Chatbot đầu tiên trên thế giới được hồi sinh từ mã nguồn 60 năm tuổi

Nhóm các nhà nghiên cứu đã 'hồi sinh' ELIZA – chương trình chatbot đầu tiên trên thế giới – bằng cách tìm lại và khôi phục mã nguồn đã thất lạc suốt 60 năm.

Điều đáng kinh ngạc là ELIZA vẫn hoạt động rất tốt, ngay cả trong thời đại của các trí tuệ nhân tạo tiên tiến.

Người sáng tạo ra ELIZA Joseph Weizenbaum đang ngồi trước máy tính vào năm 2005. (Nguồn: Alamy)

Người sáng tạo ra ELIZA Joseph Weizenbaum đang ngồi trước máy tính vào năm 2005. (Nguồn: Alamy)

Dựa trên các bản in lưu trữ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhóm "khảo cổ học phần mềm" đã phát hiện mã nguồn ban đầu của ELIZA. Được giáo sư Joseph Weizenbaum phát triển vào những năm 1960, ELIZA được đặt theo tên Eliza Doolittle – nhân vật trong vở kịch Pygmalion.

Chương trình này cho phép người dùng trò chuyện như đang tương tác với một nhà trị liệu tâm lý. Chẳng hạn, nếu người dùng nói "Đàn ông đều giống nhau", ELIZA có thể phản hồi: "Theo cách nào?"

Ban đầu, ELIZA được viết bằng ngôn ngữ lập trình MAD-SLIP, do chính Weizenbaum phát minh. Nhưng sau đó, mã được chuyển sang Lisp – một ngôn ngữ lập trình phổ biến hơn vào thời kỳ đầu của internet. Tuy nhiên, bản gốc viết bằng MAD-SLIP đã bị thất lạc cho đến khi được các nhà nghiên cứu tìm thấy vào năm 2021.

Mang ELIZA trở lại cuộc sống

Việc khôi phục ELIZA không hề dễ dàng. Nhóm nghiên cứu phải sửa lỗi và tạo ra một trình giả lập gần giống với máy tính thập niên 1960 để chạy chương trình. Cuối cùng, ELIZA đã được khởi động lại vào ngày 21/12/2024 – lần đầu tiên sau 60 năm.

Jeff Shrager, một nhà khoa học nhận thức tại Đại học Stanford, chia sẻ: "Chúng tôi muốn biết cách những nhà tiên phong AI thời kỳ đầu suy nghĩ. Việc khôi phục mã nguồn giống như khám phá nhật ký của họ".

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một lỗi trong mã nguồn (chương trình sẽ gặp sự cố nếu người dùng nhập một số), nhưng họ vẫn giữ nguyên để bảo tồn tính nguyên bản của ELIZA. Shrager so sánh việc chỉnh sửa mã lỗi với "sửa một nét vẽ sai trên bức Mona Lisa gốc".

Ban đầu được tạo ra như một công cụ nghiên cứu giao tiếp giữa con người và máy tính, ELIZA nhanh chóng trở thành một hiện tượng nhờ tính năng chatbot.

Dù không thể sánh với các mô hình ngôn ngữ hiện đại như ChatGPT, ELIZA vẫn được đánh giá cao khi xét đến công nghệ vào năm 1965. David Berry, giáo sư tại Đại học Sussex, nhận xét: "ELIZA thật sự đáng kinh ngạc khi có thể duy trì cuộc trò chuyện ở thời điểm đó".

Một điểm độc đáo của ELIZA là khả năng "lắng nghe" – khuyến khích người dùng tiếp tục trò chuyện thay vì chỉ cố gắng hoàn thành câu như các chatbot hiện đại. Shrager cho rằng đây chính là một trong những lý do ELIZA được xem là một biểu tượng trong lịch sử AI.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chatbot-dau-tien-tren-the-gioi-duoc-hoi-sinh-tu-ma-nguon-60-nam-tuoi-169250118184332448.htm