Chàng trai 9X, ngày làm nhân viên hành chính, tối rong ruổi cứu hộ xe gặp sự cố
Sau khi kết thúc công việc hành chính ở cơ quan, Vũ Tiến Trung lại khoác lên mình chiếc áo phản quang, rong ruổi trên các tuyến phố Hà Nội cứu hộ người và phương tiện gặp sự cố trên đường lúc đêm khuya.
Ban ngày, Vũ Tiến Trung (sinh năm 1992, quê Gia Lâm, Hà Nội) là một nhân viên hành chính, tối đến anh mặc trên mình chiếc áo phản quang mang logo Đội cứu hộ Hà Nội rong ruổi trên khắp các con đường ở Gia Lâm – Long Biên để hỗ trợ những ai đang gặp vấn đề xe cộ.
5 năm trước, anh chàng thanh niên 9X lướt facebook thì vô tình biết đến Đội cứu hộ Hà Nội. Nhận thấy giá trị nhân văn mà đội mang đến, hơn nữa phù hợp với thời gian, hoàn cảnh của mình nên Trung đã đăng ký và trở thành viên của đội. Từ đó đến nay, Trung chưa bao giờ có ý định rời bỏ đội, thôi giúp người và phương tiện gặp sự cố trong đêm. Mặc dù đã có những khoảng thời gian, Trung tham gia không thường trực, thế nhưng khi sắp xếp lại công việc, anh lại mở thêm điểm hỗ trợ mới ở ngoại thành để các anh em nội thành không phải di chuyển quá xa.
“Có một thời gian công việc của tôi không được ổn định, bản thân cũng chỉ tham gia hỗ trợ nhưng không thường trực. Sau khi sắp xếp công việc ổn thỏa, tôi lại tiếp tục quay lại, mở một điểm trực ở Gia Lâm – Long Biên để hỗ trợ anh em nội thành không phải đi xa vất vả”, anh Trung cho biết.
Là thành viên của đội cứu hộ, ngày nào cũng 3h sáng Trung mới về tới nhà. Vừa làm công việc của đội, anh vẫn đảm bảo công việc trong ngày ở công ty. Bản thân anh luôn cảm thấy may mắn, khi bản thân nhận được sự động viên rất lớn từ gia đình. Bố mẹ, và đặc biệt người vợ của anh luôn ủng hộ, chia sẻ với anh khi ngày nào cũng đi đêm về hôm.
Nhớ những ngày đầu tham gia Đội cứu hộ Hà Nội, Vũ Tiến Trung chẳng có kỹ năng hay nghiệp vụ gì trong việc sửa chữa xe máy. Tuy nhiên Trung được anh em kỳ cựu trong đội hướng dẫn nhiệt tình, cầm tay chỉ việc. Trường hợp nào không xử lý được sẽ có thành viên đi cùng hướng dẫn.
“Thông thường, mọi người gọi tới số hotline của đội khi gặp vấn đề về săm lốp. Vì thế, bản thân phải biết những kỹ năng cơ bản về vá xe, thay săm, hy hữu một vài trường hợp cần câu bình ắc quy khi xe hết điện. Nói chung những lỗi lặt vặt của xe, bất kể ai đó khi đi cùng đội vài ngày là có thể nắm bắt được và làm được”, Trung nói.
Cũng theo Trung, khi gặp các ca nặng, các ca dính đến tai nạn, hay có trường hợp quên không thay dầu khiến xe bị chết máy, đội cũng không thể hỗ trợ được những trường hợp đó. Thành viên của đội chỉ có thể hỗ trợ đẩy về một điểm gửi xe gần nhất, bởi thành viên của đội chỉ “sơ cứu” hỗ trợ một phần nào đó để mọi người có thể về nhà an toàn chứ không thể nào “bổ” cả xe ra như ở một gara sửa chữa xe được.
5 năm miệt mài tham gia hỗ trợ miễn phí cho người đi đường, Trung chẳng bao giờ suy nghĩ thiệt hơn. Bởi với anh, giá trị nhân văn mà đội mang lại rất lớn, anh ở lại cũng chỉ với một suy nghĩ đơn giản “Con người ai cũng hướng đến niềm vui và hạnh phúc. Mỗi khi tôi hay bất kể anh em trong đội hỗ trợ được người nào đó, giúp họ trở về nhà an toàn trong đêm thì đó chính là động lực, là hạnh phúc của mỗi một con người trong đội cứu hộ”, Trung nói.
Với Vũ Tiến Trung, bản thân anh cũng là người thường xuyên phải di chuyển ngoài đường lúc đêm hôm. Vào thời điểm đó, xe gặp sự cố gì rất khó để sửa chữa, mà nhờ người lúc đó dường như là không thể. Chính vì thế, tham gia vào đội cứu hộ vừa là học hỏi kinh nghiệm, vừa là giúp được nhiều người cần sự trợ giúp về phương tiện trong đêm.
Trung kể, có lần đang đi ngoài đường thì có một bạn tình cờ vỗ vai anh chào hỏi. Họ nhận ra Trung bởi anh đã từng giúp người đó sửa xe lúc đêm hôm.
“Trong một lần tôi đang đi chơi, có một bạn chạy ra hỏi tôi có phải là thành viên của đội cứu hộ không. Ngày trước xe của bạn ấy bị hỏng, tôi có hỗ trợ. Lúc đó, tôi thấy rất vui và 2 anh em có ngồi lại uống nước, trò chuyện với nhau một hồi lâu. Với tôi, cái sự vô tình gặp gỡ đó, khi vị khách đó nhớ đến mình, tôi thấy rất bất ngờ, khá là vui”, Trung tâm sự.
Hiện, đội cứu hộ Hà Nội có số lượng thành viên dao động từ 10-15 người. Số lượng ít, các thành viên phải phân tán khắp Hà Nội. Hoạt động của đội cũng như một CLB thiện nguyện, chỉ nhận được về những giá trị tinh thần, vì thế việc kêu gọi thành viên tham gia đội cực kỳ khó khăn.
Nói về Trung, thành viên nhiều tuổi nhất trong đội, cô Lý Thái Phương Lý - nguyên cán bộ Đài TNVN đã nghỉ hưu cho biết: “Trung là thành viên rất năng động. Bạn ấy luôn thoải mái giúp đỡ mọi người mà chẳng nghĩ ngợi gì. Tôi rất cảm phục bạn ấy, ngoài việc cảm ơn những việc bạn ấy đã làm, nhưng đồng thời tôi cũng cảm ơn cả bố mẹ cũng như vợ con của bạn ấy khi đã để Trung được ra ngoài giúp đỡ mọi người như thế này”. /.
Đội cứu hộ Hà Nội thành lập vào năm 2017. Ban đầu, các thành viên trong đội đứng ra đóng góp chi phí để hỗ trợ những ai gặp vấn đề xe cộ trong đêm.
Khi đội đi vào hoạt động ổn định, số lượng trường hợp cần giúp đỡ quá nhiều, thành viên trong đội không thể đáp ứng chi phí đó, nên cũng có một thời điểm đã thu lại giá vật tư tiêu hao như một miếng vá, săm xe theo đúng giá vật tư mua vào.
Sau một thời gian Đội cứu hộ hoạt động mạnh, mạnh thường quân cùng với những người mà đội đã từng cứu trợ quay lại hỗ trợ kinh phí, đội lại tiếp tục miễn phí cho mọi người. Hiện giờ đội vẫn thực hiện các ca cứu hộ hoàn toàn miễn phí.