Chặng đường 40 năm nỗ lực phấn đấu vươn lên
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý nay là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong quá trình giúp Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ tham mưu với các cấp có thẩm quyền xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Nhìn lại chặng đường 40 năm nỗ lực phấn đấu vươn lên, Báo PLVN xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (ảnh).
1. Mồng Bốn tháng Tám năm 2023 đánh dấu mốc vừa tròn 40 năm kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền ký Quyết định số 127-QĐ/TC thành lập Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý. Cùng ngày đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký quyết định bổ nhiệm đồng chí Phan Hữu Chi là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp. Khi mới thành lập, Viện được giao thực hiện nghiên cứu khoa học về các vấn đề sau: (1) xây dựng pháp luật và hệ thống hóa pháp luật; (2) tổ chức thực hiện pháp luật, về tuyên truyền, giáo dục pháp luật; (3) tổ chức và quản lý các tòa án địa phương về mặt tổ chức, tổ chức và quản lý công tác thi hành án, công tác bào chữa và các công tác tư pháp khác; (4) đào tạo, và bồi dưỡng cán bộ pháp lý; (5) chủ trương và biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong phạm vi quản lý của Hội đồng Bộ trưởng.
2. Nhằm thúc đẩy sự chuyên môn hóa trong việc triển khai các nhiệm vụ công tác của Viện, ngày 31/10/1985, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 05/QĐTC kiện toàn tổ chức của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, theo đó, Viện được tổ chức thành 7 đầu mối trong đó có 2 Ban nghiên cứu, 2 phòng chuyên môn và 3 tổ nghiên cứu. Đến năm 2001, theo Quyết định số 447/2001/QĐ-BTP, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý được giao thực hiện đầy đủ 3 chức năng cốt lõi là (1) tổ chức công tác nghiên cứu khoa học pháp lý; (2) quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý và (3) tổ chức công tác thông tin khoa học pháp lý.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện Chiến lược và KHPL tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia - Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam tháng 11.2020
3. Ngày 06/06/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý được đổi tên thành Viện Khoa học pháp lý. Từ đó đến nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện không ngừng được mở rộng, cơ cấu tổ chức của Viện không ngừng được củng cố và tăng cường theo các Quyết định số 3233/QĐ-BTP ngày 13/11/2009, Quyết định số 547/QĐ-BTP ngày 27/03/2015, Quyết định số 2042/QĐ-BTP ngày 24/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học pháp lý.
4. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong quá trình giúp Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ tham mưu với các cấp có thẩm quyền xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, pháp luật, từ cách thể hiện về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các văn kiện của Đảng, tới các nội dung cụ thể trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và gần đây nhất là tham gia xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
5. Để có được kho dữ liệu cần thiết phục vụ việc tham mưu các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn quan trọng của Bộ, ngành, tập thể Viện đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, nhất là huy động sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học vào việc triển khai các nhiệm vụ khoa học các cấp. Theo thống kê của Viện, chỉ tính từ năm 1990 trở lại đây, Viện đã tổ chức nghiên cứu trên 600 đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, trong đó có hàng chục đề tài khoa học cấp nhà nước, hàng trăm đề tài khoa học cấp bộ và cấp cơ sở. Trong những năm gần đây, Viện cũng đã hoàn thành một số chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ có giá trị, trong đó phải kể tới chương trình nghiên cứu phục vụ việc triển khai Hiến pháp năm 2013, Chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ 2017-2021 “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong tư pháp quốc tế và trong khuôn khổ hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”; Chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ 2018-2020 “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013”. Hiện tại, Viện đang triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ 2021-2025 “Quản trị nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thông qua các nghiên cứu của Viện, nhận thức về mặt lý luận đối với những vấn đề căn cốt trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phát triển hệ thống hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp được nhận diện, đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý. Có thể nói, cho tới nay, các nghiên cứu của Viện đã góp phần làm sáng tỏ bản chất của quyền lập pháp, bản chất của công tác xây dựng pháp luật, nhận diện khá rõ các yếu tố và quy luật vận động, chi phối hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Các nghiên cứu của Viện cũng góp phần làm sáng tỏ hơn nội hàm, bản chất, phạm vi của quyền hành pháp, quyền tư pháp, đánh giá rõ hơn thực trạng cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Việt Nam hiện nay, từ đó, có nhiều kiến nghị để góp phần hoàn thiện cơ chế này, bảo đảm sự phân công rành mạch và kiểm soát hiệu quả hơn giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
6. Các nghiên cứu của Viện luôn đề cao những giá trị pháp lý cao đẹp trong truyền thống pháp luật của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc giá trị phổ quát của nhân loại phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì thúc đẩy tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội. Đến nay, có thể nói, hầu hết các lĩnh vực công tác chủ chốt của Bộ, từ công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, xây dựng ngành, đào tạo nhân lực pháp luật đều có những đề tài khoa học đặt nền tảng hoặc củng cố thêm nền tảng lý luận và thực tiễn để xây dựng.
