Chật vật kích cầu tín dụng tiêu dùng bất động sản

Tín dụng tại nhiều ngân hàng hầu như không tăng, nguyên nhân là nhu cầu vay của cá nhân, đặc biệt là nhu cầu vay mua bất động sản, sụt giảm mạnh.

Bất động sản vẫn là kênh đẩy vốn quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng

Bất động sản vẫn là kênh đẩy vốn quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng

Cho vay mua nhà vẫn trầm lắng

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, dư nợ tín dụng bán lẻ - phần lớn là cho vay mua nhà - chiếm gần 20% tổng dư nợ của ngân hàng này. Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, tín dụng mua nhà liên tục sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng bán lẻ của Vietcombank cũng bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân khiến cho vay mua nhà sụt giảm, theo ông Tùng, là do thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn về pháp lý, nguồn cung hạn chế, thu nhập người dân sụt giảm…, khiến tâm lý e dè vẫn bao trùm thị trường.

Tình cảnh tương tự xảy ra tại SHB, khi gần 6 tháng đầu năm, tín dụng doanh nghiệp tăng 3,26%, trong khi tín dụng cá nhân vẫn tăng trưởng âm. Còn tại MB, lãnh đạo ngân hàng này xác nhận, nhu cầu vay mua nhà của người dân vẫn ở mức thấp.

“Cầu cho vay bất động sản đang rất chậm. Mặc dù giá nhà neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, song giao dịch thực tế lại không nhiều, nên nhu cầu mua nhà của người dân đang ở mức thấp. Xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại”, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết.

Theo ông Ánh, ngoại trừ bất động sản khu công nghiệp ấm lên, các phân khúc khác của thị trường bất động sản đều gặp khó khăn dẫn đến tín dụng bất động sản vẫn tăng chậm.

Tín dụng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm.

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản. Nhờ đó, tín dụng bất động sản nói riêng và hoạt động của các ngân hàng nói chung cũng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm.

Số liệu tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 6/2024 chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Tuy nhiên, đến hết quý I/2024, tín dụng bất động sản chỉ mới “lên khỏi mặt đất”. Ngoài nguyên nhân thị trường bất động sản còn khó khăn, nguồn cung hạn chế, thì một nguyên nhân nữa là lãi suất cho vay mua nhà vẫn còn ở mức cao.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, lãi suất cho vay trung bình của một số ngân hàng vẫn còn ở mức 10-12%/năm, riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn còn cao hơn.

Một nguyên nhân nữa khiến tín dụng bất động sản tăng chậm là ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong cho vay cá nhân. Theo giải thích của lãnh đạo một ngân hàng TMCP, nếu trước đây, ngân hàng này cho vay đến 70% giá trị tài sản đảm bảo, thì hiện chỉ cho vay khoảng 50%. Định giá tài sản đảm bảo cũng khắt khe hơn, điều này khiến người mua nhà chịu áp lực lớn về vốn tự có. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cầu vay mua nhà giảm.

Sẽ có chuyển biến mới nửa cuối năm

Theo các chuyên gia kinh tế, từ ngày 1/8/2024, một loạt luật mới có thể có hiệu lực (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…). Điều này sẽ tạo động lực cho thị trường bất động sản phục hồi, tháo gỡ nguồn cung, thúc đẩy tín dụng bất động sản tăng trở lại.

Một thông tin đáng chú ý khác là, NHNN cũng đang đề xuất sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn. Hiện gói tín dụng này mới giải ngân dưới 1%. Nếu sửa đổi đủ sức hấp dẫn, gói tín dụng này sẽ kích thích sức cầu, giúp tín dụng tiêu dùng bất động sản bật tăng trở lại.

Trong Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, NHNN và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng và khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...

Trước đó, báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng hồi tháng 5, Bộ Xây dựng cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 0,53%. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói tín dụng này.

Ngoài gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị NHNN nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn 3 - 5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10 - 15 năm. Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho phân khúc này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đẩy vốn quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng, đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ. Nhà ở xã hội hiện nay có quá nhiều vướng mắc về đối tượng, thủ tục…, khiến người có khả năng mua nhà không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán. Do đó, theo ông Nghĩa, cần thiết kế lại chính sách, bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, thì đẩy mạnh nhà ở giá rẻ, phù hợp với túi tiền đa số người dân.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chat-vat-kich-cau-tin-dung-tieu-dung-bat-dong-san-d218353.html