Châu Á - Thái Bình Dương: Các thảm họa thời tiết gây thiệt hại hàng tỷ USD trong quý I/2025

HNN - Theo Báo cáo Tóm tắt thảm họa toàn cầu quý I/2025 của AON, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã chứng kiến số vụ cháy rừng đáng kể, trong đó Hàn Quốc phải đối mặt với các vụ cháy rừng tàn khốc khiến 31 người tử vong, 49 người bị thương và phá hủy hơn 7.700 công trình, với thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ USD.

 Trận động đất ở Myanmar vào cuối tháng 3/2025 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế. Ảnh: Instagram

Trận động đất ở Myanmar vào cuối tháng 3/2025 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế. Ảnh: Instagram

Trận động đất xảy ra hồi tháng 3 tại Myanmar được xem là sự kiện gây tổn thất lớn nhất từ đầu năm đến nay. Thiệt hại dự kiến lên tới hàng tỷ USD và chỉ một phần nhỏ được bảo hiểm. Trong khi đó, sự kiện tốn kém nhất đối với các công ty bảo hiểm APAC là cơn bão nhiệt đới Alfred, với tổn thất được bảo hiểm khoảng 1 tỷ AUD.

Ông George Attard, đại diện AON khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết “trận động đất tàn khốc ở Myanmar - làm ít nhất 5.400 người tử vong và gây thiệt hại đáng kể về kết cấu và cơ sở hạ tầng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho các rủi ro liên quan đến thảm họa. Thời tiết khắc nghiệt và các sự kiện địa chấn vẫn là một vấn đề lớn gây ra những phức tạp và biến động mà các doanh nghiệp và cộng đồng phải đối mặt. Điều đó càng cho thấy nhu cầu cấp thiết về các giải pháp sáng tạo để giải quyết những thách thức khí hậu đang ngày càng gia tăng này”.

Cũng theo báo cáo quý I/2025 của AON, tổn thất do thiên tai có xu hướng ngày càng tăng, với tổn thất được bảo hiểm trên toàn cầu trong năm 2024 cao hơn 54% so với mức trung bình của thế kỷ 21, chi trả 145 tỷ USD trong tổng số 368 tỷ USD thiệt hại. Mặc dù tổn thất được bảo hiểm vượt xa mức trung bình, nhưng khoảng cách bảo vệ vẫn chỉ đang ở mức 60%, gây trở ngại tài chính đáng kể cho các cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ. Đáng lưu ý, tại khu vực APAC, khoảng cách này cao hơn nhiều khi có đến 95% tổn thất không được bảo hiểm.

Song song đó, rủi ro động đất cũng đang gia tăng: Tháng 4/2024, trận động đất ở Đài Loan đã gây ra những tác động đáng kể, trong khi Nhật Bản phải hứng chịu động đất ở Bán đảo Noto ngay trong ngày đầu năm 2024. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cảnh giác và chuẩn bị liên tục cho các sự kiện động đất.

Dù vậy, bất chấp nhiều thách thức, những tiến bộ trong mô hình hóa lũ lụt đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Các công cụ tiên tiến và phân tích dữ liệu có thể giúp các doanh nghiệp và chính phủ hiểu được sự phức tạp của rủi ro lũ lụt, và từ đó, chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai.

Với khả năng phục hồi và các biện pháp giảm thiểu có quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, các nền kinh tế toàn cầu có thể giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và mất mát về con người. Năm 2024, 18.100 người đã thiệt mạng do các mối nguy hiểm tự nhiên, chủ yếu là do nắng nóng và lũ lụt trên toàn cầu. Con số này thấp hơn mức trung bình của thế kỷ 21 là 72.400 người. Sự sụt giảm về số ca tử vong trên toàn cầu trong dài hạn có thể là nhờ các hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết và kế hoạch sơ tán được cải thiện, nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu khí hậu, các thông tin chi tiết và phân tích đáng tin cậy để trên cơ sở đó, chính quyền và người dân có sự chuẩn bị tốt hơn.

TỐ QUYÊN(Lược dịch từ Malay Mail)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/chau-a-thai-binh-duong-cac-tham-hoa-thoi-tiet-gay-thiet-hai-hang-ty-usd-trong-quy-i-2025-153590.html