Chàng trai thích lặn biển, chụp những bức ảnh đầy mê hoặc

Với chiếc máy ảnh chuyên dụng và lòng nhiệt huyết không ngừng nghỉ, anh Nguyễn Ngọc Thiện (nhiếp ảnh gia ở TP.HCM) thường dành nhiều thời gian của mình để khám phá thế giới dưới nước, nơi mà mỗi bức ảnh đều mang trong mình một câu chuyện riêng biệt.

Với anh Thiện, nhiếp ảnh không chỉ là một sở thích mà còn là một sứ mệnh, một cách để kết nối con người với vẻ đẹp tự nhiên và thúc đẩy hành động bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Khơi nguồn hành trình

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, anh Thiện bắt đầu khám phá nhiếp ảnh như một niềm đam mê để thư giãn sau giờ làm việc. Tuy nhiên, mãi đến năm 2017 khi anh có cơ hội tham gia cộng đồng nhiếp ảnh quốc tế của National Geographic, thì mới được tiếp cận và học hỏi rất nhiều từ các nhiếp ảnh gia tài năng trên khắp thế giới, trong đó có bác Paul Nicklen - một nhà bảo tồn đại dương, nhiếp ảnh gia wildlife nổi tiếng của National Geographic, đồng thời là nhà đồng sáng lập tổ chức bảo tồn biển SeaLegacy.

Hai mẹ con cá voi lưng gù (Humpback whales) trong chuyến thám hiểm của anh Thiện.

Hai mẹ con cá voi lưng gù (Humpback whales) trong chuyến thám hiểm của anh Thiện.

Bên cạnh đó, anh Thiện cũng là một fan hâm mộ của nhà tự nhiên học Sir David Attenborough - linh hồn của chương trình phim tài liệu nổi tiếng về thế giới đại dương và sinh vật biển - "The Blue Planet".

“Từ đó mình nung nấu mong muốn ghi lại những vẻ đẹp đa dạng của thế giới trong lòng đại dương, tìm kiếm một hướng đi mới mẻ cho bản thân và hy vọng có thể mang đến một luồng gió mới cho cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam với thể loại nhiếp ảnh có độ khó này”, anh Thiện chia sẻ.

Ảnh chụp tại vùng biển Perhentian của Malaysia hồi tháng 9.2022

Ảnh chụp tại vùng biển Perhentian của Malaysia hồi tháng 9.2022

Những bức ảnh đại dương khiến người xem "ngộp thở"

Những bức ảnh đại dương khiến người xem "ngộp thở"

Rủi ro và nguy hiểm rất cao

Thời gian đầu theo đuổi thể loại chụp ảnh dưới nước anh Thiện gặp rất nhiều khó khăn. Anh phải tự tìm tòi thông tin trên mạng bằng tiếng Anh và mày mò tham gia các diễn đàn về nhiếp ảnh dưới nước ở nước ngoài. "Thời điểm đó hầu như bạn không thể tìm được thông tin hay tài liệu chuyên môn gì bằng tiếng Việt về bộ môn này", anh bộc bạch.

Cũng theo anh Thiện, chụp ảnh dưới nước đòi hỏi phải đầu tư nhiều chi phí hơn cho thiết bị chuyên dụng để ghi hình trong môi trường này: thiết bị lặn, thiết bị chuyên dụng ghi hình dưới nước, thiết bị chiếu sáng chuyên dụng dưới nước… và hầu hết đều phải đặt hàng từ nước ngoài về (vì Việt Nam thời điểm đó chưa có đơn vị nào nhập và phân phối các thiết bị chuyên dụng này).

“Đầu tư thì nhiều nhưng rủi ro hư hỏng thiết bị lại rất cao, chỉ cần rò rỉ nước biển vào thì có thể hư hỏng toàn bộ thiết bị và tư liệu bên trong”, anh Thiện thông tin.

Theo anh Thiện, chụp ảnh dưới nước chắc chắn là cấp độ khó khăn hơn rất nhiều so với trên cạn, bạn phải có nền tảng tốt về nhiếp ảnh cơ bản trước khi chuyển sang nhiếp ảnh dưới nước.

