Chắt chiu hạt gạo cho đời
Những cơn mưa đầu mùa không thể cản bước chân ngày ngày ra 'viện lúa' của nông dân Hoa Sĩ Hiền (xã Tân An, TX. Tân Châu). Mỗi lần gặp lại, ông đều có chuyện mới kể cho tôi nghe. Rỉ rả bên ấm trà sứt sẹo, mà sao câu chuyện lại tròn đầy đến lạ!
Ông xách mấy ký gạo đủ màu cho tôi, từ trắng, đỏ đến tím. Gạo tím rất đặc biệt, màu đẹp như gạo lứt, xuất phát từ giống SH53; gạo đỏ nhạt từ giống SH32. Mỗi bọc chừng 1 - 2kg thôi, nhưng với ông, chúng quý hơn vàng, có tiền cũng khó mua được. Khó không phải vì chúng đắt tiền, mà vì ông lai tạo được bao nhiêu, đã thơm thảo cho đi bấy nhiêu. Mớ còn lại này, ông cứ nấn níu, cân nhắc mãi. Người nào ông cũng thương, cũng quý, cho người này thì sợ người kia buồn… Cuối cùng, ông tặng tôi, đứa “con gái nuôi” lẽo đẽo theo ông nhiều năm nay, “khều móc” đủ chuyện đời nông của ông lên báo.
Lần này, ông kể cho tôi nghe 2 chuyện vui. Chuyện thứ nhất, giống lúa SH58 (viết tắt tên ông) đang thay da đổi thịt, được trở thành nguồn cảm hứng phục tráng cho hạt gạo có tên “Chim Rơi”. Ngày xưa, loại gạo này xuất phát từ một giống lúa “lạ”, do chim tha về đánh rơi, ở mấy vùng miệt thứ Cà Mau. Qua thời gian gieo trồng, ông cha xưa thu được hạt gạo dài, thơm ngọt, dai dẻo. Tên gọi gạo Chim Rơi ra đời từ đó, lưu truyền đến sau này. Nhưng tiếc rằng, giống lúa thất truyền, con cháu bây giờ đành bó tay. Tình cờ, đối tác tìm đến, phát hiện giống SH58 của ông Hiền cũng thơm, cũng hạt nhỏ dài, cũng gạo trắng sữa, cực kỳ phù hợp với nước lợ, ruộng lúa - tôm. Ông sẵn lòng giao cho họ 40kg giống lúa về trồng thử. Không ngờ, hàng chục năm sau, giống lúa ấy được nhân rộng, lên mấy trăm tấn, gạo Chim Rơi cũng nổi tiếng xa gần.

Ông Hoa Sĩ Hiền (đeo kính) giới thiệu gạo từ lúa do ông lai tạo
Giống lúa SH63 cũng có hành trình thú vị như người anh SH58 của mình. Ông lai tạo thành công vào năm 2019 - 2020, từ giống lúa Hương thơm TC với SH31. Thành phẩm là hạt gạo dẻo, thơm, dài, ăn ít ngán. Đối tác lại tìm thấy cơ hội kinh doanh mới. Thế là, ông lại “chuyển giao” thêm “đứa con chất lượng” cho họ. Về sau, “đứa con” ấy được đặt tên rất đẹp: Gạo Nàng Tây. “Tâm nguyện của tôi là nhân rộng mọi giống lúa mình nghiên cứu, lai tạo ra được, mang cho đời càng nhiều càng tốt, mà không đòi hỏi bất kỳ chi phí tác quyền nào. Nhưng tôi dặn đối tác chừa một góc nhỏ trên bao bì, in hình ảnh của tôi, như một lời hứa dành cho người tiêu dùng rằng, đây là gạo của nông dân Hoa Sĩ Hiền” - ông dí dỏm chỉ vào gương mặt mình trên túi gạo.
