Chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quan tâm tài năng thay vì chỉ xây nhà hát

Cơ chế, chính sách về mức lương, chế độ bồi dưỡng là yếu tố quan trọng để nghệ sĩ quyết tâm bám trụ với nghề. Chính sách linh hoạt, sát với thực tiễn tạo cơ sở để tránh lãng phí tài năng. Đây là những vấn đề được lãnh đạo ngành văn hóa và nhiều đại biểu quan tâm trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn của nghệ sĩ còn thấp. Ảnh: NHẬT MINH

Chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn của nghệ sĩ còn thấp. Ảnh: NHẬT MINH

Gỡ khó chế độ lương, bồi dưỡng

Nhiều vấn đề quan trọng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) được nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Từ 15h ngày 5/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực VHTTDL gồm: công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động VHTTDL vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chịu trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và một số bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Báo cáo gửi Quốc hội của lãnh đạo Bộ VHTTDL trước đó cũng đề cập công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật. Câu chuyện giải quyết việc làm cho nghệ sĩ sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao cũng được quan tâm.

Qua khảo sát và đánh giá, đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận lương khoảng 5 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng. Quy định mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn theo mức tiền cụ thể. Chế độ bồi dưỡng luyện tập cao nhất là 80.000 đồng/buổi, chế độ bồi dưỡng biểu diễn cao nhất là 200.000 đồng/buổi.

Mức bồi dưỡng này tụt hậu, không theo kịp nhu cầu cuộc sống, không khích lệ, động viên người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Ngoài tiền lương, phụ cấp, vấn đề khiến nhiều người trăn trở là đã chuyện hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu. Họ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm từ diễn viên sang vị trí việc làm viên chức quản lý, hành chính.

Từ thực tiễn đó, Bộ VHTTDL đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng. Bộ VHTTDL rà soát, bổ sung nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Các nhà hát khó thu hút nguồn lực lao động với cơ chế tiền lương như hiện nay. Ảnh: NHƯ Ý

Các nhà hát khó thu hút nguồn lực lao động với cơ chế tiền lương như hiện nay. Ảnh: NHƯ Ý

Nghệ sĩ đỏ mắt chờ

Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ múa Việt Nam nhấn mạnh, những nghệ sĩ thuộc ngành nghề truyền thống như tuồng, cải lương, nghệ sĩ thuộc danh mục nghề nặng nhọc, nguy hiểm như múa ballet, xiếc,… cần được quan tâm hơn nữa. Các chính sách kịp thời từ các cấp, ngành là cơ sở để lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn duy trì nguồn nhân lực chất lượng, tránh lãng phí tài năng.

“Đề xuất mới của Bộ VHTTDL chắc chắn sẽ được nhiều nghệ sĩ ủng hộ bởi có tính cấp thiết. Để nghệ sĩ nghỉ hưu sớm không bị thiệt thòi, rất mong Bộ VHTTDL có thêm chính sách hỗ trợ họ tiếp tục cống hiến theo nguyện vọng, hoặc đi học thêm, nghiên cứu sâu hơn, chuyển từ biểu diễn sang vị trí dàn dựng”, nghệ sĩ Tuyết Minh đề xuất.

Việc chuyển đổi vị trí việc làm từ diễn viên sang vị trí việc làm viên chức quản lý, hành chính còn bất cập vì đa số các diễn viên ở một số ngành nghệ thuật chỉ có bằng trung cấp nghề. Tuy nhiên, biên đạo Tuyết Minh cho rằng, đây không phải vấn đề lớn bởi không phải nghệ sĩ nào cũng có nguyện vọng chuyển sang làm viên chức quản lý. Khi nghệ sĩ không còn đảm bảo sức khỏe biểu diễn, có thể luân chuyển họ về các trung tâm văn hóa địa phương để hỗ trợ thêm về chuyên môn.

Làm rõ giải pháp phát triển kinh tế đêm phục vụ du lịch

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời xung quanh câu chuyện triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nêu kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm và chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động VHTTDL vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan điểm phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian tới là phát triển xanh, bền vững gắn theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nêu khó khăn về nguồn nhân lực, liên quan đến cơ chế tiền lương. Để đảm bảo biên chế hai đoàn diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam cần khoảng 110 người, nhưng hằng năm bị cắt bớt, nay chỉ còn 63, 64 người, gộp hai đoàn mới đủ tiêu chuẩn để biểu diễn. NSND Xuân Bắc khẳng định, nhà hát khó thu hút nguồn lực lao động với cơ chế tiền lương như hiện nay.

Riêng với nghệ thuật xiếc, càng diễn nhiều, bệnh nghề nghiệp đến càng sớm. Đây là bất cập rất khó giải quyết. Trong khi đó, mức bồi dưỡng không đáng là bao so với chi phí sinh hoạt, tập luyện để theo nghề. NSƯT Đỗ Văn Hùng, Trưởng đoàn Xiếc đương đại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, nhiều diễn viên xiếc phải “chân trong, chân ngoài” để trang trải cuộc sống. Việc này có thể ảnh hưởng đến chuyên môn của diễn viên nhưng lãnh đạo nhiều lúc phải làm ngơ để nghệ sĩ mưu sinh.

Công tác đào tạo tài năng trẻ của Liên đoàn bấy lâu nay đều tự làm. Những trưởng đoàn, trưởng nhóm nhìn ra tiềm năng của các diễn viên trẻ, từ đó đầu tư thời gian cho các cá nhân này. “Những tài năng trẻ hầu hết là do người phụ trách hướng dẫn phụ trách nhóm, tiết mục phải phát hiện, chú trọng đào tạo thêm. Để đạt được đỉnh cao hoàn toàn là do nỗ lực của các diễn viên mà không có sự hỗ trợ nào ngoài sự hướng dẫn về chuyên môn. Quỹ phát triển tài năng trẻ trong xiếc chỉ là ước mơ”, NSƯT Đỗ Văn Hùng nêu.

NSƯT Văn Hùng mong trong thời gian tới, các chính sách rõ ràng hơn để tập trung nguồn kinh phí, đào tạo, tạo cơ hội cho nghệ sĩ phát triển. “Đây sẽ là khoản ngân sách riêng dành cho đào tạo, phát triển tài năng đối với các cơ quan, ngành nghề đặc thù như xiếc, múa”, NSƯT Văn Hùng đề xuất.

THU AN - KHÁNH CHI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chat-van-bo-truong-van-hoa-the-thao-va-du-lich-quan-tam-tai-nang-thay-vi-chi-xay-nha-hat-post1643365.tpo