'Chất xám' chảy ngược về Trung Quốc, đe dọa vị thế tiên phong đổi mới của Mỹ
Hàng ngàn chuyên gia trình độ cao, đặc biệt là những người gốc Hoa, đang rời khỏi các cơ sở học thuật của Mỹ để tìm kiếm cơ hội mới tại Trung Quốc và các quốc gia khác. Đây không đơn thuần là một sự đảo ngược xu hướng, mà là sự tái phân bổ trí tuệ toàn cầu

Các nhà khoa học gốc Trung Quốc đang rời khỏi Mỹ hàng loạt. Ảnh: X
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung giờ đây không chỉ là cuộc chiến về thuế quan, hải quân hay các màn đấu khẩu ngoại giao. Một mặt trận âm thầm hơn đang định hình lại trật tự toàn cầu và quyết định ai sẽ là kẻ thắng người thua trong tương lai. Đó là cuộc chiến giành con người – cụ thể là các nhà khoa học, kỹ sư và những người tiên phong trong học thuật, những người sẽ định hình tương lai.
“Cuộc chiến” nhân tài
Theo trang Asia Times, trong cuộc cạnh tranh mới nổi này, nhân tài chính là “dầu mỏ mới” – và dòng chảy từng một chiều đổ về nước Mỹ nay đang đảo chiều, tái định hướng sự nghiệp, tái cân bằng đổi mới sáng tạo và vẽ lại bản đồ quyền lực, ảnh hưởng toàn cầu.
Hàng ngàn chuyên gia trình độ cao, đặc biệt là những người gốc Hoa, đang rời khỏi các cơ sở học thuật của Mỹ để tìm kiếm cơ hội mới tại Trung Quốc và các quốc gia khác. Đây không đơn thuần là một sự đảo ngược xu hướng, mà là sự tái phân bổ trí tuệ toàn cầu – một sự dịch chuyển đang định hình lại các hệ sinh thái nghiên cứu và làm lệch cán cân đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới theo hướng nghiêng về Trung Quốc.
Từ năm 2010 đến 2021, gần 20.000 nhà khoa học gốc Trung Quốc đã rời khỏi Mỹ, và xu hướng này gia tăng mạnh sau năm 2018. Những người rời đi không phải là giới học thuật hạng hai – tiêu biểu có thể kể đến nhà thần kinh học Diêm Ninh (Yan Ning), rời Đại học Princeton để lãnh đạo Học viện Y học Thâm Quyến, hay kỹ sư hàng đầu của MIT Trần Cương (Gang Chen), người quay về Đại học Thanh Hoa sau khi được minh oan khỏi cáo buộc liên quan đến gián điệp.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, các chính sách visa hạn chế, căng thẳng địa chính trị và sự nghi kỵ mang tính chủng tộc ngày càng gia tăng khiến nước Mỹ từ chỗ thu hút trở thành nơi đẩy lùi nhân tài.
Các nhà khoa học Trung Quốc và châu Á nói chung ngày càng lo lắng về việc bị giám sát, soi xét bất công hoặc thậm chí truy tố hình sự. Cùng lúc đó, ngân sách nghiên cứu bị cắt giảm và sự bất ổn trong nguồn tài trợ khiến môi trường khoa học Mỹ kém hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó là bầu không khí văn hóa bị bóp nghẹt bởi làn sóng bài châu Á đang gia tăng. Với nhiều nhà khoa học, vấn đề không chỉ là tài trợ, mà là cảm giác không được chào đón – và ngày càng nhiều người cảm thấy mình không còn thuộc về nơi này.
Các yếu tố cá nhân cũng đóng vai trò lớn: gần gũi với gia đình, sự tương đồng văn hóa và mong muốn “xây dựng điều gì đó cho quê hương” là động lực mạnh mẽ. Nhiều người không đưa ra lựa chọn dựa trên ý thức hệ, mà đơn giản chỉ là quyết định thực tế.
Trong khi đó, các quốc gia như Trung Quốc đang tích cực chiêu mộ nhân tài. Các chương trình như Kế hoạch Ngàn nhân tài (Thousand Talents Plan) không chỉ đưa ra mức lương và ngân sách nghiên cứu hàng đầu, mà còn kèm theo nhà ở, vai trò lãnh đạo và danh tiếng học thuật. Những cơ sở như Đại học Westlake và Học viện Y học Thâm Quyến hứa hẹn sự tự chủ và cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới.
Với nhiều người, trở về Trung Quốc không còn là một bước lùi, mà đã trở thành bước tiến.