7. Cũng qua 40 năm xây dựng và phát triển, các cán bộ nghiên cứu của Viện đã là chủ biên, tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 140 đầu sách chuyên khảo và tham khảo. Trong số đó, có thể kể tới nhiều công trình có độ lan tỏa cao. Đó là chưa kể hàng trăm bài nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, cùng hơn 350 số Thông tin khoa học pháp lý được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời thông tin những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất của Viện. Có thể khẳng định rằng, với những công trình đã công bố kể trên, các thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện cùng đội ngũ cộng tác viên rộng lớn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức khoa học pháp lý ở nước ta những năm qua.
8. Viện Khoa học pháp lý cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý khoa học theo đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy chế quản lý khoa học của Bộ Tư pháp.
9. Các cán bộ của Viện cũng tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo nhiều đạo luật quan trọng với những đóng góp có giá trị, trong đó phải kể tới Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng v.v.
10. Được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, theo đề xuất của Bộ Tư pháp, từ năm 2023, Viện Khoa học pháp lý được Chính phủ cho phép mang tên mới là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý. Ngày 29/06/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1229/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (thay thế Quyết định số 2042/QĐ-BTP ngày 24/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Theo Quyết định số 1229/QĐ-BTP, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng: “Nghiên cứu chiến lược, chính sách về xây dựng, thi hành pháp luật và các lĩnh vực công tác khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, góp phần thực hiện cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ; làm đầu mối thông tin khoa học pháp lý thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”. Cũng theo Quyết định số 1229/QĐ-BTP, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý được giao 17 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có việc bổ sung thêm nhiệm vụ “Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đề xuất và làm đầu mối theo dõi việc tổ chức thực hiện các chủ trương, định hướng về tư pháp, pháp luật trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”. Cơ cấu tổ chức của Viện tiếp tục được kiện toàn với 5 Ban nghiên cứu (Ban Nghiên cứu Chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành; Ban Nghiên cứu pháp luật hình sự và cải cách tư pháp; Ban Nghiên cứu pháp luật hành chính - nhà nước; Ban Nghiên cứu pháp luật dân sự - kinh tế; Ban Nghiên cứu pháp luật quốc tế); Phòng Quản lý khoa học và Hành chính - Tổng hợp; Trung tâm Thông tin - Thư viện. Với những căn cứ kể trên, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã chính thức gia nhập cộng đồng các Viện Nghiên cứu chiến lược của các bộ, ngành ở Việt Nam. Đây là sự kiện có tính cổ vũ, động viên lớn đối với các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động tại Viện, đồng thời mở ra dư địa mới cho sự phát triển của Viện để Viện đóng góp thực chất hơn nữa cho sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp và cho nền khoa học pháp lý nước nhà.
11. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt mà Viện xác định trong thời gian tới chính là phải thực hiện thật tốt vai trò tham mưu với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới trong bộ, ngành Tư pháp và giúp Bộ tham mưu với Chính phủ triển khai thực hiện thật tốt nghị quyết này trong phạm vi công việc của Chính phủ. Viện cũng dự kiến đề xuất, triển khai các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu để có hình thức phù hợp tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực tiễn nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong 40 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay, từ đó đúc rút những bài học kinh nghiệm cần thiết, xác định tầm nhìn, định hướng, giải pháp cho lĩnh vực này cho những giai đoạn tiếp theo và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
12.Với những thành tựu đã đạt được và bề dày kinh nghiệm 40 năm xây dựng và phát triển, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự chung tay của các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp cùng sự ủng hộ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong chặng đường sắp tới, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp và nền khoa học pháp lý nước nhà.