-se-bi-xu-phat-ra-sao-post815990.html