“Chụp ảnh dưới nước có độ rủi ro nguy hiểm (đến an toàn tính mạng) cao hơn rất nhiều so với chụp ảnh trên cạn, vì môi trường nước là môi trường không thuận lợi cho sự hô hấp của con người, con người không thở được trong môi trường nước, chỉ cần một rủi ro nhỏ trong tíc tắc trong quá trình chụp ảnh dưới nước cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc”, anh Thiện nói.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện

Theo anh Thiện, chụp ảnh dưới nước bắt buộc người chụp phải có kỹ năng lặn (bao gồm kỹ năng lặn bình khí hoặc lặn tự do), bạn phải có kỹ năng lặn đủ tốt để tự đảm bảo an toàn cho chính mình trước khi nghĩ đến việc chụp một thứ gì đó dưới biển , và chắc chắn bạn ko thể chụp một bức ảnh dưới nước đủ tốt nếu kỹ năng lặn của bạn chưa tốt, chưa thành thạo , chắc chắn đây là điều kiện tiên quyết.

Trước mỗi buổi tác nghiệp lặn biển, anh Thiện thường chuẩn bị một số việc như sau:

- Tìm hiểu kỹ về địa điểm lặn (thời tiết, nhiệt độ, dòng chảy, cảnh quan và hệ sinh thái dưới nước , đặc điểm sinh học và tập tính của sinh vật biển muốn chụp);

- Lên một số ý tưởng và khung hình muốn chụp;

- Trao đổi, phổ biến thông tin về điểm lặn, lưu ý các rủi ro có thể gặp phải và thống nhất lịch trình lặn với các thành viên trong nhóm.

- Chuẩn bị và kiểm tra thật kỹ các trang thiết bị lặn (như fins lặn, mắt kính lặn, ống thở, bộ đồ lặn wetsuit, thiết bị BCD và bình khí nếu lặn scuba), ngoài ra cũng phải kiểm tra kỹ các thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác chụp ảnh, quay phim, chiếu sáng dưới nước.

- Và việc cuối cùng là lên tàu ra khơi.

Trong hành trình 7 năm khám phá và ghi hình thế giới đại dương, anh Thiện đã may mắn được chứng kiến và quan sát rất nhiều điều thú vị ở các vùng biển Việt Nam cũng như nhiều vùng biển trên thế giới: Từ những rạn san hô nước nông trù phú nhô lên khỏi mặt nước mùa triều cạn ở Hòn Yến, đến cổng tò vò cổ đại kỳ vĩ dưới đáy biển Lý Sơn. Hay chứng kiến cảnh tượng rùa biển kết đội dưới đáy biển Côn Đảo đến bơi cùng cá voi ở vùng biển Đề Gi. Lặn cùng cá mặt trăng Mola Mola ở Nusa Penida đến thám hiểm xác tàu đắm USS Liberty ở Bali.

“Rồi chạm mặt đàn cá mập đuôi lưỡi hái Thresher shark ở Philippines đến bơi cùng Cá mập voi khổng lồ ở Maldives. Ghi hình chim cánh cụt vua ở Nam Đại Tây Dương đến chạm trán hải cẩu báo ở vùng biển Nam Cực. Ghi hình đàn cá voi lưng gù di cư qua Ấn Độ Dương , hay chứng kiến đàn cá nhà táng khổng lồ đang ngủ đứng trong lòng đại dương ở Đông Phi”, anh Thiện kể.

Trong đó khoảnh khắc yêu thích nhất của anh Thiện dưới đại dương cho đến nay là khi chứng kiến cảnh tượng đàn cá nhà táng đang chìm vào giấc ngủ sâu trong lòng đại dương theo phương thẳng đứng (vertical sleep). Cảnh tượng những sinh vật khổng lồ này lơ lửng trôi giữa vùng không gian không trọng lực bao la bên dưới mặt nước là một khung cảnh siêu thực và choáng ngợp.

