Châu Á phải hành động khi khu vực đang trở thành xã hội 'siêu già' của thế giới

Kết quả 'Triển vọng Dân số Thế giới 2024' của Liên hợp quốc chỉ ra rằng đến giữa những năm 2030, trên toàn thế giới, số người từ 80 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn số trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, với dự kiến số lượng người cao tuổi sẽ có khoảng 265 triệu người.

 Thế giới đang già hóa nhanh chóng, trong đó châu Á đang dẫn đầu với xã hội "siêu lão hóa". Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Thế giới đang già hóa nhanh chóng, trong đó châu Á đang dẫn đầu với xã hội "siêu lão hóa". Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính đến năm 2050, 40% dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi 60 trở lên, gần gấp đôi so với ước tính cho năm 2024. Cũng vào năm 2050, WHO cho biết gần một nửa số người Nhật Bản sẽ ở độ tuổi 60 trở lên, cùng với đó, tỷ lệ người cao tuổi trên dân số ở Ấn Độ sẽ là 1/5 và ở Malaysia là gần 1/4.

Trong bài phỏng vấn với Nikkei Asia, Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề già hóa dân số và lãnh đạo, nâng tuổi nghỉ hưu và giải quyết vấn đề nhập cư… Trong đó, ông nhận định xã hội đang “già hóa nhanh” và khu vực châu Á đang đứng đầu về tốc độ già hóa.

Khi vấn đề già hóa đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất ở Châu Á, các quốc gia nên giải quyết xã hội “siêu già” này như thế nào?

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad: Tuổi tác không theo thời gian. Tuổi tác theo sức khỏe cơ thể và cách thức sinh hoạt của con người. Vì thế, tuổi già không phải là do thời gian; không phải vì bạn 60 tuổi mà bạn già. Bạn có thể 90 tuổi, nhưng nếu những người ở tuổi 90 vẫn khỏe mạnh, vẫn có thể làm việc và vận động, thì 90 tuổi sẽ không phải là tuổi già.

Nói một cách rõ ràng hơn, hiện độ tuổi được cho là “già” rơi vào khoảng 60 hoặc 65, nhưng chúng ta phải nhớ rằng trong quá khứ, 30 tuổi đã là già rồi.

Tôi cho rằng chúng ta nên thay đổi độ tuổi nghỉ hưu. Xã hội phải chấp nhận rằng những người ở độ tuổi 60 vẫn chưa sẵn sàng để được hưởng lương hưu. Các quốc gia nên cân nhắc đến việc trong tương lai sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu lên khoảng 65 hoặc thậm chí là 70. Có thể nói rằng, độ tuổi hưởng lương hưu phải theo độ tuổi cơ thể, tức không chỉ là độ tuổi theo niên đại mà còn là khả năng chung của cá nhân để tồn tại và hoạt động ở độ tuổi cao hơn. Xã hội phải có sự cân nhắc cho điều đó.

Hiện nay, gánh nặng duy trì hệ thống lương hưu, đặc biệt là ở một quốc gia như Nhật Bản, đang tăng lên. Theo ông, chúng ta nên giải quyết bất bình đẳng kinh tế giữa thế hệ già và thế hệ trẻ như thế nào?

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad: Đã từng tồn tại ý tưởng rằng những người lớn tuổi nên nghỉ hưu sớm để những người trẻ tuổi có thể thay thế họ.

Xã hội phải chấp nhận rằng con người đang sống lâu hơn, làm việc lâu hơn và việc nỗ lực để đạt đến đỉnh cao hiện mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, phần thưởng sẽ lớn hơn nhiều vì mọi người có thể làm việc trong 40 hoặc thậm chí 45 năm trước khi nghỉ hưu.

Cần phải nhớ rằng cùng với tuổi tác, con người sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, đơn cử như thu nhận nhiều kiến thức về nhiều lĩnh vực hơn. Do đó, mất đi những người lớn tuổi có nghĩa là mất đi những kinh nghiệm quý báu mà họ có. Không có họ, người trẻ tuổi có nguy cơ lặp lại sai lầm, vì những cá nhân đã đối mặt và giải quyết những thách thức tương tự không còn ở đó để hướng dẫn hậu bối.

Nếu các quốc gia tiếp tục giữ người cao tuổi trong lực lượng lao động và cho phép họ tiếp tục làm việc thay vì nghỉ hưu quá sớm, khả năng hưởng lợi từ kinh nghiệm của họ là hoàn toàn khả thi. Điều này được mình chứng rõ nhất từ tôi, với hơn 80 năm kinh nghiệm. Do đó, những quan sát và công việc tôi đã làm trong những năm qua đã cho tôi một góc nhìn mà hầu hết mọi người không có. Tương tự như vậy, với “kinh nghiệm kếch xù”, những người lớn tuổi là một tài sản của xã hội. Cho họ nghỉ hưu và đẩy họ sang một bên của xã hội có nghĩa là thế giới mất đi tài sản vô giá.

Hiện nhiều người cao tuổi đang tiếp tục làm việc thay vì nghỉ hưu, nhưng một số quốc gia ở Châu Á đang thúc đẩy nhập cư để lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad: Trong tương lai, sẽ không có quốc gia nào hoàn toàn là dân tộc đơn nhất. Ví dụ, Nhật Bản cố gắng duy trì dân số mà mọi người đều là người Nhật, nhưng điều đó không thể kéo dài mãi mãi. Sẽ đến lúc những người từ các quốc gia khác chuyển đến và sống ở đó. Tại sao? Bởi vì không thể ngăn cản mọi người lựa chọn một đất nước khác để an cư lạc nghiệp.

Những người di cư, thường là người trẻ tuổi, có thể đảm nhận các vai trò như chăm sóc trẻ em hoặc chăm sóc người già. Mọi người cũng có xu hướng di chuyển đến các quốc gia ổn định và an toàn. Sự thay đổi này sẽ mang đến nhiều thách thức, chẳng hạn như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và các khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày. Mọi người phải học cách chung sống trong các xã hội đa văn hóa, thích nghi với sự đa dạng đi kèm với những thay đổi này.

Liệu Châu Á có thể cùng nhau làm gì để điều hướng và thích nghi với tương lai “siêu lão hóa” này?

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad: Khi chọn người lãnh đạo, bên cạnh việc xem xét đến yếu tố tuổi tác, các nước châu Á có thể thiết lập một tiêu chuẩn kết hợp, chẳng hạn như xem xét đến các kỳ thi hoặc lựa chọn nhân lực dựa vào khả năng cụ thể.

Các nước châu Á có thể hợp tác để xây dựng các tiêu chuẩn này, qua đó đảm bảo một cách tiếp cận công bằng và nhất quán khi đánh giá các nhà lãnh đạo, bất kể tuổi tác của họ.

Đan Lê (Lược dịch từ Nikkei Asia)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/chau-a-phai-hanh-dong-khi-khu-vuc-dang-tro-thanh-xa-hoi-sieu-gia-cua-the-gioi-150430.html