ChatGPT không thể thay thế cảm xúc, sáng tạo của con người
Chuyên gia nhận định rằng ứng dụng này chưa thể thay đổi nhanh chóng những thói quen của con người trong học tập, nghiên cứu.
Ra mắt chưa đầy 3 tháng, ChatGPT đã được cho là một trong những bước phát triển lớn nhất của trí tuệ nhân tạo.
ChatGPT về cơ bản là một chatbot AI có khả năng thực hiện bất kỳ tác vụ dựa trên văn bản nào được giao. Nói cách khác, ChatGPT có thể viết mã nhanh hơn, thậm chí còn chính xác hơn nhiều so với con người. Ứng dụng này cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ nghệ thuật thuần túy như làm thơ hoặc viết lời bài hát.
Ứng dụng này gây không ít bàn luận xung quanh khả năng, thách thức và những nguy cơ mới. Trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT không chỉ làm thay đổi các quá trình dạy học cụ thể mà còn khiến các nhà giáo dục bắt đầu phải nhìn nhận lại, định hình lại việc dạy học. Đặt ra nhiều lo ngại sẽ có những ảnh hưởng nào tác động đến việc dạy và học hiện nay?
Khó thay thế con người trong giảng dạy
Đối với vấn đề này, trao đổi với
Người Đưa Tin
, TS.Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích những yếu tố của ứng dụng mới nổi trên: “Về bản chất nó là công cụ tạo lập văn bản và trò truyện, tương tác. Vì vậy, mới chỉ đụng chạm đến một vài khía cạnh nhỏ của câu chuyện giáo dục, chúng ta không nên quá lo lắng, suy nghĩ tiêu cực”.
Trước những tính năng của ứng dụng, thầy Cường đánh giá có thể sử dụng ứng dụng trong việc triển khai thành các ý trong bài văn, tạo lập dàn ý, kích hoạt ý tưởng, vấn đề mới. Và điều này được sử dụng cả bởi giáo viên và học sinh để hỗ trợ cho việc học tập.
Ở đây, chuyên gia cho rằng nên sử dụng ChatGPT để kiểm chứng lại những câu trả lời của học sinh, hỗ trợ sửa lỗi chính tả hay thực hiện văn bản ở những phong cách khác nhau.
“Tuy nhiên, vấn đề chúng ta phải sử dụng có kiểm soát, chừng mực, đặc biệt là có đạo đức”, TS.Tôn Quang Cường bày tỏ.
Đối với mặt tích cực, đây là công nghệ chatbot tiên tiến nhất hiện nay, nên cần chấp nhận nó là điều nên làm, và hãy coi nó như “phần mềm” để hỗ trợ dạy học và có vai trò chức năng như những phần mềm đang có hiện nay.
Cùng với đó, cũng có nhiều thách thức khi chắc chắn người dạy sẽ phải thay đổi nhận thức tiếp nhận công nghệ, sử dụng công nghệ trong bài giảng, thay đổi thiết kế nội dung, cách tổ chức hoạt động dạy học.
Đối với việc nhiều nước cấm sử dụng ứng dụng này trong trường đại học, TS.Tôn Quang Cường đặt câu hỏi: “Giả sử nếu chúng ta cấm tất cả phần mềm, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ không có gì phải quá lo lắng. Vì khi đã có mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra văn bản thì sẽ có giải pháp công nghệ khắc chế mô hình đấy”.
Ví dụ ở đây, chuyên ra phân tích nếu có mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên từ dữ liệu đầu vào, sau đó luyện tập để trả lời tự động theo những thuật toán. Vậy chắc chắn có thể lập ra những mô hình kiểm chứng tính đúng đắn, xác thực thông tin.
Dự báo về tương lai giáo dục khi ChatGPT xuất hiện, chuyên gia đánh giá: “Chúng ta nên thay đổi cách kiểm tra, không đánh giá theo kiểu ghi nhớ, tái hiện lại mà đề cao tính sáng tạo và kết hợp nhiều hình thức. Xu hướng phát triển trong thời gian tới có thể ứng dụng này sẽ được tích hợp vào trong nền tảng học tập, tích hợp vào những lĩnh vực cụ thể để giải quyết những bài toán đặc trưng”.
Trước lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, nhiều nghề nghiệp sẽ bị “xóa sổ” khi ứng dụng này thay thế, TS.Tôn Quang Cường cho biết: “Chúng ta phải tư duy lại từ thay thế, sự thay thế là một phần hay hoàn toàn, thay thế ở một chức năng hay tổng thể. Về nguyên lý, ChatGPT chỉ có thể hoạt động khi có người ra lệnh, nếu không có ai gia lệnh thì không thể hoạt động”.
Vì vậy chuyên gia khẳng định không có chuyện thay thế hoàn toàn mà chỉ thay thế một số công đoạn thực hiện nhiệm vụ, chức năng trong một lĩnh vực nào đó. Và chắc chắn không thể thay thế hoàn toàn giáo viên vì tính độc đáo, sáng tạo của con người.
Khó cấm vì xu thế công nghệ không tránh khỏi
Cũng cùng với quan điểm, đây là xu thế của công nghệ khó tránh khỏi, ông Nguyễn Trí Hiển, Đồng Trưởng làng Công nghệ Giáo dục TECHFEST bày tỏ: “ChatGPT là một giai đoạn mới thức đẩy công nghệ giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn, giúp cho người dạy và người học thay đổi học tập”.
Khi xuất hiện hình thức chat này, nó sẽ hỗ trợ cung cấp thêm thông tin, câu hỏi cho người dạy, cung cấp đáp án cho người học và mang lại nhiều hiệu quả khác. Điều này sẽ tốt cho giáo dục cho thời gian tới thay vì phải lo ngại những tính năng của nó.
Trước băn khoăn có nên cấm sử dụng phần mềm này, ông Hiển cho rằng: “Sự phát triển của công nghệ thông tin là không thể cưỡng lại được, điều quan trọng là phải tận dụng những sức mạnh đó ứng dụng vào trong cuộc sống, biến nó thành công cụ làm việc. Với ChatGPT và những ứng dụng tương tự để thật sự thông minh và có cảm xúc như con người thì cần thời gian dài nữa”.
“Tôi nghĩ thay vì lo ngại về những phần mềm này chúng ta hãy lợi dụng những ưu điểm để có sự cộng hưởng tốt hơn trong quá trình giảng dạy”, ông Nguyễn Trí Hiển đánh giá.