Giá cà phê tăng và những nỗi lo của cả người sản xuất và kinh doanh
Thời gian qua, giá cà phê tăng khiến người dân, HTX trồng cà phê có thêm thu nhập. Trong khi đó, những đơn vị kinh doanh, thu mua cà phê, chủ cửa hàng café thì đang trong những ngày mất ăn mất ngủ vì lo lắng.
Người dân ở một số địa phương Tây Nguyên gần đây thường nói vui với nhau "sáng đi người không ra vườn, tối về có thể thành "đại gia", thu hàng chục triệu đồng vì cà phê đang lên giá. Tuy không thể so với nhiều ngành nghề khác vì cả năm mới có một vụ thu hoạch cà phê, nhưng năm nay, cà phê tăng giá, nên người dân, thành viên HTX phấn khởi hơn.
Đặc biệt, giá cà phê Robusta trên thế giới vừa bất ngờ tăng vọt thêm hơn 300 USD/tấn, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5.533 USD/tấn, cao hơn kỷ lục cũ 6 USD được ghi nhận vào ngày 26/9/2024.
Lo chất lượng khi thu hoạch
Theo anh Nguyễn Văn Tiến, người dân ở Đăk Đoa (Gia Lai), hiện trong vụ thu hoạch cà phê, mỗi xe công nông chở được trung bình 30 bao, mỗi bao khoảng 12kg, tổng khoảng 360kg. Với mức giá 127.000 đồng/kg thì người trồng mỗi ngày thu 45-46 triệu đồng...
Giá cà phê tăng cao và đang vào vụ thu hoạch rộ, nhiều người dân ở Huế, Quảng Nam, Bình Định… đổ xô về các vùng chuyên canh để đi hái thuê cà phê.
Theo khảo sát, hiện mức giá thuê hái cà phê ở Tây Nguyên từ 4.000 – 5.000 đồng/kg tươi. Mức giá thuê hái ở Sơn La là khoảng 3.000 đồng/kg tươi. Với mức giá này, một lao động nếu làm việc cao độ có thể hái được trên 1 tạ quả tươi/ngày, thu nhập đạt từ 400.000 – 500.000 đồng. Đây là mức thu nhập khá cao cho người làm thuê.
Thống kê tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, hầu hết các địa phương đều thiếu lao động thu hoạch cà phê. Như Đắk Nông có trên 131.000ha cà phê đang cho thu hoạch nên cần 257.000 lao động, nhưng nguồn lao động tại địa phương chỉ khoảng 122.000 người, mới đáp ứng được 50% nhu cầu.
Năm nay, giá cà phê tăng cao nên đầu vụ đã xuất hiện tình trạng mất trộm cà phê ở không ít địa phương. Đi liền với đó, việc khan hiếm lao động dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng, đẩy giá nhân công lên cao. Vẫn có tình trạng nhân công hái thuê cà phê giấu trộm cà phê, hoặc tranh thủ hái nhưng không hết để hết buổi đi mót.
Một vấn đề nữa là hầu hết các chủ vườn, HTX chỉ thỏa thuận bằng miệng những yêu cầu cơ bản với người làm thuê. Điều này dẫn đến khó đảm bảo chất lượng cà phê khi thu hái và không nâng cao trách nhiệm trong quá trình làm việc dù mùa cà phê mới chỉ diễn ra hơn 1 tháng.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX nông sản Khe Sanh (Quảng Trị), cho biết nếu thuê nhân công, đòi hỏi phần lớn vào cái tâm của người lao động. Thực tế vẫn có tình trạng lao động hái thuê nhưng làm ẩu, thu hoạch cả quả xanh và quả chín dẫn tới không bảo đảm chất lượng.
HTX Khe Sanh mỗi năm thu mua khoảng 4.000 tấn cà phê quả tươi. Do đặc điểm sinh học của giống cà phê Arabica là không chín đồng loạt nên yêu cầu đặt ra đối với lao động thu hoạch phải chọn lọc, tỷ lệ trái chín đỏ đạt trên 95%. Cách thu hoạch này nhằm giữ hương vị cà phê, qua đó nâng cao thương hiệu sản phẩm.
Vì thế, việc HTX chủ động thu hoạch rải theo khả năng chín của cà phê cần đi liền với việc thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thu hái của người dân, lao động làm thuê để kịp thời chấn chỉnh mới đảm bảo chất lượng theo quy định.
"Bão táp" với chủ cửa hàng café
Ngoài vấn đề làm sao đảm bảo chất lượng trong quá trình thu hái của lao động, việc giá cà phê tăng liên tục dù đang vào mùa thu hoạch rộ cũng khiến không ít đơn vị cung ứng, bán café đứng ngồi không yên.
