Chàng trai với niềm đam mê chế tác đàn guitar thủ công
Ở thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), có một người thợ chế tác đàn guitar thủ công vẫn hàng ngày tỉ mẩn với những cây đàn guitar. Người thợ chế tác ấy là chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hải với niềm đam mê thanh âm của những cây đàn guitar được làm hoàn toàn thủ công. Để từ đó, thanh âm từ những cây đàn do anh làm ra đã đi đến nhiều nơi, ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với những người yêu đàn trên thế giới.
CĂN NHÀ CỦA ÂM THANH
Căn nhà nhỏ nơi gia đình Hải sống, cũng là xưởng làm đàn của anh, yên bình nép dưới tán hoa giấy tỏa sắc rực rỡ. Trong căn nhà đó, hàng ngày vẫn vang lên tiếng của dụng cụ chế tác va vào gỗ, tiếng của từng phím đàn so dây khi mỗi cây đàn được thành hình.
Cả ngày, Hải tỉ mỉ gọt đẽo và mân mê từng thớ gỗ. Xưởng chế tác nhỏ của anh chất đầy các bộ phận của hàng chục cây đàn gỗ đủ chủng loại đang được lắp ráp dang dở.
Năm nay 26 tuổi, một nửa thời gian trong số tuổi đó, anh Hải đã làm quen và gắn bó với cây đàn guitar. Yêu thích âm nhạc từ nhỏ, năm 13 tuổi, Hải được đi học đàn, lần đầu tiên được sở hữu cây đàn guitar của riêng mình. Niềm đam mê với âm nhạc ngày càng lớn, thôi thúc Hải tìm hiểu cách làm ra một cây đàn.
Những ngày còn là sinh viên ở thành phố Bảo Lộc, anh làm thêm cho một tiệm đàn ở gần trường. Ban đầu, anh chỉ làm những công việc đơn giản như thay dây, sửa khóa đàn… rồi dần dần trở thành người chế tác đàn guitar lúc nào không hay.
Mày mò tự nghiên cứu, học hỏi, năm 18 tuổi, anh tự tay làm cây đàn guitar thủ công đầu tiên. Hải đã gửi tất cả tâm hồn của mình vào đó, không chỉ bằng đôi tay tài hoa, mà còn bằng cả trái tim của người nghệ sĩ.
Bản thân Hải cũng cảm thấy đây là một nghề khó, kén người theo, bởi làm đàn guitar thủ công là nghề truyền thống xuất phát từ các nước châu Âu, đặc biệt là đất nước Tây Ban Nha. Khoảng cách địa lý xa xôi, tài liệu liên quan đến nghề thì rất đa dạng, vô cùng phong phú để tiếp cận, nhưng hầu như là bằng tiếng Anh.
“Để làm được một cây đàn guitar thì mình nhìn là đã có thể làm được. Nhưng để làm hay thì phải là những người có kinh nghiệm lâu năm, có truyền thống gia đình, tích lũy qua nhiều thế hệ thì dần dần tiếng đàn mới hay và chuẩn được”, Hải nói.
Do đó, anh Hải làm đàn chủ yếu tự mày mò, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm qua việc “lặn ngụp” trong các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội, trao đổi thêm với những người thợ làm đàn ở các địa phương, các nước khác.
Theo Hải, quy trình làm một cây đàn thủ công rất công phu, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong đó, công đoạn nào cũng quan trọng, thực hiện theo phương pháp thủ công hết sức tỉ mỉ, yêu cầu người thợ phải tập trung và chú tâm hết mực để có thể ra một thành phẩm hoàn chỉnh. Hơn hết, người thợ làm đàn guitar phải có sự đam mê, cũng như khả năng thẩm âm, am hiểu về âm nhạc thì mới có thể cho ra một cây đàn như ý.
Tuy nhiên, điều làm nên sự đặc biệt và cũng là công đoạn khó nhất trong làm đàn guitar là phần kỹ thuật xử lý âm thanh, “thổi hồn” cho đàn, làm sao cây đàn đến tay khách hàng được đón nhận với sự chuẩn chỉnh và yêu thích.
TIẾNG ĐÀN TỪ PHỐ NÚI VƯƠN XA
“Trung bình, người thợ sẽ mất khoảng 200 giờ đồng hồ để hoàn thành một cây đàn, nghĩa là nếu làm liên tục 8 giờ/ngày thì phải mất tầm 1 tháng. Do đó, một nghệ nhân chỉ làm được tối đa 14 - 18 cây đàn một năm. Chính vì vậy, người đặt đàn phải đợi từ 1 - 2 năm mới có được cây đàn của mình trong tay là chuyện bình thường”, anh Hải cho hay.
Từ cây đàn guitar thủ công đầu tiên được bán ra vào năm 2016, đến nay, đã có hơn 50 cây đàn được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo và sự tâm huyết của Hải được lưu hành trong nước và cả nước ngoài. Theo Hải, sự khác biệt lớn nhất của đàn thủ công đối với đàn công nghiệp là tính cá nhân trong một cây đàn. Người làm đàn cầm nắm, sử dụng vật liệu từ lúc thô sơ đến khi thành hình một cây đàn, họ chăm chút, tính toán từng chi tiết nhỏ cho cây đàn, thậm chí là làm theo âm thanh mà người chơi đàn mong muốn.
Chính vì dấu ấn cá nhân nên trị giá của cây đàn thủ công lớn hơn rất nhiều. Trung bình, một cây đàn guitar thủ công của Hải có giá từ từ 30 triệu trở lên. “Giá đàn phụ thuộc vào chất lượng âm thanh. Đó là một sản phẩm nghệ thuật, cho nên, giá bán là giá trị của âm thanh mình tạo ra chứ không chỉ là bán ra công sức mình làm việc” - Hải nói.
Sau khi đàn được hoàn thiện, Hải sẽ tự tay đánh thử, căn chỉnh cho âm thanh được hoàn hảo nhất rồi mới giao cho khách hàng. Anh cho biết khi khách hàng nhận được đàn sẽ hoàn toàn hài lòng từ mẫu mã cũng như âm thanh của cây đàn, đó là điều mà anh luôn hướng tới.
Tại xưởng đàn của Hải, các dụng cụ dùng để chế tác đàn cũng được anh sưu tầm theo thời gian. Đây cũng là một đam mê của anh, vì sưu tầm được một món đồ nghề làm mộc thủ công chuẩn và ưng ý cần có duyên và phải tìm kiếm ở trong nước và trên thế giới, và đây cũng chính là những dụng cụ để đảm bảo tính nguyên bản và tinh thần của loại đàn thủ công này.
Từ việc kiên trì theo đuổi đam mê, đến nay, Hải đã xây dựng được thương hiệu đàn guitar thủ công mang tên Hoàng Hải của riêng mình. Hiện nay, có khá nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trong và ngoài nước đã đặt hàng anh làm đàn để biểu diễn.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, Hải vẫn luôn nỗ lực, không ngừng nâng cao tay nghề để tạo ra những cây đàn guitar tốt nhất, đạt tiêu chuẩn và chất lượng cho những người yêu đàn. Sâu xa hơn, anh còn mong mỏi sẽ được truyền nghề cho những ai có cùng đam mê...