Chấp thuận phương án đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Ngày 22-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các Bộ ngành liên quan về dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Tại buổi làm việc, tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan đã báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác về tổng thể dự án. Theo đó, tuyến đường cao tốc khi được xây dựng có chiều dài 200,3km. Điểm đầu nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương – Prenn (TP. Đà Lạt).
Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 60km đi qua địa bàn huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2 dài 66km tiếp nối từ H.Tân Phú - TP. Bảo Lộc, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Giai đoạn 3 có chiều dài 73km, bắt đầu từ TP. Bảo Lộc đến huyện Đức Trọng, nối vào đường cao tốc Liên Khương - Prenn.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2 Tân Phú – Bảo Lộc, từ 51km - 67km, quy mô 4 làn xe sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2024, tổng nguồn vốn khoảng 18.200 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc phương án đầu tư dự án và chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước và đồng ý để tỉnh Lâm Đồng huy động mọi nguồn lực, như: tín dụng, phát triển quỹ đất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động nguồn vốn thực hiện dự án.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đánh giá là tuyến đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về mặt kết nối giao thông mà còn thúc đầy nền kinh tế - du lịch 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên phát triển; thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang - Đà Lạt - TP.HCM. Đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực.
Công trình có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 65.000 tỷ đồng, 4 đến 6 làn xe, tốc độ quy định 80km đến 120km/h. Thời gian di chuyển từ TP.HCM lên Bảo Lộc được rút ngắn khoảng 2 giờ; và từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc cũng chỉ mất 1 giờ đồng hồ.