Chặt chẽ, thận trọng, khả thi, tránh lạm dụng quyền lực

Tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính chặt chẽ, thận trọng, khả thi, tránh lạm dụng quyền lực, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Bảo đảm tính kịp thời của một nền tư pháp không chậm trễ

Thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 9.11, các ĐBQH đều nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), với quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì vật chứng vụ án hiện được xử lý như trả lại, tịch thu hay tiếp tục kê biên chỉ có thể áp dụng cả giai đoạn tòa án xét xử. Trừ một số trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định nếu vụ án được đình chỉ tại giai đoạn điều tra, Viện Kiểm sát sẽ quy định nếu của vụ án được đình chỉ tại giai đoạn truy tố.

 ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Trong thực tiễn rất nhiều vụ án lớn, có tính chất phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, có những vụ kéo dài từ một đến hai năm, thậm chí hơn, đến khi Tòa án giải quyết thì vật chứng là nhà xưởng, thiết bị, máy móc, phương tiện hầu như bị hỏng, không thể sử dụng được và chỉ còn là đống sắt vụn, gây rất lãng phí, thiệt hại lớn cho các bên đương sự. Đặc biệt là các vụ án liên quan đến việc cho vay của ngân hàng thương mại.

Từ đòi hỏi của thực tiễn, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, việc Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm xử lý vật chứng, tài sản là rất thiết thực, góp phần bảo đảm tính kịp thời của nền tư pháp không chậm trễ và tiết kiệm chi phí cho xã hội. “Cho dù cơ quan nào ra quyết định xử lý vật chứng cũng đều phải dựa trên khung pháp lý của nghị quyết, cũng như những quy định của pháp luật hiện hành phù hợp với cơ quan đó và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn và tránh các tranh chấp phát sinh, các ĐBQH cũng đề nghị bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, về biện pháp nộp tiền bảo đảm để cơ quan tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa quy định tại Mục 3.2 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Hữu Chính lưu ý, khi người bị buộc tội đã nộp đầy đủ số tiền thì họ có quyền lấy lại tài sản đã kê biên, hay nói cách khác họ có quyền sở hữu tài sản của mình. Dự thảo Nghị quyết chỉ giao cho họ có trách nhiệm bảo quản vật chứng là không khuyến khích người bị buộc tội nộp tiền khắc phục hậu quả do mình gây ra và vô tình tước bỏ quyền định đoạt của họ khi tang vật, tài sản đó không dùng để bảo đảm một nghĩa vụ khác.

Mặt khác, trên thực tiễn khi một người bị buộc tội sẽ thường bị áp dụng một số biện pháp như tạm giam, tạm giữ, cấm đi khỏi cư trú. Như vậy, việc giao tài sản cho người đó khai thác là hoàn toàn không khả thi và không phù hợp trong thực tế. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi điểm c, khoản 2 Điều 3 theo hướng quy định trả lại tài sản khi người bị buộc tội đã nộp tiền ngang với giá trị tài sản thu giữ, kê biên, nếu tài sản đó không phải thực hiện một nghĩa vụ khác theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Phải rõ tiêu chí

Tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các đồng sở hữu mua lại vật chứng, tài sản.

 ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Tán thành với quy định này, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nếu không tiếp tục được lưu thông trên thị trường, không tiếp tục được khai thác, sử dụng thì sẽ bị giảm hoặc mất giá trị. Tuy nhiên, những trường hợp nêu trên pháp luật chưa có quy định về thẩm quyền cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát được tổ chức bán tài sản do phải chờ phán quyết của Tòa án.

“Điều này dẫn đến các vật chứng, tài sản bị giảm giá trị do ảnh hưởng của thời gian, thời tiết, vừa gây bất lợi cho bị can, bị cáo”. Nhấn mạnh vướng mắc này, đại biểu cho rằng, việc dự thảo Nghị quyết cho thí điểm áp dụng các biện pháp này khi có đủ điều kiện tạo cơ sở pháp lý cho việc đưa vật chứng, tài sản vào lưu thông trên thị trường, qua đó giúp khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn đảm bảo việc thu hồi tiền thông qua việc bán các loại tài sản.

Nhưng, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng nêu vấn đề, tại khoản 2 Điều 3 quy định đối với vật chứng, tài sản chưa đủ điều kiện để mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật có thể cho nộp tiền bảo đảm. Trong khi, tại khoản 3 Điều 3 quy định cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật.

Hai biện pháp nêu trên được áp dụng đối với cùng loại vật chứng, tài sản. Do đó, đại biểu đề nghị, cần xác định rõ hơn tiêu chí và điều kiện để được áp dụng biện pháp cho nộp tiền lấy lại tài sản (khoản 2 Điều 3) và cho mua bán, chuyển nhượng tài sản thông qua đấu giá công khai (khoản 3 Điều 3).

 ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Để bảo đảm tính công bằng trong trường hợp này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần quy định việc mua bán, chuyển nhượng tài sản cần thực hiện đấu giá công khai tài sản trong mọi trường hợp. Tức là, sẽ cần bỏ quy định về biện pháp nộp tiền lấy tài sản tại khoản 2 Điều 3. Bởi lẽ, đấu giá công khai tài sản sẽ giúp tránh các trường hợp mua bán không minh bạch và tối ưu hóa giá trị tài sản. "Đây cũng là phương pháp minh bạch, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia cạnh tranh công bằng, đảm bảo thu về giá trị cao nhất từ tài sản", đại biểu nhấn mạnh.

Việc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm thi hành pháp luật công minh, bảo vệ tài sản của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Các ĐBQH cho rằng, nếu được triển khai thực hiện, Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đã bước đầu đặt nền móng cho quy trình xử lý này.

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn và tránh các tranh chấp phát sinh, các đại biểu cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thận trọng, khả thi, tránh lạm dụng quyền lực, bảo đảm quyền lợi của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, vừa kịp thời khắc phục thiệt hại, khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, các ý kiến tham gia bằng văn bản để tiếp thu, giải trình cụ thể từng nội dung, ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp thứ Tám để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết với chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chat-che-than-trong-kha-thi-tranh-lam-dung-quyen-luc-post395911.html