“Cảnh tượng cá voi ngủ đứng có thể xem là một trong những kỳ quan của thế giới tự nhiên, cảnh tượng này vẫn được xem là hiếm gặp cho tới ngày nay vì hầu như rất khó để xác định vị trí khi cá voi đang ngủ giữa lòng đại dương bao la, ngay cả thiết bị dò sóng âm bình thường cũng rất khó phát hiện vì chúng hầu như hoàn toàn bất động bên dưới mặt nước và hầu như không phát ra âm thanh khi đang ngủ sâu”, anh Thiện kể.

Cổng Tò Vò cổ đại ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một trong những kỳ quan dưới đáy biển. Nằm ở độ sâu khoảng 15 -17m, đây là nơi có các dòng nước lạnh di chuyển liên tục bên dưới, là điểm lặn khá nguy hiểm, không dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm

Cổng Tò Vò cổ đại ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một trong những kỳ quan dưới đáy biển. Nằm ở độ sâu khoảng 15 -17m, đây là nơi có các dòng nước lạnh di chuyển liên tục bên dưới, là điểm lặn khá nguy hiểm, không dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm

“Mình cũng đã tìm hiểu trước về hiện tượng này, nhưng chứng kiến nó tận mắt thật sự là điều kỳ diệu, cảm giác như bước vào một thế giới khác, và đó vẫn là một trong những lần chạm trán đáng kinh ngạc nhất mình từng có dưới đại dương”, anh Thiện nói thêm.

Anh Thiện phải lặn cùng dàn thiết bị nặng 10kg

Anh Thiện phải lặn cùng dàn thiết bị nặng 10kg

Bức ảnh của anh Ngọc Thiện thắng giải hạng mục quốc gia Việt Nam (National Award Winner) của cuộc thi ảnh quy mô, uy tín hàng đầu thế giới Sony World Photography Awards 2023, có tên "Turtle Dream" (Giấc mơ rùa biển)

Bức ảnh của anh Ngọc Thiện thắng giải hạng mục quốc gia Việt Nam (National Award Winner) của cuộc thi ảnh quy mô, uy tín hàng đầu thế giới Sony World Photography Awards 2023, có tên "Turtle Dream" (Giấc mơ rùa biển)

Anh Thiện gặp rất nhiều rủi ro khi chụp ảnh dưới biển

Anh Thiện gặp rất nhiều rủi ro khi chụp ảnh dưới biển

Những đối tượng chủ đạo trong các bức ảnh của anh Thiện ở thể loại này thường là thiên nhiên hoang dã và yếu tố con người hài hòa trong đại cảnh đại dương bao la.

Đối với anh Thiện, việc truyền tải thông điệp về lối sống bền vững với tự nhiên, với đại dương thông qua nhiếp ảnh là rất ý nghĩa và cần thiết...

“Mình mong muốn điều này có thể giúp thu hút nhiều hơn sự chú ý của mọi người, những người có cùng chung niềm yêu thích với biển và đại dương, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống cân bằng với thiên nhiên trong mối quan hệ cộng sinh mà không gây hại cho hệ sinh thái của trái đất, nhất là hệ sinh thái biển”, anh Thiện tâm sự.

Nguyễn Ngọc Thiện - nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những tác phẩm ấn tượng chụp dưới nước, là người Việt duy nhất đoạt giải cuộc thi "Nhiếp ảnh dưới nước" (Underwwater Photographer of the Year 2022 - UPY 2022) do Hiệp hội Nhiếp ảnh gia dưới nước của Anh tổ chức. Bức ảnh "Turtle Dream" (tạm dịch Giấc mơ rùa biển) của anh thắng giải Hạng mục ảnh quốc gia Việt Nam (National Award Winner) tại cuộc thi ảnh uy tín "Sony World Photography Awards 2023". Anh Thiện còn giải 3 của cuộc thi Ocean Photographer Of The Year 2024 (Nhiếp ảnh gia đại dương năm 2024), một trong số cuộc thi lớn về chụp ảnh biển cả.

Hà Sang, ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/chang-trai-thich-lan-bien-chup-nhung-buc-anh-day-me-hoac-c14a84426.html