Chắt chiu những 'vùng xanh' cho 'mục tiêu kép'

có thể đảm bảo được 'mục tiêu kép' trong những ngày 'bão dịch' như thế này, cần lắm những nỗ lực để gìn giữ và nhân rộng những 'vùng xanh' quý giá, cần lắm sự chủ động, linh hoạt từ mỗi doanh nghiệp.

Trong bão táp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam lần này, báo chí truyền thông và cả các nhà quản lý nói nhiều tới quyết tâm “xanh hóa vùng đỏ” hay “giữ cho được những “vùng xanh” trong tâm dịch”… Nhưng để có thể đảm bảo được “mục tiêu kép” trong những ngày “bão dịch” như thế này, còn cần lắm những nỗ lực để gìn giữ và nhân rộng những “vùng xanh” quý giá, cần lắm sự chủ động, linh hoạt từ mỗi doanh nghiệp.

1. “Vượt Bangladesh, Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 toàn cầu”. Đó là dòng tít đã xuất hiện trên hàng loạt trang báo những ngày đầu tháng 8 vừa qua.

Trước đó, ngày 2/8, trang tin fashionunited.de dẫn số liệu thống kê mới nhất về thương mại thế giới năm 2021 do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố. Theo đó Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai toàn cầu với trị giá 29 tỷ USD trong năm 2020 - một vị trí Bangladesh đã liên tục nắm giữ kể từ năm 2010.

Cũng theo đánh giá thống kê thương mại của WTO, hàng may mặc của Việt Nam chiếm 6,4% thị phần thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.

Vượt Bangladesh, Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 toàn cầu.

Chưa hết, tại buổi gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép của ngành dệt may Việt Nam vừa diễn ra ngày 3/8 vừa qua, ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, 7 tháng qua, toàn ngành xuất khẩu đạt gần 23 tỷ USD so với mục tiêu khoảng 39 tỷ USD của năm nay.

Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng mạnh tới 217%, cao gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái và cao nhất trong 25 năm qua, tương đương 620 tỷ đồng.

2. “Sầu riêng Ri6 của Việt Nam “cháy hàng” tại Úc”. Đó cũng là dòng tít xuất hiện trên hàng loạt các trang báo ba bốn ngày qua. Các báo dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, 45 tấn sầu riêng Ri6 nhãn hiệu Ưu Đàm mặc dù hiện còn đang trên biển cũng “cháy hàng” vì các cửa hàng đã đặt mua hết. Giá sàn thấp nhất từ 18,99 AUD/kg đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả (tương đương 325.000 đồng/kg, theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank) và 20 - 25 AUD/kg đối với loại bóc sẵn (tương đương từ 340.000 - 427.000 đồng/kg).

Trước đó, hơn 15 tấn sầu riêng đông lạnh của Công ty Ưu Đàm xuất sang Úc cũng đã “cháy hàng” chỉ trong 2 ngày phân phối (từ 23 - 24/7/2021). Theo kế hoạch ghi nhớ với Thương vụ, Công ty Ưu Đàm sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Úc từ 100-150 tấn sầu riêng Ri6. Có thể nói, chỉ sau hơn 2 năm, sầu riêng Ri6 đã thực sự có chỗ đứng vững chắc tại thị trường khó tính như Úc.

Ngành nông nghiệp sẽ triển khai nhiều giải pháp quan trọng để xuất khẩu nông sản.

Những thông tin đáng mừng ấy không chỉ đến từ trái sầu riêng. Giữa tháng 7 vừa qua, lô nhãn Sông Mã (Sơn La) đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh. Giữa tháng 6/2021, 25 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng được xuất khẩu sang thị trường Úc. Tại đây, xoài Sơn La đã được quảng bá mạnh và bán với giá gần 300 nghìn đồng/kg. Xoài Sơn La cũng xuất khẩu thành công sang Anh và một số quốc gia EU khác.

Không chỉ sầu riêng, xoài, nhãn, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đã là điểm sáng của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đã đạt được kết quả khả quan với tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16%. Điều đáng kể là các mặt hàng trên 2 tỷ USD như cao su, sản phẩm gỗ, thủy sản... đang phát huy lợi thế, tăng trưởng mạnh mẽ trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

3. Giữa những ngày những tin tức dồn dập về những ca bệnh, ca tử vong vì Covid-19 không ngừng gia tăng, những thông tin tích cực từ trái sầu riêng Ri6, từ dệt may, nông sản Việt Nam thực sự là những liệu pháp tinh thần quý giá, truyền thêm nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng trong công cuộc chống dịch còn quá ư gian nan. Và quan trọng hơn cả, những tin vui ấy tiếp thêm cho mỗi người, đặc biệt là mỗi doanh nghiệp ngọn lửa niềm tin, rằng diễn biến quá khôn lường và phức tạp của dịch bệnh có thể khiến hành trình kinh doanh có thể thêm gập ghềnh, gian nan nhưng đôi khi cũng không hoàn toàn là bế tắc, là ngõ cụt, nếu mỗi cá thể, mỗi doanh nghiệp không ngừng nỗ lực tìm cho mình một lối thoát, dù là trong những khe hở rất hẹp.

