'Chất' sẽ thay 'lượng'!

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của nước ta tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản. Sản lượng ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá gạo của Việt Nam cao xấp xỉ Ấn Độ và cao hơn Thái Lan. Với kết quả này, mục tiêu xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn, giá trị đạt hơn 4 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn khả quan và nếu đạt được, đây sẽ là mức kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạo nước ta.

Đương nhiên, đây là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng đi kèm với đó cũng cần phải có cách nhìn xa, rộng hơn đó là phải tái cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng giảm sản lượng, nâng cao chất lượng, giá trị và bảo đảm an ninh lương thực trong nước chứ không phải chỉ thiên về sản lượng. Bởi thực thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại..., việc phát triển thị trường xuất khẩu gạo phải xác định lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu.

Để thực hiện được điều này, một trong những cơ sở trọng là Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát là phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả. Củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA.

Gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển. Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu. Tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường. Xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng cao và giá trị cao, nâng cao giá trị, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Về mục tiêu cụ thể, Chiến lược đặt mục tiêu tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD. Trong giai đoạn 2023 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%. Các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%.

Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%. Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030. Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.

Cần nhấn mạnh rằng, ngoài Chiến lược này, các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng nêu rõ việc điều hành xuất khẩu gạo phải bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc là góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả... chứ không phải chỉ ưu tiên cho xuất khẩu.

Vậy nên cùng với những mục tiêu trong Chiến lược Chiến phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, những quy định tại Nghị định 70, vấn đề an ninh lương thực trong nước sẽ được bảo đảm. Đặc biệt, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể hướng đến phát triển về "chất" hơn là "lượng".

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/chat-se-thay-luong-i338085/