Anh Trần Văn Tiến, chủ của hai cửa hàng café ở Hà Nội, cho biết gần Tết mà “bão táp” lại tới. Cửa hàng của anh lấy cà phê nguyên liệu từ đầu tháng đến nay giá đã tăng lần thứ 4 rồi mà giá bán café ở quán hiện anh vẫn chưa dám tăng vì tăng thì sợ mất khách, khó cạnh tranh.
Trong khi đó, chị Lê Hà Thùy Tiên, chủ chuỗi cửa hàng café ở TP Đà Nẵng đã phải tăng giá café lên thêm 3.000 đồng/ly một tuần nay. Trước khi tăng, chị có dán thông báo để khách nắm bắt được tình hình. “Khách uống quen vị và biết chất lượng thì họ đều không phàn nàn gì”, chị Tiên chia sẻ.
Dự báo nguồn cung cà phê trên thế giới thiếu hụt vì Việt Nam và Brazil là hai nước cung ứng phần lớn cà phê ra thế giới đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu làm giảm sản lượng. Tại Việt Nam, nhiều người dân, HTX cũng chuyển sang trồng xen canh cà phê với một số cây khác như hồ tiêu, sầu riêng nên càng thu hẹp diện tích.
Bên cạnh đó, trước khi quy định chống mất rừng của EU (EUDR) đi vào thực tiễn, các nhà thu mua trên thế giới đang tập trung thu mua để hạn chế những khó khăn về sau khi nguồn cung của các nước trồng cà phê sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này. Vì vậy, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng và ở mức cao.
Đại diện cơ sở cung ứng cà phê Nhất Khu cho biết, sau khi giá cà phê tăng sốc, nhiều khách hàng lo lắng gọi điện và bày tỏ bất an trước tình trạng giá cà phê biến động.
Là cơ sở cung ứng nhưng đơn vị này cũng lo lắng trước tình trạng giá cà phê cao mà không có hàng để thu gom, chế biến cung ứng ra thị trường, nguyên nhân là bởi nhiều người đang coi cà phê là một kênh đầu tư nên đẩy mạnh thu gom.
Điều này khiến các đơn vị kinh doanh trong ngành ngành thực phẩm đồ uống, quán café gặp không ít khó khăn. Trong khi ngành hàng này đang chịu không ít rủi ro khi đầu tư chi phí khủng nhưng lại nhặt tiền lẻ từng cốc café mỗi ngày". Chi phí từ tiền nhân công, tiền thuê mặt bằng cộng với giá cà phê nguyên liệu tăng cao gấp 2-3 lần chỉ sau 2 năm đang khiến không ít chủ cửa hàng hoang mang.
Theo báo cáo thị trường F&B của iPOS, 30.000 cửa hàng trong lĩnh vực F&B đã đóng cửa trong 6 tháng đầu năm 2024 do khủng hoảng kinh tế, người dân tiết kiệm chi tiêu đã phần nào phản ánh khó khăn của các cửa hàng café.
Dưới góc độ là một đơn vị vừa sản xuất vừa kinh doanh cửa hàng café và cung ứng cà phê nguyên liệu, anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Núi Lu (Gia Lai), cho biết chỉ sau một đêm, giá cà phê đã tăng thêm 10% và tùy từng cơ sở mà giá cung ứng cà phê nguyên liệu đang ở mức khác nhau.
Riêng với đối tác, khách hàng của HTX khi đã thực hiện ký hợp đồng hợp tác cũng được cam kết mức giá bán ổn định, không lo biến động giá thị trường.
Nếu như trước đó, khách hàng ký hợp đồng với HTX mua cà phê loại 1 chuẩn robusta honey là 250.000 đồng/kg thì đến nay, nếu vẫn trong thời hạn hợp đồng thì giá không đổi. Nhưng yêu cầu khi làm hợp đồng, khách phải đặt cọc, thanh toán 50% giá trị hợp đồng, số tiền cọc sẽ được HTX khấu trừ khi kết thúc hợp đồng.
“Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng giá cà phê tăng cao có lợi cho người trồng cà phê nhưng cũng tạo ra áp lực cho người kinh doanh. Dưới góc độ là đơn vị đang làm ở tất cả những khâu này, HTX vẫn muốn liên kết lâu dài với khách mua hàng, vừa muốn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người trồng cà phê”, anh Tuyền chia sẻ.
Còn trong kinh doanh, các chuyên gia cho rằng giữa lúc giá cà phê tăng cao và chưa có điểm dừng như hiện nay, những ai dư tiền, có mặt bằng sẵn, chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định thì hãy đầu tư vào mô hình cửa hàng đồ uống, café. Còn đi vay nợ làm quán café và nhập từng cân cà phê thì rất khó thu lời trong tình hình này.