Chặng đường thơ 10 năm của Minh Hạ

Có thể Minh Hạ đã sáng tác trước đó nhiều năm, nhưng chỉ 7 năm (2013-2020), số tập thơ chị ra mắt bạn đọc là một nỗ lực lao động thơ đáng nể của cái tuổi tròn 70 của chị (sinh năm 1953). Có yêu thơ lắm mới lao động bền bỉ như vậy và một vinh dự xứng đáng là được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thời gian gần đây. Nhà văn nữ ở Đồng Nai được vào Hội Nhà văn không nhiều, là người sáng tác thơ được xem xét, làm hồ sơ thơ kết nạp lại càng ít hơn. Minh Hạ - tên thật là Phạm Thị Hệ, được đứng vào hàng ngũ nhà thơ nữ là niềm vui cho giới sáng tác nói chung và những người làm thơ nói riêng ở Đồng Nai.

Nhà thơ Minh Hạ

Nhà thơ Minh Hạ

Đọc 4 tập thơ của chị, từ Giọt mưa xuân, Lục bát cánh cò đến Qua những miền quêÂm điệu thời gian, có thể thấy ngay thơ Minh Hạ ngày càng “chín” hơn, cảm xúc chọn lọc, diễn đạt sâu lắng hơn. Về kỹ năng thể hiện thơ cần phải nói như vậy nhưng trước hết là tấm lòng với thơ, với cuộc sống, con người bật lên thành thơ từ trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà thơ. Có thể còn những vội vàng cảm xúc, cả vần điệu, nhịp thơ nhưng có hề chi, thời đại “kim tiền” nóng rát này, có tình đầy đặn cho thơ như Minh Hạ là đã đủ. Văn chương mênh mông lắm. Tôi ưng Hoài Thanh đại ý: Ai chê thơ dở là quyền của họ, tôi chỉ khen thơ hay.

Ngay từ Giọt mưa xuân, những ấn phẩm thơ của chị đầy đặn, có thể chị trân trọng những cảm xúc ghi lại và nâng niu kết quả lao động thơ của mình nên dã chọn cả trăm bài. Nhận ra ngay là cảm xúc ghi lại bằng thơ trên mọi miền đất nước, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, dọc miền Trung và dĩ nhiên là Đồng Nai. Chị còn viết trường ca, có lẽ chưa in thành sách nên trong Giọt mưa xuân trích đoạn:

“ Con cò bắt tép bờ sông”

Câu thơ đau tự đáy lòng anh ơi!

Chỉ nghe một tiếng ru hời…

Cũng đau đáu lắm một thời đó anh

Hình ảnh cò đeo đẳng mãi, đến Lục bát cánh cò:

Từ trong lấm láp ca dao

Thân cò còn biết thương trao tìm về

(…)

Mẹ nhìn cám cảnh cò thôi

Trải qua sương gió ngày vui tháng buồn

Gia tài mẹ để cho con

Lời tre tiếng trúc, chim non gọi mùa.

Tập Qua những miền quê, năm 2018, được xét tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ V (2016-2021), một ghi nhận khách quan cho thành quả lao động thơ của Minh Hạ. Tên gọi những miền đất Đồng Nai xuất hiện nhặt hơn trong Qua những miền quê, như Với Cẩm Mỹ:

Nắng nghiêng bóng nhạt lưng đồi

Tiếng chim thảng thốt gọi mời trăng lên

Một lần Cẩm Mỹ không quên

Một đời trăng ấy khắc tên nỗi niềm.

Tập Âm điệu thời gian tiếp tục ghi lại những ân tình Đồng Nai:

Mỗi năm chỉ gặp một lần

Trị An đã phố thanh tân núi rừng

Soi hồ lòng vẫn rưng rưng

Mới hay gian khổ đã từng qua đây.

(Xuân trên hồ Trị An)

Yêu thơ, lao động thơ nghiêm túc, yêu cuộc sống, yêu con người, thơ Minh Hạ góp thêm tiếng vui cho người.

Trần Chiêm Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202303/chang-duong-tho-10-nam-cua-minh-ha-3158977/