Chất lính giữa thời bình

Anh dũng trong thời chiến, tích cực phát triển kinh tế trong thời bình là tinh thần của thương binh Phạm Ngọc Thanh (SN 1953) ngụ ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Ông là tấm gương sáng, điển hình làm theo lời Bác dạy 'Thương binh tàn nhưng không phế'.

Đến thăm gia đình ông Thanh, nhìn căn nhà rộng và khang trang, không ai nghĩ rằng chủ nhân là vợ chồng thương binh đã hơn 70 tuổi. Bên tách trà nóng, ông Thanh trầm ngâm kể về quãng thời gian ông tham gia kháng chiến và những ngày đầu làm kinh tế đầy khó khăn, vất vả…

Ông Phạm Ngọc Thanh (bên phải) trao đổi với cán bộ xã về sản xuất, phát triển kinh tế gia đình

Ông Phạm Ngọc Thanh (bên phải) trao đổi với cán bộ xã về sản xuất, phát triển kinh tế gia đình

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Khi cuộc chiến ở miền Nam đang trong giai đoạn căng thẳng, khốc liệt, với tinh thần yêu nước mãnh liệt, ông quyết tâm từ giã mẹ già tham gia chiến đấu. Năm 1973, ông nhập ngũ và được huấn luyện tại Sư đoàn 372, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1974, trong một trận đánh ác liệt ông bị thương và được đồng đội đưa vào điều trị tại bệnh viện huyện Sơn Tịnh. Sau thời gian điều trị tích cực, ông tiếp tục trở lại cùng đồng đội chiến đấu. Sau khi miền Nam được giải phóng, ông vẫn phục vụ trong quân đội. Đến năm 1978, ông trở về địa phương làm kinh tế và lập gia đình.

Trở về cuộc sống đời thường với nhiều vết thương trên cơ thể, là thương binh 4/4 và bị nhiễm chất độc hóa học, ông Thanh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ông quyết không đầu hàng số phận. Năm 1985, gia đình ông vào Bình Phước lập nghiệp. Với ý nghĩ “đã thắng được quân thù thì cũng phải chiến thắng đói nghèo”, ông cùng vợ luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ lao động và luôn tìm tòi, tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để mang lại hiệu quả cao nên kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển. Hiện hộ ông có 3 ha cao su, điều và 2 ha sầu riêng cho thu nhập trung bình mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Thanh cho biết: “Nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình là nghĩa vụ, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ trong thời bình. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình”.

Dù mang trong mình nhiều thương tật do chiến tranh để lại nhưng ông Thanh và gia đình luôn đi đầu, gương mẫu trong các hoạt động của Hội CCB xã, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, được nhân dân và đồng đội yêu quý, noi theo. CCB Phạm Ngọc Thanh là điển hình làm theo lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, không ngại khó ngại khổ, quyết tâm vươn lên, chiến thắng ở tất cả mặt trận.

Chủ tịch Hội CCB xã Đồng Tâm NGUYỄN VĂN THÀNH

Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, vợ chồng ông Thanh còn nhiệt tình trong các hoạt động tại địa phương như tham gia Hội Cựu chiến binh (CCB) xã, “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi”, “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”… để giúp đỡ hội viên CCB, nhất là những người hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Bên cạnh đó, ông còn tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo và phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, như ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 xã 30 triệu đồng; ủng hộ xây nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã 22 triệu đồng...

Trên địa bàn huyện Đồng Phú còn rất nhiều tấm gương thương binh tiêu biểu trên các lĩnh vực. Họ là đại diện cho một thế hệ anh hùng, những người đã hy sinh xương máu, xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi cầm súng chiến đấu họ luôn anh dũng, kiên trung. Khi trở về cuộc sống đời thường họ cũng vượt qua tất cả trở ngại để tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/160692/chat-linh-giua-thoi-binh