Chàng trai trẻ đưa trà Shan tuyết vùng biên ra thị trường quốc tế
Sau nhiều tháng cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc Mông ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, chàng trai trẻ Đào Quang Vũ, sinh năm 1991, đến từ TP Vinh đã thành công chế biến búp chè tươi Shan tuyết thành thứ trà đặc sản, thơm ngon.
Thương hiệu trà Shan tuyết Kỳ Sơn ra đời được tiêu thụ rộng rãi trong nước và giới thiệu tới nhiều nước trên thế giới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao cuộc sống cho 40 hộ dân, chủ của những vườn chè Shan tuyết ở vùng biên.
Bỏ phố lên bản chế biến trà
Những ngày đầu xuân, trên đồi chè Shan tuyết hàng chục năm tuổi của các hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ở xã Huồi Tụ bao phủ một màu xanh biêng biếc. Trong ánh nắng ban mai, bà con vui vẻ nói cười, nhanh tay hái búp chè tươi, nhập cho xưởng chế biến trà xuất khẩu do anh Đào Quang Vũ làm chủ. Đang miệt mài lao động nhưng khi thấy giám đốc Vũ đến kiểm tra vùng nguyên liệu, bà con tạm dừng công việc đến trò chuyện. Người dân và chàng trai trẻ từ thành phố thân thiết, gần gũi như người trong một gia đình trở về nhà sau thời gian cách xa. Ông Vừ Giống Dìa ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ nhìn anh Đào Quang Vũ với ánh mắt trìu mến, hỏi thăm: “Thời gian vừa qua, trà mang thương hiệu Shan tuyết Kỳ Sơn của chúng ta tiêu thụ trên thị trường có thuận lợi không con? Nhờ doanh nghiệp của con thu mua búp chè tươi với giá cao gấp đôi, cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn. Mọi người ở đây đều biết ơn con, chỉ mong sao sản phẩm trà Shan tuyết Kỳ Sơn được người dùng tin tưởng, ủng hộ để vươn xa hơn”.
Trong câu chuyện, người dân ở Huồi Tụ chia sẻ rằng, địa phương được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau. Trong đó, cây chè Shan tuyết mọc tự nhiên ở những cánh rừng nguyên sinh và do người dân trồng trên nương rẫy đều phát triển tươi tốt, cho búp đẹp. Trước đây, bà con ở Huồi Tụ thường hái búp chè non ở những cây chè Shan tuyết cổ thụ, chế biến thủ công thành trà khô, có dư vị rất đặc biệt, được nhiều người trong vùng ưa chuộng. Sau này, người dân địa phương hái búp chè Shan tuyết để nhập cho một hộ kinh doanh trên địa bàn. Nhưng sau khi thu mua búp chè, chủ cơ sở cũng chỉ sơ chế khô rồi bán ra thị trường. Chính vì chè khô nằm ở dạng thô, giá trị kinh tế không cao nên chủ hộ kinh doanh thu mua búp chè tươi cho bà con với mức giá thấp. Điều đó khiến cho một số hộ trồng chè không còn mặn mà, bắt đầu chặt bỏ những cây chè Shan tuyết cổ thụ trong vườn đồi để có thêm diện tích đất trồng loại cây khác.

Đào Quang Vũ bên gốc trà Shan tuyết cổ thụ ở Kỳ Sơn.
Rồi chàng trai trẻ Đào Quang Vũ đến với Kỳ Sơn như một cơ duyên làm thay đổi “số phận” giống chè quý ở địa phương. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2020, khi Vũ có chuyến thiện nguyện lên trao áo ấm tặng học sinh nghèo vùng biên, rồi tình cờ biết đến ở Kỳ Sơn có quần thể chè Shan tuyết cổ thụ. “Cũng là một người kinh doanh các mặt hàng nông sản, tôi biết ở nước ta, giống chè Shan tuyết chỉ có mặt ở một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An... Tùy thuộc vào đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng mỗi khu vực mà búp, vị chè cũng vì thế mà khác nhau.
Thời điểm chứng kiến người dân chặt phá cây chè cổ thụ ở Huồi Tụ, tôi chưa nghĩ được gì nhiều, chỉ thấy rất xót xa vì biết đây là loại cây quý. Rồi trong thời khắc đó, tôi chợt nghĩ ra ý tưởng chế biến chè Shan tuyết thành trà chất lượng cao để bán ra thị trường”-Vũ chia sẻ. Sau đó, chàng trai trẻ đã liên hệ với chính quyền địa phương vận động các hộ gia đình ngừng phá cây chè quý cùng lời hứa sẽ trở lại thu mua búp chè tươi cho bà con với giá cao hơn nhiều lần. Khi Vũ về thành phố, nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là lời hứa của người khách vãng lai để người dân không chặt phá cây chè cổ thụ. Thế nhưng một thời gian ngắn sau, đồng bào Mông thấy chàng trai trẻ ở TP Vinh xa xôi mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân trở lại với Huồi Tụ xin được cùng ăn, cùng ở với bà con để chăm sóc, thu hái chè Shan tuyết.
