Chất lượng rừng trồng ra sao?

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển, tăng năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất gắn với tăng cường quản lý, bảo vệ rừng.

Chất lượng rừng trồng ra sao

Ươm giống rừng trồng.

Ươm giống rừng trồng.

Chú trọng trồng rừng

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua công tác trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được chú ý kiểm soát kỹ hơn về quy trình kỹ thuật, loài cây trồng, mức đầu tư, để đảm bảo tỷ lệ sống và chất lượng rừng trồng. Công tác sản xuất giống có bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, nguồn giống đưa vào trồng rừng bình quân 3,5 triệu cây/năm, được sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của Chi cục Kiểm lâm đối với đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Riêng trong vụ trồng rừng mùa mưa năm 2021, theo kế hoạch toàn tỉnh sẽ trồng 2.250 ha rừng tập trung, trong đó trồng rừng sản xuất 2.030 ha. Đến nay, các đơn vị chủ rừng đã và đang tập trung chuẩn bị đất và cây giống để phục vụ trồng rừng, gieo ươm được 1,93 triệu cây giống các loại. Đồng thời, triển khai trồng gần 300 ha rừng sản xuất (đạt 12,8% KH). Song song đó tỉnh cũng thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp 132.170 ha, chú trọng quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đặc biệt, lưu ý tình hình phá rừng ở các vùng trọng điểm, vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận, nhằm hạn chế thấp nhất những vụ việc vi phạm xảy ra. Từ nay đến cuối năm, ngành đang nỗ lực triển khai thực hiện kế hoạch lâm sinh năm 2021, đẩy mạnh trồng rừng đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Nhìn lại 5 năm (2016 - 2020) thực hiện tái cơ cấu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp tiếp tục được tăng cường. Tỉnh tiếp tục chú trọng quản lý, bảo vệ tốt gần 278.000 ha rừng tự nhiên trong quy hoạch lâm nghiệp và 6.782 ha rừng tự nhiên ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Đồng thời, tổ chức giao khoán bảo vệ rừng gần 133.000 ha rừng.

Đáng chú ý, hàng năm có khoảng 1.000 ha trồng rừng sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao từ cây keo lai hom và cấy mô để nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất từ sản phẩm gỗ nguyên liệu, công nghiệp chế biến đến khâu tiêu thụ… theo mô hình quản lý, sử dụng rừng bền vững (FSC). Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.500 ha giống cây keo lai cấy mô dòng TB1, TB10 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn, ước tính năng suất đạt từ 180 - 200 m3/ha. Thực tế hiện nay, phát triển rừng trồng gỗ lớn còn hạn chế, trong khi biên chế của lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cần làm thời gian tới là kiểm tra, rà soát lại tổng diện tích rừng để có biện pháp quản lý, bảo vệ chặt chẽ gắn với tăng cường các biện pháp bảo vệ đất lâm nghiệp, không để lấn chiếm trái phép. Cùng với đó, nghiên cứu phát triển, trồng tái tạo các loài cây bản địa, góp phần nâng cao độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch bền vững gắn với rừng. Trong đó, cân nhắc kỹ và thận trọng, bảo đảm hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển bền vững khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, bảo đảm đúng quy định.

Từ năm 2016 - 2020, diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh đạt 15.954 ha, trong đó rừng sản xuất 15.048 ha. Đến năm 2020, diện tích rừng trồng sản xuất toàn tỉnh đạt 43.000 ha, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43%, đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 (43%).

K.Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/chat-luong-rung-trong-ra-sao-140309.html