Đó là hình ảnh đen trắng gương mặt khắc khổ của ông, nhưng bảnh bao, đầy tự hào trong chiếc áo vest. Ông tự hào vì đó là hình con gái lớn chụp cho mình, đã xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm lúa gạo trứ danh nhãn hiệu TC (Tân Châu, từ TC01 đến TC30) hơn chục năm trước. Sắp tới, cô con gái lại thiết kế thêm cho ông hình ảnh cách điệu mới, sử dụng cho những sản phẩm mới, minh chứng cho nguồn đam mê vô hạn của ông đối với hạt lúa.
Chuyện vui thứ 2 cũng liên quan đến lúa. Ngành nông nghiệp An Giang liên hệ với ông, khảo nghiệm trồng một số giống lúa chất lượng cao để phục vụ Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang. Ông thường dí dỏm rằng, trại giống của mình là “viện lúa nghèo nhất thế giới”. Nhưng cái nơi “cùi bắp” này lại có thể thực hiện thành công cả trăm giống lúa chất lượng cao, được nhiều trung tâm nghiên cứu lớn nhỏ đến trao đổi, phối hợp.
Từng hạt giống được trồng thí điểm nhiều nơi trong tỉnh, đem ra “so bó đũa chọn cột cờ”. Mấy “đứa con” sắp trình làng của ông đang “trưởng thành”, thể hiện bản lĩnh, đặc tính vượt trội qua từng mùa vụ, chờ ngày được “có tên tuổi” trên thị trường gạo Việt. Trong đó, SH63 cứng cây, thích nghi quy trình sản xuất giống cao sản, chống chịu sâu bệnh, năng suất trung bình khá, cho cơm ngon, dẻo… hứa hẹn là “ứng cử viên nặng ký” cho đề án này.
Gần trưa, lão nông Tô Vạn Triết (ngụ xã Vĩnh Hòa) “tiện đường” ghé chơi, xin bạn già Hoa Sĩ Hiền ly trà nóng cho ấm bụng. Họ say sưa nói chuyện về cây lúa, vườn trái cây, những điều thân thuộc với mình từ thuở biết đi, cho đến lúc tuổi xế chiều. Ông Triết từng làm lúa ngắn ngày, ưng bụng giống TC2 của ông Hiền lai tạo. Về sau, ông chuyển đổi cây trồng theo khuyến khích của địa phương, nên chọn lồng mứt làm kinh tế giai đoạn mới, chỉ giữ lại một ít đất trồng lúa. “Tôi thích mấy giống lúa của anh Hiền, thường nghe ảnh kể chuyện lai tạo hết giống này tới giống khác. Được hôm, ảnh cho tôi mớ gạo tím, vợ chồng tôi ăn dè xẻn bằng cách… thi thoảng nấu cháo. Gạo ngon nên nấu cháo ăn cũng ngon, ăn tới đâu biết thương quý hạt gạo của xứ mình tới đó” - ông Triết kể.
Sau mấy chuyện vui, khi bình trà nóng dần nguội, ông Hiền gửi lại tôi ít tâm sự. Mấy mươi năm gắn bó với ruộng rẫy, trở thành “nhà khoa học chân đất”, ông nghiệm ra rằng: “Ngoài chuyện lai tạo giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, còn phải nghĩ đến việc chăm bồi từ gốc rễ. Đất nuôi cây, cây nuôi người, thì người phải biết nuôi đất và cây hài hòa. Phân hóa học chỉ tốt cho cây, để lại phần cằn cỗi cho đất. Đất không biết nói chuyện, đành biểu lộ sự bất lực của mình khi bị khai thác quá mức. Làm nông thời đại mới, cần chú trọng bồi đắp, nuôi dưỡng cho đất thật tốt, rồi mới tính chuyện khai thác, hưởng thụ từ nguồn lợi cây trồng. Tôi mong điều này sẽ được nông dân lẫn nhà khoa học chú trọng nhiều hơn nữa, thực chất hơn nữa”.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chat-chiu-hat-gao-cho-doi-a421060.html