Theo bà con kể lại, những ngày mới lên Huồi Tụ, sau thời gian bám đồi chè, Vũ về lại một xưởng nhỏ, cùng đồng nghiệp miệt mài trải qua các công đoạn chế biến búp chè tươi thành trà. Sau nhiều lần thất bại, chàng trai trẻ đã thành công, khoe với bà con loại trà đặc sản và quyết định nâng mức thu mua búp chè tươi cho bà con với giá gấp đôi hiện tại. “Trà Shan tuyết ở Huồi Tụ có hương vị riêng, rất ít vùng khác có được, nhất là màu sắc đẹp tự nhiên, dư vị ngọt kéo dài. Cây chè lại gắn với đời sống của đồng bào dân tộc Mông, bản tính siêng năng, cần cù, đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng. Sản phẩm trà Shan tuyết Kỳ Sơn mang đậm giá trị văn hóa vùng, miền. Từ thời điểm đó, tôi tin rằng mình và bà con sẽ thành công để nâng cao giá trị cây chè, dù sẽ gặp phải không ít khó khăn”-anh Vũ nhớ lại.
Đưa đặc sản vùng biên vươn xa
Thành công bước đầu trong việc chế biến búp chè tươi Shan tuyết thành thứ trà chất lượng cao, anh Đào Quang Vũ tự tin thực hiện các bước tiếp theo quyết tâm đưa “đặc sản” vùng biên ra thị trường rộng lớn. Anh đã xin phép chính quyền địa phương mở rộng xưởng chế biến trà ngay tại trung tâm xã Huồi Tụ, mời chuyên gia về đào tạo cho đồng bào dân tộc Mông cách thu hái, bảo quản chè. Sau hơn hai năm được Vũ chọn để đào tạo nghề và gắn bó với công việc, anh Lỳ Bá Phia, sinh năm 1990, dân tộc Mông, ở xã Huồi Tụ đã làm chủ các công đoạn chế biến trà. Thanh niên người dân tộc Mông này được xem là cánh tay đắc lực của Vũ để đưa thương hiệu trà Shan tuyết Kỳ Sơn vươn xa.
Mở đầu câu chuyện, anh Phia tâm sự: “Tôi rất biết ơn Vũ đã tạo cơ hội việc làm, thu nhập ổn định ngay tại chính vùng đất mà tôi sinh ra, lớn lên. Tự hào hơn khi được góp sức để đưa sản phẩm của địa phương mình đến với người tiêu dùng khắp mọi miền”. Bên ấm hồng trà Shan tuyết Kỳ Sơn, thanh niên đồng bào dân tộc Mông chia sẻ thêm, anh tốt nghiệp ngành sư phạm vật lý Trường Đại học Vinh, nhưng suốt thời gian dài ngành giáo dục địa phương không có nhu cầu tuyển dụng, đành gác lại giấc mơ trở thành nhà giáo. Trong khi mọi việc tưởng chừng bế tắc, anh được Vũ chọn để đào tạo việc làm, tin tưởng giao quản lý các công đoạn thu mua nguyên liệu cho đến chế biến sản phẩm trà.

Đào Quang Vũ (bên trái) đưa trà Shan tuyết Kỳ Sơn giới thiệu ở lễ hội trà thế giới được tổ chức ở Đài Loan (Trung Quốc) năm 2024.
Khi công việc thu mua búp chè tươi cho bà con và chế biến trà chất lượng cao dần ổn định, Vũ tạm biệt bản làng và bà con để hướng đến một nhiệm vụ nặng nề hơn. “Có trà ngon đã khó nhưng làm sao để quảng bá, bán ra được thị trường với giá trị kinh tế cao mới càng khó hơn. Bởi chỉ khi sản phẩm được tiêu thụ tốt thì mới tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con. Tôi may mắn từng có thời gian làm trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa nên có khá nhiều bạn bè để giới thiệu thương hiệu trà Shan tuyết Kỳ Sơn đến với mọi người”- anh Vũ khẳng định. Quá trình trò chuyện mới biết, Vũ tốt nghiệp Học viện Tài chính, từng có thời gian dài ở Đà Nẵng làm việc cho một công ty xuất, nhập khẩu. Năm 2015, chàng trai trẻ đã mở một công ty riêng chuyên về lĩnh vực đang theo đuổi, thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài. Quá trình tiếp cận với khách hàng quốc tế, Vũ nhận thấy tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thế giới rất rộng mở. Anh quyết định trở về Nghệ An khởi nghiệp với mong muốn đưa nông sản quê hương vươn xa.
Năm 2019, anh nhận làm quản lý cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương tại TP Vinh với khát khao đưa nông sản chất lượng của tỉnh Nghệ An ra thế giới. Chàng trai trẻ thiết kế cửa hàng thành một không gian mở, vừa giới thiệu, bày bán sản phẩm, vừa là nơi tham quan, mua sắm và trải nghiệm. Cửa hàng dần trở thành điểm đến của du khách và là địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng. Cũng từ đó, Vũ đi đầu trong hiện thực hóa mục tiêu “thu ngoại tệ từ đặc sản địa phương”. Chàng trai trẻ chọn trà Shan tuyết Kỳ Sơn là sản phẩm mũi nhọn hướng đến xuất khẩu. Anh đưa lục trà và hồng trà chế biến từ chè Shan tuyết Kỳ Sơn đi triển lãm, giới thiệu ở nhiều nước như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Sau hai năm hoạt động, doanh nghiệp của chàng trai trẻ đã thu mua ổn định búp chè tươi (tổng là 30 tấn nguyên liệu) cho đồng bào dân tộc Mông với giá tăng gấp đôi so với trước, đưa ra thị trường 5 tấn trà khô chất lượng cao.