'Chất xúc tác' cho đà thăng hoa của chứng khoán Mỹ

Cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn có khả năng giữ giá trị ngay cả khi kinh tế suy thoái.

Hoạt động giao dịch tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Hoạt động giao dịch tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là nhận định của một số chính trị gia được Market Watch trích dẫn.

Những chuyên gia này cho rằng các Big Tech (chỉ doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới), chứ không phải Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mới là động lực thúc đẩy đợt phục hồi kỷ lục trên thị trường chứng khoán Mỹ, mang lại hy vọng rằng thị trường này có thể duy trì đà tăng bất chấp những lo ngại về triển vọng lãi suất.

Các chỉ số S&P 500 thiên về công nghệ (SPX) và chỉ số Nasdaq Composite (COMP) đã tăng mạnh trong tuần trước và tuần này, sau khi ghi nhận nhiều phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Diễn biến tích cực được hỗ trợ bởi cổ phiếu AAPL của Apple, với mức tăng lên đến gần 8% chỉ trong tuần qua, sau khi nhà sản xuất iPhone tuyên bố đẩy mạnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong Hội nghị Các nhà phát triển Toàn cầu của Apple (WWDC). Apple cũng nhanh chóng vượt qua Microsoft để trở thành công ty có giá trị lớn nhất tại Mỹ.

Các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng đang chạy đà. Giá cổ phiếu của Nvidia Corp đã tăng hơn 9% sau khi công ty này hoàn tất đợt chia cổ phiếu thưởng gần đây.

Sự thống trị dường như không thể ngăn cản của những “gã khổng lồ” công nghệ này đã khiến một số nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu Big Tech “miễn nhiễm “với những lo ngại về lãi suất. Họ cũng cho rằng động lực của AI là đủ mạnh mẽ để làm lu mờ sự yếu kém về kinh tế.

Các nhà phân tích thị trường cho biết, đó là một kịch bản hấp dẫn đối với thị trường chứng khoán, nhưng lại khó suôn sẻ, vì cuộc chiến chống lạm phát của Fed vẫn chưa hoàn tất.

Tuần trước, dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 yếu hơn dự kiến của Mỹ đã khiến thị trường dự đoán rằng Fed sẽ thực hiện hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên ngay sau đó, họ lại sửng sốt với việc thể chế này tuyên bố sẽ chỉ giảm một lần trong năm.

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán đã tỏ ra không hề bối rối. Chiến lược gia tiền tệ và lãi suất toàn cầu tại Macquarie Group Thierry Wizman cho biết: “Có hai thông tin mới được công bố trong cùng một ngày – một chỉ số CPI rất thấp và một quan điểm diều hâu của Fed – chúng bù đắp cho nhau ở một mức độ nào đó”. Theo chuyên gia này, “thị trường tỏ ra tích cực với ý tưởng rằng một trong những đợt cắt giảm dự kiến của năm 2024 sẽ được áp dụng vào năm 2025”.

Tuy nhiên, chuyên gia Wizman chia sẻ với MarketWatch rằng nước Mỹ cần nhiều hơn là một chỉ số lạm phát thấp để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng quá trình giảm phát đang diễn ra. Vì vậy, đây vẫn là “một trò chơi chờ đợi”, ông nói. “Tôi không nghĩ quá trình đếm ngược [để cắt giảm lãi suất] đã bắt đầu”.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Một lời giải thích khác đối với khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán là kỳ vọng Fed sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ chính sách và nới lỏng các điều kiện tài chính bất cứ khi nào nền kinh tế trượt dốc, để giữ cho thị trường tiếp tục phát triển.

Nhà quản lý danh mục đầu tư và nhà phân tích thu nhập cố định tại Aptus Capital Advisors John Luke Tyner cho biết: “Họ (Fed) có rất nhiều không gian để hạ lãi suất và chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách. Vì vậy, nếu thị trường lao động rung chuyển hoặc nếu nền kinh tế đi sai hướng, họ có rất nhiều lựa chọn”. Theo chuyên gia này, đây cũng là điều có thể bảo vệ thị trường khỏi một đợt điều chỉnh lớn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong bài phát biểu tuần trước, cho biết: “Nếu thị trường lao động suy yếu bất ngờ hoặc lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán, chúng tôi sẵn sàng ứng phó”.

Điều đáng chú ý là thành tích vượt trội của cổ phiếu công nghệ cũng được hỗ trợ bởi sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc gần đây, mặc dù các chiến lược gia cho biết cổ phiếu AI vẫn có khả năng duy trì giá trị ngay cả khi kinh tế suy thoái.

“Lợi tức trái phiếu thấp hơn là điều kiện quan trọng để duy trì sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ, nhưng ở một mức độ nào đó, ngay cả khi nền kinh tế suy thoái, cổ phiếu AI có thể không tăng nhưng sẽ không phải là cổ phiếu đầu tiên bị bán”, chuyên gia Wizman chia sẻ. “Câu chuyện về AI vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và sẽ tiếp tục”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn đã giảm phiên thứ tư liên tiếp trong phiên 15/6, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 và 30 năm chạm mức thấp nhất của hai tháng. Theo dữ liệu của FactSet, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng hạ 2,7 điểm cơ bản xuống 4,212% trong cùng phiên, và giảm 21,6 điểm cơ bản trong một tuần.

Lợi suất trái phiếu kho bạc thường phản ánh đánh giá của thị trường về triển vọng kinh tế. Lợi suất cao hơn cho thấy triển vọng lạc quan hơn và lợi suất thấp hơn cho thấy triển vọng ảm đạm hơn.

Chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Freedom Capital Markets Jay Woods cho biết, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đóng cửa dưới mức 4,35% hàng tuần báo hiệu “sự khởi đầu của một xu hướng giảm ngắn hạn”. Đây là tín hiệu tích cực để các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và các cổ phiếu phi công nghệ đang tụt hậu khác trong S&P 500 bắt kịp đà tăng.

Tuy nhiên, mức độ lan tỏa vẫn chưa cao, chuyên gia Woods nói với MarketWatch. Theo ông, một nhóm (cổ phiếu công nghệ) đang “gánh” thị trường thay vì “một đợt phục hồi trên diện rộng hơn”.

Trong khi đó, người tiêu dùng là động lực quan trọng của kinh tế Mỹ, và các nhà đầu tư cũng tập trung vào sự thay đổi trong hành vi chi tiêu của người tiêu dùng trước để nắm bắt các tín hiệu sớm về suy thoái kinh tế.

Điều đó khiến việc công bố báo cáo doanh số bán lẻ của tháng 5 trở thành tâm điểm trong tuần này. Theo các nhà kinh tế được thăm dò bởi Wall Street Journal, chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 0,2% trong tháng 5 sau khi gần như không thay đổi trong tháng trước.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chat-xuc-tac-cho-da-thang-hoa-cua-chung-khoan-my/337838.html