Chàng rể người Rumani 20 năm ăn Tết Việt, tiếc nuối không khí Tết xưa

20 năm sống ở Việt Nam là 20 năm Valentine Constantinescu ăn Tết Việt, trước khi lấy vợ là cùng bạn bè, sau này là cùng vợ và gia đình vợ.

Lời tòa soạn:

Tết Nguyên đán luôn là dịp sum họp của bao gia đình Việt. Có những chàng rể người nước ngoài sống ở Việt Nam nhiều năm cũng dần trở nên thân thuộc với cái Tết. Cùng với gia đình nhà vợ, họ tham gia vào các phong tục ngày Tết như một người Việt thực thụ.

VietNamNet giới thiệu loạt bài Tây ăn Tết ta ghi lại những hình ảnh ấm cúng khi người nước ngoài ăn Tết ở Việt Nam.

Sang Việt Nam học tập từ năm 19 tuổi, chàng sinh viên người Rumani lập gia đình và sinh sống ở Việt Nam từ đó đến nay – khi anh đã ở tuổi 39.

Mặc dù đã làm "trợ lý" trong bếp thường xuyên vào dịp Tết nhưng năm nay là năm đầu tiên Valentine tự tay gói những chiếc bánh chưng - món ăn không thể thiếu của người Việt những ngày đầu năm. Chiếc bánh chưa được vuông vắn và đầy đặn nhưng anh rất tự hào về thành quả của mình.

Cũng nhờ đó mà anh biết rằng "để làm được một chiếc bánh chưng ngon lành không hề dễ dàng gì".

29 Tết, Valentine đi chợ Tết mua được một cành đào ưng ý về trưng trong nhà.

29 Tết năm nay, Valentine đã mua được một cành đào ưng ý

29 Tết năm nay, Valentine đã mua được một cành đào ưng ý

Chàng rể người Rumani nhớ lại thời chưa lập gia đình, những cái Tết của anh thường là ở trong ký túc xá, đến nhà bạn bè ăn Tết, đi chơi Tết cùng bạn bè. Nhưng từ khi lấy vợ, tất cả các dịp Tết anh đều ăn Tết cùng gia đình.

Hai năm sau khi cưới, anh sống cùng gia đình vợ ở quận Đống Đa (Hà Nội). Sau này khi chuyển vào TPHCM, những năm không về Hà Nội, vợ chồng anh cùng nhau đón Tết, gặp gỡ bạn bè ở TP.

“Gần như chưa Tết năm nào tôi đi du lịch. Tôi nghĩ Tết là phải hướng về gia đình. Hơn nữa, bây giờ mọi người đi du lịch dịp Tết cũng nhiều, mà tôi thì không thích đông đúc” – chàng rể người Rumani chia sẻ.

Năm nay, Valentine và vợ đang trên hành trình du lịch xuyên Việt nhưng những ngày sát Tết, anh chị đã kịp về Hà Nội để đón Tết cùng bố mẹ vợ.

Năm nào cũng như năm nào, những ngày trước Tết, anh xắn tay dọn dẹp nhà cửa, cùng những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị đồ ăn.

Tối giao thừa, cả nhà cùng quây quần nhấm nháp chút đồ ăn nhẹ, uống rượu vang, xem Táo quân, trò chuyện xuyên đêm. Những ngày trong Tết, anh cùng gia đình đi chùa, đi chúc Tết họ hàng nội ngoại hai bên.

“Đó là những giây phút tôi trân trọng nhất trong dịp Tết” – anh chia sẻ.

Đã 20 năm sống ở Việt Nam nhưng năm nay là năm đầu tiên anh tự tay gói những chiếc bánh chưng

Đã 20 năm sống ở Việt Nam nhưng năm nay là năm đầu tiên anh tự tay gói những chiếc bánh chưng

Ngoài ra, ẩm thực chính là thứ mà Valentine “mê” nhất trong mỗi dịp Tết. “Gần như món nào tôi cũng thích, đặc biệt là món bánh chưng rán. Thịt kho tàu tôi không thích lắm vì nó hơi ngọt”.

Anh cho biết, nếu một mình đứng bếp nấu những món ăn đặc trưng ngày Tết thì anh chưa tự tin lắm, nhưng nếu đóng vai phụ bếp thì anh hoàn toàn tự tin.

