Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số trong nghiên cứu và quản lý khoa học
Ngày 15/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là dịp quan trọng để biểu dương trí tuệ Việt Nam, tôn vinh sự đóng góp của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; khơi dậy đam mê sáng tạo, nâng cao trách nhiệm chính trị trong nghiên cứu, phát triển lý luận phục vụ sự nghiệp đổi mới và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những đóng góp to lớn của Học viện trong phát triển khoa học, đặc biệt là khoa học lý luận chính trị; xác định rõ vị trí, vai trò, vinh dự, trách nhiệm và khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ khoa học đối với quá trình phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Ông Lê Văn Lợi đánh giá cao sự tâm huyết, nỗ lực, cố gắng rất lớn của đông đảo cán bộ khoa học, của tập thể các đơn vị khoa học, các nhóm nghiên cứu đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức góp phần vào thành tích chung của hệ thống Học viện trong công tác nghiên cứu khoa học. Trong năm qua, hệ thống Học viện đã hoàn thành tốt công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước về cả số lượng và chất lượng.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Năm 2025, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, với những xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, bất ổn kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và các thách thức phi truyền thống ngày càng gia tăng. Những biến động đó vừa tạo ra cơ hội để các quốc gia thúc đẩy cải cách, đổi mới mạnh mẽ, đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới đối với sự ổn định và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, đất nước ta bước vào giai đoạn có ý nghĩa chiến lược - tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - dấu mốc mở ra kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trên nền tảng tư duy đổi mới, hội nhập sâu rộng và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tập trung nghiên cứu, cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối, nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là những quyết sách mới trong tình hình hiện nay; đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức các đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở của Học viện, hội thảo khoa học năm 2025, xây dựng các báo cáo nghiên cứu, kiến nghị chính sách thiết thực, góp phần tư vấn hoạch định đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chủ động đề xuất, thiết kế và triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Các đơn vị được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Cùng với đó là tập trung hoàn thiện và ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và thống nhất trong toàn hệ thống Học viện. Tạo tư duy đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ, gắn chặt việc quản lý với phát huy dân chủ trong nghiên cứu khoa học, khuyến khích tinh thần tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm của các nhà khoa học trong toàn hệ thống. Tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đồng thời phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng cán bộ khoa học kế cận có năng lực, phẩm chất và tầm nhìn chiến lược. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa nền tảng, nhằm bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, coi đây là một trong những hướng phát triển chiến lược nhằm tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại, làm phong phú thêm cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tư vấn chính sách. Đồng thời, mở rộng và tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước và nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Học viện tập trung xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học thống nhất, hiện đại, có khả năng kết nối, chia sẻ, phục vụ hiệu quả công tác tra cứu, khai thác và quản lý thông tin khoa học. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong nghiên cứu và quản lý khoa học là yêu cầu cấp thiết, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính hệ thống trong toàn bộ hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.