Trở lại câu chuyện “gỡ lối phát triển”, “tìm hướng đi” của dệt may, của nông sản để thấy rõ hơn điều đó. Trước sự kiện dệt may Việt Nam “soán ngôi” dệt may Bangladesh, tờ Dhaka Tribune của Bangladesh cho rằng hàng may mặc của Việt Nam đa dạng hơn và giá cả cạnh tranh hơn.

Trên thế giới, Bangladesh là điểm xuất phát phổ biến của các mặt hàng sản xuất cấp thấp với mức giá rẻ. Trong khi đó, Việt Nam gần đây đã sản xuất nhiều hàng may mặc cao cấp với lực lượng lao động có trình độ.

Giáo sư Mustafizur Rahman - thành viên của Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh (CPD) thì nhấn mạnh không thể đổ lỗi cho đại dịch vì nội tại ngành may mặc của Bangladesh cũng có nhiều điểm yếu khi Việt Nam đang vượt xa về năng suất lao động, năng suất vốn và đa dạng hóa sản phẩm. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất, không chỉ là hàng may mặc thời trang nhanh (giá rẻ, hợp thời trang) mà còn cả quần áo và phụ kiện tầm trung và cao cấp.

Tại buổi gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép của ngành dệt may Việt Nam vừa diễn ra ngày 3/8 vừa qua, ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng hé lộ về nỗ lực “vượt dịch” của ngành.

Đơn cử như việc toàn ngành áp dụng phương châm “3 tại chỗ” là cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc, nên đảm bảo được 80% yêu cầu công việc so với lúc bình thường.

Các doanh nghiệp nắm được địa bàn cư trú của công nhân, các khu nhà trọ để cùng địa phương kiểm soát dịch bệnh, tránh khi dịch bệnh đến công nhân nghỉ việc hàng loạt. Cùng với đó là bố trí nhà ăn ngăn vách, thời gian ăn cố định theo mã số nhân viên. Có phương án chuẩn bị điều kiện 3 tại chỗ cho khoảng 10% công nhân để hoàn thiện đơn hàng khi xảy ra cách ly. Với các biện pháp đó, ngay cả khi xuất hiện ca F0 thì cũng chỉ cách ly 15 đến 20 người.

Với ngành nông sản, những thành công cũng không bỗng dưng mà có. Sự tăng trưởng vượt trội này có được là nhờ vào sự nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu, bên cạnh việc kiên định với việc đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn khắt khe còn là việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch Covid-19 cũng như nỗ lực mở rộng thị trường, tránh được tình trạng tập trung vào một số ít thị trường truyền thống. Ở đây không thể không kể tới vai trò “tiếp sức” rất quan trọng của Bộ chủ quản như Bộ NN&PTNT trong việc chủ động tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam, phối hợp đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở cửa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA…

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thành quả đã có nhưng sẽ không là bền vững nếu không chủ động, linh hoạt tìm lối ra. Đại diện Bộ NN&PTNT mới đây hé lộ với báo chí, rằng, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ triển khai nhiều giải pháp quan trọng như việc hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp, địa phương, các tham tán nông nghiệp ở các nước để xuất khẩu nông sản (đặc biệt là vải, nhãn đang vào vụ thu hoạch) sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới có thể khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị trở ngại, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng.

Để hỗ trợ cho xuất khẩu dệt may, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, song song với việc tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Để đảm bảo an toàn cho người lao động với dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tiến hành mua và tiêm vaccine cho người lao động…

Nếu mỗi bộ ngành, mỗi doanh nghiệp cứ chủ động, linh hoạt và chắt chiu từng “vùng xanh”, từng thành quả như thế, chúng ta hoàn toàn có thể vững niềm tin rằng, Việt Nam chúng ta sẽ vượt qua được bão dịch, nhất định sẽ bảo vệ thành công “mục tiêu kép”…

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chat-chiu-nhung-vung-xanh-cho-muc-tieu-kep-post149753.html