Chắt lọc truyền thống, kiến tạo tương lai

Trong xu thế toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, thay vì nệ cổ, cần có sự kết hợp hài hòa để tạo ra những công trình vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Giữa nan đề tính quốc tế và địa phương

Với 54 dân tộc trải dài trên toàn lãnh thổ, cùng sự giao lưu, tiếp biến, va chạm văn hóa diễn ra trong hàng nghìn năm lịch sử đã tạo cho Việt Nam quỹ kiến trúc hết sức phong phú và đa dạng. KTS. Hoàng Thúc Hào, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận diện: đất nước ta không có các di tích kiến trúc đồ sộ, nhưng lại có nhiều di tích thuộc nhiều loại hình, thể hiện truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc. Hầu hết công trình có phong cách giản dị, khiêm nhường, nhẹ nhàng, khoáng đạt, phù hợp với phong tục, tập quán và khí hậu địa phương. Về tổ chức không gian nội, ngoại thất phản ánh các quan niệm, triết lý của nhân sinh, tôn giáo - tín ngưỡng và truyền thống các dân tộc.

Cùng ý kiến, ThS.KTS. Nguyễn Thị Hương Mai, Viện Bảo tồn di tích cho rằng, kiến trúc cổ truyền ở Việt Nam đa dạng về loại hình, từ kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đến các công trình kiến trúc công cộng, dân gian truyền thống, nhưng không có sự khác biệt nhiều về kết cấu. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ và vật liệu tự nhiên sẵn có quanh nơi cư trú.

 Viết tiếp câu chuyện truyền thống kiến trúc Việt (trong ảnh là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Tckt.vn

Viết tiếp câu chuyện truyền thống kiến trúc Việt (trong ảnh là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Tckt.vn

Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có một loại hình kiến trúc mang bản sắc riêng nhưng dựa trên cơ tầng văn hóa chung, góp phần làm nên sự phong phú của kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Các công trình kiến trúc truyền thống Việt có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật. Nếu biết khai thác, phát huy các giá trị này không chỉ góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc dân tộc mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục cho cộng đồng và địa phương.

Thực tế, việc nghiên cứu, nhận diện và khai thác những giá trị, yếu tố đặc trưng dân tộc, tính Việt Nam trong kiến trúc từ lâu đã là trăn trở của các kiến trúc sư trong nước. Tuy vậy, theo TS.KTS. Trương Ngọc Lân, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự cọ sát, cạnh tranh của các luồng tư tưởng văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Kiến trúc luôn bị đặt trong nan đề giữa tính quốc tế và tính địa phương. Một mặt, kiến trúc phải nói được tiếng nói của thời đại, biểu đạt được sự phát triển của xã hội, của đất nước. Nhưng mặt khác, kiến trúc là sản phẩm của một địa phương, một quốc gia, một cộng đồng dân tộc cụ thể. Trong bối cảnh một đất nước vượt qua hơn nửa thế kỷ chiến tranh giành độc lập như Việt Nam thì khát vọng biểu đạt tính địa phương, tính dân tộc đó càng mãnh liệt.

Bởi vậy, nhìn bề ngoài, nền kiến trúc Việt Nam từ năm 1986 tới nay dường như ngày càng đi theo các xu hướng toàn cầu hóa, tiếp cận mặt bằng kiến trúc đương đại thế giới, từ thể loại, công nghệ, vật liệu cho tới phong cách tạo hình. Nhưng vẫn có nhiều tác phẩm đi theo con đường kế thừa, phát huy và làm mới các yếu tố truyền thống trong kiến trúc đương đại ở các phương thức và mức độ khác nhau. Nhiều công trình thuộc nhóm này có chất lượng tốt, được khẳng định qua nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước.

Tránh nệ cổ, sao chép máy móc

Thời gian qua, đã có nhiều hướng tiếp cận để kế thừa và phát huy giá trị xưa trong kiến trúc đương đại, như diễn hình kiến trúc truyền thống; khai thác các hình tượng văn hóa Việt Nam; phát huy giải pháp tương tác cảnh quan môi trường của kiến trúc truyền thống; đổi mới kỹ thuật kiến tạo và vật liệu truyền thống…

Tuy nhiên, KTS. Hoàng Thúc Hào nhận thấy, việc phát huy tiếp biến giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc đương đại chủ yếu mới dừng ở những thử nghiệm của một số kiến trúc sư đơn lẻ, chưa tạo thành trào lưu mạnh mẽ để khẳng định tính tự lập, tự cường và phát huy tinh thần bản địa, giá trị truyền thống trong kiến trúc. Bên cạnh đó, thủ pháp sáng tác chủ yếu là khai thác những biểu hiện hình thức, hoặc tệ hơn là sao chép, cóp nhặt những kiến trúc của quá khứ mà chưa làm rõ được “tinh thần Việt”. Tình trạng nệ cổ và nhái lại các hình thức kiến trúc xưa cũ ở khắp các vùng đô thị và nông thôn, nhất là tại miền Bắc đã và đang trở thành một căn bệnh trầm kha không dễ giải quyết ngày một ngày hai.

KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, nhấn mạnh, những đặc trưng, giá trị được chắt lọc từ kiến trúc truyền thống, cùng với các tinh hoa của nền văn hóa dân tộc chính là cốt liệu để thế hệ đương đại kết hợp với nguồn lực và tiến bộ khoa học của hiện tại sáng tạo nên kiến trúc của thời đại, duy trì và kiến tạo truyền thống mới, tiếp tục tạo lập và làm giàu thêm bản sắc kiến trúc Việt Nam. Dù vậy, để kế thừa chất Việt trong thiết kế kiến trúc đương đại cần tiếp cận, tìm hiểu kiến trúc truyền thống một cách đầy đủ, hệ thống và khoa học từ nguồn gốc, bản chất đến đặc điểm, giá trị. Qua đó, các kiến trúc sư thời nay có thể trang bị thêm tri thức nghề nghiệp từ kinh nghiệm của các thế hệ trước để hành nghề, sáng tạo.

Hiện nay, tính địa phương, tính dân tộc của kiến trúc Việt nhiều khi được đánh giá một cách đơn giản dựa trên những dấu hiệu, hình ảnh thị giác từ hình thức của công trình. Việc vận dụng, kế thừa, phát triển, thậm chí làm mới truyền thống trong kiến trúc chỉ có thể thành công nếu có một cuộc đối thoại giữa truyền thống với những đòi hỏi, thách thức từ hiện đại. Thời gian tới, cần có những nghiên cứu, chính sách, giải pháp khuyến khích, thúc đẩy xu hướng thiết kế theo hình thức hiện đại trên cơ sở kế thừa các yếu tố truyền thống Việt, kết hợp chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới và áp dụng công nghệ tiên tiến, bền vững, tiết kiệm năng lượng, kiến tạo môi trường sống ngày càng bền vững, đậm tính nhân văn và bản sắc Việt Nam.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chat-loc-truyen-thong-kien-tao-tuong-lai-post397559.html