Chất lượng cán bộ tư pháp quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án

Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, chất lượng của cán bộ tư pháp quyết định rất lớn, thậm chí có tính quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án, cuối cùng là chất lượng của nền tư pháp. Mỗi sự không 'chí công vô tư' trong 'phụng công thủ pháp' của thẩm phán đều có thể ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân.

Sáng 14-6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm việc với Tòa án nhân dân tối cao để lắng nghe về tình hình tổ chức và hoạt động của ngành tòa án nhân dân; những khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị.

Cùng dự có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

 Chánh án Nguyễn Hòa Bình đón Chủ tịch nước Tô Lâm tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh: TRIỆU HỒ

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đón Chủ tịch nước Tô Lâm tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh: TRIỆU HỒ

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng khi đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao - cơ quan có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong bộ máy nhà nước, trực tiếp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch nước khẳng định, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử thời gian qua của các tòa án ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành tòa án, trong đó có tỷ lệ giải quyết các loại vụ án đạt cao; chất lượng ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm dần qua các năm và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra; thời gian gần đây chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Đổi mới trong công tác xét xử được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Các vụ án lớn, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng trọng điểm được đưa ra xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người phạm tội, góp phần quan trọng thực hiện và khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

 Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRIỆU HỒ

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRIỆU HỒ

Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, Chủ tịch nước đề nghị tòa án các cấp cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp, khả thi nhằm khắc phục cho được những hạn chế, bất cập, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo đó, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án nhân dân tập trung xây dựng nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, pháp quyền, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, có nhiệm vụ nâng cao chất lượng xét xử, tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế tiến tới không để xảy ra các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan. Nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm khi phát hiện các bản án sai sót.

Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành tòa án nhân dân đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự trong sạch, thanh liêm, chính trực, đặt lợi ích chung của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân lên trên hết, trước hết.

Chất lượng của cán bộ tư pháp quyết định rất lớn, thậm chí có tính quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án, cuối cùng là chất lượng của nền tư pháp. Mỗi sự không “chí công vô tư” trong “phụng công thủ pháp” của thẩm phán đều có thể ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân.

 Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRIỆU HỒ

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRIỆU HỒ

Đồng thời, ngành tòa án nhân cần chủ động nghiên cứu và sẵn sàng các phương án đối với thực hiện nhiệm vụ của tòa án trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Tập trung giải quyết các vụ án, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, nhất là những vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng và thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại. Khắc phục triệt để tình trạng Thẩm phán nể nang, ngại va chạm khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Cùng với đó, ngành tòa án nhân dân cũng cần tăng cường xây dựng thể chế bảo đảm áp dụng thống nhất trong xét xử. Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bảm đảm các điều kiện và nguồn lực xây dựng hệ thống tòa án trong sạch, vững mạnh.

 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRIỆU HỒ

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRIỆU HỒ

Tại buổi làm việc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ tiếp tục cùng nhau đoàn kết để khắc phục những khó khăn, tồn tại hạn chế mà Chủ tịch nước đã chỉ ra. Phát huy những thành tựu đã đạt được và hoàn thành tốt nhiệm vụ, lời căn dặn mà Chủ tịch nước giao, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ kỷ cương, kỷ luật, trong sạch vững mạnh.

Trước đó, theo báo cáo về hoạt động của các tòa án nhân dân, số lượng các loại vụ việc mà tòa án phải giải quyết bình quân những năm gần đây tăng khoảng 8%/năm với tính chất đa dạng, phức tạp nhưng các tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nên chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được đảm bảo và có nhiều tiến bộ.

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng hơn 39.600 vụ so với cùng kỳ năm trước nhưng các tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 62,68%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,82%.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chat-luong-can-bo-tu-phap-quyet-dinh-cao-nhat-doi-voi-chat-luong-ban-an-post744548.html