Anh chứng kiến việc phụ nữ Việt phải vào bếp rất vất vả trong dịp Tết, vì thế anh luôn cố gắng giúp vợ và mẹ vợ nhiều nhất có thể để họ có thời gian nghỉ ngơi đúng tinh thần của một kỳ nghỉ.

Khi được hỏi có điều gì của Tết mà anh không thích, anh vui vẻ nói rằng “tôi không thích dọn dẹp nhà cửa lắm. Nó hơi phức tạp và… đau đầu với tôi”.

“Dọn dẹp nhà cửa ngày Tết rất khác với việc dọn dẹp ngày thường. Dọn dẹp ngày Tết phải rất kỹ càng từng ngóc ngách, không giống như dọn phòng, lau nhà ngày thường”.

“Tuy nhiên, ngày nay, việc dọn dẹp có thể tìm đến dịch vụ. Việc nấu nướng cũng vậy. Chúng ta có thể mua nhiều món ăn làm sẵn thay vì phải hì hụi vào bếp nấu nướng suốt cả mấy ngày Tết. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đó để Tết mang đúng tính chất là một kỳ nghỉ - mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn. Miễn là chúng ta vẫn ở bên nhau, cùng nhau trò chuyện, đi chơi, thăm hỏi nhau. Mục đích cuối cùng là chúng ta phải thật vui. Việc tìm đến các dịch vụ ngày Tết không có gì sai và theo tôi không hề làm mất đi vị Tết” – Valentine bày tỏ quan điểm.

Chàng rể người Rumani cho rằng, dịp Tết chỉ cần cả nhà ở bên nhau, cùng nhau nghỉ ngơi và vui vẻ đã là một cái Tết trọn vẹn

Chàng rể người Rumani cho rằng, dịp Tết chỉ cần cả nhà ở bên nhau, cùng nhau nghỉ ngơi và vui vẻ đã là một cái Tết trọn vẹn

Anh cũng chia sẻ, có một điều mà anh muốn thay đổi, nếu được, mỗi dịp Tết đến. Đó là việc người Việt hay chuẩn bị đồ ăn, bánh trái quá nhiều.

“Sau Tết, số đồ ăn này ăn không hết, thường phải bỏ đi, rất lãng phí. Theo tôi, chúng ta nên chuẩn bị vừa đủ ăn thôi”.

Những năm đầu mới sang Việt Nam, anh cũng rất bất ngờ khi biết về tục tặng nhau lì xì. “Khi đó, tôi chưa quen với việc coi tiền như một món quà tặng. Nhưng về sau, tôi cũng hiểu ý nghĩa của nó và quen dần với phong tục đó. Dù hơi ‘đau ví’ một chút nhưng thấy các em, các cháu vui vẻ khi được nhận lì xì, tôi cũng thấy vui lây”.

20 năm ăn Tết Việt, Valentine nhận ra rằng Tết ngày nay có nhiều điểm khác biệt so với Tết xưa. “Đến bây giờ, cứ mỗi dịp Tết, vẫn có nhiều người nước ngoài mới đến Việt Nam hỏi rằng ‘có phải mấy ngày Tết là không cửa hàng nào mở cửa không?’. Thực ra chuyện đó là của nhiều năm về trước. Bây giờ các cửa hàng, siêu thị mở cửa rất sớm, thậm chí mở xuyên Tết.

Ngày xưa Tết đến mà không chuẩn bị đồ ăn thì chỉ có nhịn đói. Bây giờ hàng quán mở đến sát Tết và mở cửa lại rất sớm, thường chỉ đóng cửa ngày mùng 1”.

Nhưng theo anh, cùng với đó, không khí đường phố ngày Tết cũng khác đi rất nhiều. Ngày xưa, những ngày Tết đường phố rất vắng vẻ, yên tĩnh. Đó là một trải nghiệm văn hóa mới lạ và rất đáng mong đợi với anh.

Tết bây giờ không còn không khí đó nữa. Ngày mùng 2, mùng 3 đi ra đường cũng không khác ngày thường là mấy. “Với cá nhân tôi, đó là một sự mất mát vì tôi thích dạo phố trong không khí vắng vẻ, yên tĩnh của đường phố Tết xưa”.

Chàng rể người Rumani đã có 20 năm ăn Tết Việt

Chàng rể người Rumani đã có 20 năm ăn Tết Việt

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chang-re-nguoi-rumani-20-nam-an-tet-viet-tiec-nuoi-khong-khi-tet-xua-2364987.html