Châu Á đã mất bao nhiêu tiền do biến đổi khí hậu?
Một nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba, vài ngày trước khi khai mạc COP28 diễn ra ở Dubai, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra tổn thất hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó các nước kém phát triển nhất phải chịu phần lớn gánh nặng.
Theo nghiên cứu do Đại học Delaware thực hiện, chỉ riêng năm 2022, trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu đã gây ra tổn thất 6,3% GDP tính theo dân số.
Con số này tính đến cả hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu (đối với nông nghiệp, năng lượng và thậm chí cả năng suất của các quốc gia) và tổn thất về đầu tư.
Tỷ lệ phần trăm tài sản toàn cầu bị mất là 1,8%, tương đương khoảng 1,5 nghìn tỷ USD.
Các tác giả của báo cáo giải thích trong một thông cáo báo chí: “Sự khác biệt giữa hai con số này phản ánh sự phân bổ tác động không đồng đều, tập trung ở các nước có thu nhập thấp và các vùng nhiệt đới, thường đông dân và có ít GDP hơn”.
Thực tế, các nước kém phát triển có nguy cơ bị mất 8,3% GDP trung bình, tính theo dân số. Đông Nam Á và Nam Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất với mức thiệt hại lần lượt là 14,1% và 11,2%.
Ngược lại, một số nước phát triển, đặc biệt là ở Bắc Âu, đã chứng kiến GDP của họ tăng lên. Nhưng điều này có thể sớm bị đảo ngược, nghiên cứu cảnh báo xuất hiện hai ngày trước khi bắt đầu phiên họp thứ 28 của COP, quy tụ các thành viên ký kết Công ước khung của Liên hợp quốcvề biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ ngày 30/11 đến ngày 12/12.
Một trong những vấn đề chính sẽ được thảo luận là việc thông qua khuôn khổ cho quỹ mới của Liên hợp quốc nhằm giúp các quốc gia kém phát triển đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu, như đã được quyết định tại COP27.
"Thế giới đã thất thoát hàng nghìn tỷ đô la do biến đổi khí hậu và phần lớn gánh nặng đó đổ lên vai các nước nghèo. Tôi hy vọng thông tin này sẽ giúp làm rõ những thách thức mà nhiều quốc gia ngày nay đang phải đối mặt và cả sự hỗ trợ cần thiết giúp họ giải quyết vấn đề này", ông James Rising, tác giả nghiên cứu và là trợ lý giáo sư tại Đại học Delaware cho biết.
Kết hợp GDP và tổng vốn thiệt hại, phân tích cho thấy các nước thu nhập thấp và trung bình đã phải chịu tổng thiệt hại 21 nghìn tỷ USD kể từ khi thông qua Công ước Rio năm 1992.
Nghiên cứu chỉ rõ rằng những tổn thất này chỉ là mức “ước tính” vì các tác động và tổn thất phi thị trường vẫn chưa được tính đến.
Liên Hợp Quốc ước tính đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ cần hơn 300 tỷ USD mỗi năm để chống lại tác động của biến đổi khí hậu.