Chất giúp con người già nhưng không mất trí nhớ

Nghiên cứu mới cho thấy ăn nhiều hợp chất flavonols, chất chống oxy hóa có trong rau, trái cây, trà và rượu vang, có thể làm chậm tốc độ mất trí nhớ.

 Flavonols có hiệu quả trong việc giảm viêm và chống oxy hóa. Ảnh: Medpagetoday.

Flavonols có hiệu quả trong việc giảm viêm và chống oxy hóa. Ảnh: Medpagetoday.

Theo CNN, nghiên cứu mới cho biết người ăn nhiều flavonols nhất có điểm nhận thức giảm chậm hơn so với người ăn ít flavonols nhất là 0,4 đơn vị/thập kỷ.

Kết quả vẫn không đổi ngay khi điều chỉnh các yếu tố khác ảnh hưởng đến trí nhớ như tuổi tác, giới tính và hút thuốc, theo nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Neurology, tạp chí y khoa của Học viện Thần kinh Mỹ.

Tiến sĩ Thomas Holland, tác giả nghiên cứu, giảng viên khoa nội tại Trung tâm Y tế Đại học Rush, Chicago, cho biết: “Thật thú vị khi nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc lựa chọn chế độ ăn uống cụ thể có thể làm chậm tốc độ suy giảm nhận thức".

“Ăn nhiều trái cây, rau quả và uống nhiều trà là cách dễ dàng giúp mọi người duy trì sức khỏe não bộ”, tiến sĩ Holland nói.

Tiến sĩ David Katz, chuyên gia về y học dự phòng và lối sống, chuyên gia dinh dưỡng, cho biết flavonols có tác dụng bảo vệ tế bào bao gồm cả tế bào thần kinh. Vì thế, chúng có tác động trực tiếp đến nhận thức.

Các chất thuộc nhóm flavonols

Thực vật chứa hơn 5.000 hợp chất flavonoid, chất đóng vai trò tạo ra sự phát triển của tế bào, chống lại áp lực môi trường và thu hút côn trùng thụ phấn.

Flavonols, một loại flavonoid, có hiệu quả giảm viêm, nguyên nhân chính gây ra bệnh mạn tính, và cũng là nguồn giàu chất chống oxy hóa. Điều này đã được chứng minh trong các nghiên cứu ở động vật và người.

Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp, thuộc Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do, các phân tử không ổn định được hình thành một cách tự nhiên khi bạn tập thể dục và khi cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.

Một số nghiên cứu cho thấy quercetin, một trong những flavonols phổ biến nhất, có khả năng giảm sự khởi phát của ung thư đại trực tràng và các bệnh ung thư khác. Hành tây chứa hàm lượng quercetin cao nhất, và hàm lượng thấp hơn có thể được tìm thấy trong bông cải xanh, quả việt quất, súp lơ trắng, cải xoăn, tỏi tây, rau bina và dâu tây.

Kaempferol, loại flavonol phổ biến khác, dường như có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư đồng thời bảo tồn và bảo vệ các tế bào bình thường. Thực phẩm chứa kaempferol thường gặp là hành tây, măng tây và quả mọng. Nhưng nguồn giàu chất này nhất là rau bina, cải xoăn, các loại rau lá xanh khác, vài loại thảo mộc như hẹ tây, thì là và ngải giấm.

 Hành tây chứa hàm lượng quercetin cao nhất. Ảnh: Purecraftcbd.

Hành tây chứa hàm lượng quercetin cao nhất. Ảnh: Purecraftcbd.

Tác nhân chính thứ 3 là myricetin, đã được nghiên cứu trên loài gặm nhấm để kiểm soát lượng đường trong máu và giảm protein tau. Tau là loại protein gây ra các rối loạn đặc trưng của bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ khác.

Rau bina và dâu tây chứa hàm lượng myricetin cao. Ngoài ra, mật ong, quả lý chua đen, nho, quả mọng, rau, quả hạch và trà cũng giàu myricetin.

Nhóm flavonols cuối cùng là isorhamnetin. Chất này có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim mạch, bệnh thần kinh - mạch và có lợi ích trong việc chống khối u cũng như chống viêm. Nguồn isorhamnetin tốt là quả lê, dầu olive, rượu vang và nước sốt cà chua.

Dân số già hơn nhưng không mắc chứng mất trí nhớ

Nghiên cứu mới đã yêu cầu 961 người tham gia điền vào bảng câu hỏi về thực phẩm mỗi năm trong suốt 7 năm. Độ tuổi trung bình của người tham gia là 81 và họ không có dấu hiệu sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, họ đã trải qua các bài kiểm tra nhận thức, trí nhớ hàng năm cũng như được hỏi về thời gian họ dành cho hoạt động thể chất và tinh thần.

Mọi người được chia thành các nhóm dựa trên lượng flavonols hấp thụ hàng ngày. Lượng tiêu thụ thấp nhất là khoảng 5 mg/ngày. Nghiên cứu lưu ý lượng flavonols cao nhất là 15 mg/ngày, tương đương với khoảng một cốc rau lá xanh đậm. (Theo nghiên cứu, lượng flavonol trung bình ở người Mỹ trưởng thành là 16-20 mg/ngày.)

Nghiên cứu xem xét tác động của 4 loại flavonols chính là kaempferol, quercetin, myricetin và isorhamnetin đối với tốc độ suy giảm nhận thức trong 7 năm.

Ảnh hưởng lớn nhất được tìm thấy ở kaempferol. Người ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất này nhất có tốc độ suy giảm nhận thức chậm hơn 0,4 đơn vị/thập kỷ so với người ăn ít nhất.

Tiếp đó, người ăn nhiều thực phẩm có myricetin nhất có tốc độ suy giảm nhận thức chậm hơn 0,3 đơn vị/thập kỷ so với nhóm tiêu thụ ít nhất.

Người ăn nhiều thực phẩm có quercetin nhất có tốc độ suy giảm nhận thức chậm hơn 0,2 đơn vị/thập kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy isorhamnetin trong chế độ ăn uống không có ảnh hưởng đối với việc suy giảm nhận thức.

Hạn chế của nghiên cứu

Mặc dù có những mặt tích cực rõ ràng, các nghiên cứu về ảnh hưởng của flavonols đối với sức khỏe con người vẫn chưa có kết luận. Nhiều nghiên cứu chủ yếu chỉ mang tính quan sát và không thể chỉ ra nguyên nhân cũng như kết quả trực tiếp.

Tiến sĩ Katz nói: “Có những hoạt chất sinh học khác đóng góp vào kết quả quan sát. Các nghiên cứu bổ sung được yêu cầu để cô lập đầy đủ tác dụng của flavonoid”.

Tiến sĩ Christopher Gardner, giáo sư nghiên cứu về y học, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Dinh dưỡng tại Đại học Stanford, cho biết cũng có nhược điểm khi giả định ảnh hưởng đến sức khỏe mà không có các nghiên cứu cần thiết để chứng minh.

Theo CNN, tiến sĩ Gardner cho biết trong email rằng: “Người Mỹ muốn nhận được lợi ích từ thực vật nhưng không muốn ăn chúng. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đọc tiêu đề và đổ xô đi mua flavonols (dạng chiết xuất) đóng chai thay vì ăn thực phẩm hoàn toàn từ thực vật. Hóa ra, điều họ cần có thể không chỉ chất flavonol mà là sản phẩm chứa tất cả chất dinh dưỡng từ thực vật”.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chat-giup-con-nguoi-gia-nhung-khong-mat-tri-nho-post1380647.html