Chiến lược lớn của Bắc Kinh
Việc chiêu mộ nhân tài ở Trung Quốc là một chiến lược mang tính chính trị rõ rệt. Các nhà khoa học được chào đón trở về không chỉ bằng sự tôn vinh, mà còn bằng những kỳ vọng. Những người hồi hương thường được tích hợp vào các mạng lưới vừa mang tính học thuật, vừa mang màu sắc ý thức hệ.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh bị ràng buộc này, Trung Quốc vẫn tạo được không gian để các nhà khoa học dẫn dắt nghiên cứu. Chính phủ hiểu rằng đổi mới không thể bị kiểm soát tuyệt đối, nên đã đầu tư mạnh để cắt giảm quan liêu và thiết lập các lộ trình sự nghiệp rõ ràng.
Những nhà khoa học trở về cũng trở thành biểu tượng mạnh mẽ. Truyền thông Trung Quốc mô tả họ như minh chứng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự xuống dốc của phương Tây. Những câu chuyện đó nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, chính quyền cũng hiểu rằng “quyền lực mềm” này có thể phản tác dụng nếu các nhà khoa học trở về rồi lại vỡ mộng, vì vậy việc hòa nhập và tôn trọng là yếu tố then chốt.
Lúc này, câu hỏi quan trọng được đặt ra: Liệu Trung Quốc có đang bước vào bước ngoặt thực sự trong quá trình vươn lên thành siêu cường khoa học?
Trung Quốc trỗi dậy, nhưng có bền vững?
Hệ sinh thái nghiên cứu của Trung Quốc – từ phòng thí nghiệm đến công viên khoa học và đại học – đang sản sinh ra những công trình đẳng cấp. Các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đang thăng hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Các nhà nghiên cứu của nước này đang đạt được những đột phá trong các lĩnh vực như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và y sinh học. Nếu đà này tiếp diễn, Trung Quốc có thể sớm ngang hàng – hoặc vượt qua – Mỹ trong những lĩnh vực đổi mới then chốt.
Nhưng con đường này không được đảm bảo. Lãnh đạo khoa học đòi hỏi sự cởi mở, lòng tin và tự do học thuật. Tương lai khoa học của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc Đảng Cộng sản Trung Quốc cân bằng được giữa tham vọng quốc gia và tinh thần toàn cầu của khoa học.
Mỹ đánh mất lợi thế, Trung Quốc thu hoạch quả ngọt
Với nước Mỹ, việc mất đi những nhà nghiên cứu hàng đầu là mối đe dọa rõ rệt đối với lợi thế đổi mới, đe dọa các bước đột phá tương lai trong AI, công nghệ sinh học và công nghệ xanh. Điều này cũng làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ. Các trường đại học Mỹ từng là chuẩn mực vàng của thế giới, nhưng hào quang ấy đang phai mờ.
Trong khi đó, Trung Quốc đang gặt hái những thành quả rõ rệt: các nhà khoa học hồi hương thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực chiến lược, các trường đại học Trung Quốc thăng hạng, và Bắc Kinh có thêm lý do để ca ngợi những thành công này như bằng chứng cho sự ưu việt của hệ thống.
Trên quy mô toàn cầu, dòng chảy nhân tài đang trở nên linh hoạt hơn. “Tuần hoàn chất xám” (brain circulation) – chứ không chỉ là “chảy máu chất xám” (brain drain) – đang tạo ra các trung tâm đổi mới mới tại Singapore, Đức và UAE. Những quốc gia này đang hưởng lợi từ các nhà khoa học vỡ mộng với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Thế giới khoa học đang trở nên phi tập trung, và cạnh tranh hơn.
Nhưng thế giới đó cũng phân mảnh hơn. Khi hợp tác Mỹ - Trung sụp đổ, châu Âu và các nước khác đang bị buộc phải chọn phe. Thế giới học thuật đang dần bị chia tách thành các khối cạnh tranh.
Mỹ phòng thủ, nhưng liệu có quá muộn?
Trước tình hình đó, Mỹ đã bắt đầu phòng thủ. Các chính sách như Project 2025 và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm tới việc cô lập công nghệ trọng yếu. Nhưng tư duy “pháo đài” này có thể phản tác dụng nếu tiếp tục khiến nhân tài quốc tế cảm thấy bị xa lánh. Nếu đi quá xa, Mỹ có thể tự cô lập chính mình trong cuộc đua đổi mới toàn cầu.
Một số trường đại học và lãnh đạo công nghệ Mỹ đang lên tiếng, kêu gọi cải cách visa và hỗ trợ nhiều hơn cho sinh viên, học giả quốc tế. Nhưng nếu không có sự dẫn dắt của chính phủ liên bang và một tầm nhìn rõ ràng, sự sa sút và ly khai nhân tài sẽ còn tiếp diễn dưới thời Tổng thống Trump.
Các quốc gia khác cũng đang tranh thủ thời cơ. Canada, Australia và một số nước châu Âu đang đơn giản hóa thủ tục nhập cư cho giới khoa học. Tương lai có thể sẽ không còn mang tính lưỡng cực, mà trở thành đa cực, với một bức tranh ghép của các trung tâm đổi mới thay thế mô hình Mỹ là trung tâm như trước.