Chàng trai Khmer thổi hồn cho nhạc ngũ âm

Ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cũ, nay thuộc xã Ngọc Tố, thành phố Cần Thơ, anh Lý Minh Tâm, 27 tuổi, người dân tộc Khmer, ngày ngày vẫn âm thầm gìn giữ âm sắc truyền thống từ nhạc ngũ âm trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer.

Sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật truyền thống Khmer, ngay từ nhỏ, anh Lý Minh Tâm đã được nuôi dưỡng bằng những âm thanh ngũ âm vang lên từ ngôi chùa trong phum sóc. Anh Tâm cho biết, bà và cha anh từng là nhạc công chơi các nhạc cụ Khmer trước đây nên anh đã mê mẩn các loại nhạc truyền thống dân tộc từ bé. Những âm thanh ấy, cứ mỗi lần ngồi xem các nghệ nhân, nhạc công hòa tấu là anh lại học theo và ao ước được chơi một lần.

Năm lên 11 tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa còn mải chơi các trò chơi trẻ con, thì Tâm đã được tiếp xúc dàn nhạc ngũ âm, loại nhạc cụ truyền thống Khmer được hợp thành bởi 5 bộ nhạc, được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt gồm: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.

Với tình yêu sâu sắc, chỉ trong một thời gian ngắn, anh Tâm đã chơi thành thạo và được chọn vào đội nhạc ngũ âm của chùa Khmer tại địa phương, đồng thời được theo đoàn đi biểu diễn khắp nơi mỗi khi có lễ hội.

Anh Tâm đang làm nhạc cụ Rôneat Thung trong dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer.

Anh Tâm đang làm nhạc cụ Rôneat Thung trong dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer.

Theo anh Tâm, cảm giác được hòa mình vào những bản nhạc dân gian từ các nhạc cụ ngũ âm trong lễ hội truyền thống Khmer, như tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn-ta, Lễ dâng y Kathina… hay mỗi lần được biểu diễn ở các lần tổ chức sự kiện đều khiến anh thấy mình là một phần của văn hóa dân tộc mình. Đó không chỉ là âm nhạc, mà còn là linh hồn của cộng đồng Khmer.

Nhạc cụ Rôneat Thung do anh Tâm tự làm.

Nhạc cụ Rôneat Thung do anh Tâm tự làm.

Không chỉ là người biểu diễn, khoảng 4 năm nay, anh Tâm còn trở thành người gieo mầm âm nhạc khi trực tiếp dạy nhạc ngũ âm cho các em nhỏ tại các chùa Khmer trong địa phương. Những lớp học diễn ra đều đặn vào các dịp nghỉ hè, buổi tối hay dịp cuối tuần, thu hút các em nhỏ, thanh thiếu niên Khmer yêu âm nhạc truyền thống tham gia.

Không chỉ dừng lại ở việc truyền dạy, anh Tâm còn nghiên cứu, tìm tòi về quy trình làm ra nhạc cụ ngũ âm. Từ việc chọn loại gỗ, tre phù hợp, xử lý mặt trống đến cân chỉnh âm thanh, tất cả đều được anh tỉ mỉ. Dù gặp không ít khó khăn do không có sách vở hay thầy chỉ dẫn, nhưng bằng sự tâm huyết, tình yêu nhạc cụ truyền thống, anh Tâm đã tự học tập, tự tìm hiểu và tự chế tác thành công 4 loại nhạc cụ trong dàn ngũ âm, gồm: Rôneat Ek, Rôneat Thung, Rôneat Đek và trống và anh đã bán được nhiều nhạc cụ do anh tự làm cho các đội nhạc ngũ âm trong địa phương.

Anh Lý Minh Tâm biểu diễn trên nhạc cụ do mình tự làm

Anh Lý Minh Tâm biểu diễn trên nhạc cụ do mình tự làm

Giữa nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, việc một người trẻ dành trọn tâm huyết cho nhạc cụ truyền thống như anh Lý Minh Tâm đã giúp bản sắc Khmer không chỉ được gìn giữ, mà còn tiếp tục được lan tỏa bền vững trong cộng đồng dân tộc Khmer.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/chang-trai-khmer-thoi-hon-cho-nhac-ngu-am-post1217287.vov