Châu Á 'tiến thoái lưỡng nan' về việc sử dụng than hay năng lượng sạch
Việc sử dụng than cần phải được cắt giảm càng nhanh càng tốt. Các nhà hoạt động ở các nước phát triển đang kêu gọi thực hiện các quy định kiểm soát mới đối với tài chính toàn cầu để hạn chế đầu tư vào than.
Các nước phát triển đã viện dẫn những tuyên bố gần đây của Trung Quốc, hứa hẹn sẽ chấm dứt tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than nước ngoài, như một dấu hiệu rõ ràng cho thấy than đang trên đà bị đặt ra ngoài lề ở châu Á.
Tuy nhiên, một quan điểm khác, xuất hiện chủ yếu ở các nước đang phát triển hàng đầu, là quá trình chuyển đổi sang một thế giới xanh sẽ mất nhiều thời gian. Lập trường của các quốc gia phản đối các biện pháp kiểm soát về môi trường đối với tài chính quốc tế cho rằng, trong thời điểm hiện tại, than vẫn cần thiết để thúc đẩy phát triển.
Khoảng cách về ưu tiên phát triển
Những quan điểm khác nhau này phản ánh những ưu tiên khác nhau. Những người ủng hộ 'ngừng sử dụng than đá ngay bây giờ' quan tâm đến chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu. Mối quan tâm chính của họ không phải là mức sống hiện tại mà là mức sống sau năm 2040.
Còn những người ủng hộ 'chuyển đổi năng lượng một cách ổn định' nhất trí rằng các mục tiêu về biến đổi khí hậu toàn cầu là quan trọng nhưng cũng có các ưu tiên khác. Họ chỉ ra thực tế là các nước giàu đã được cung cấp đầy đủ năng lượng để phát triển còn tình trạng nghèo năng lượng vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển. Họ nói rằng mục tiêu tăng nhanh trữ lượng năng lượng phải được ưu tiên cao.
Ẩn sau khoảng cách chênh lệch về ưu tiên chính sách giữa các nước giàu và các nước đang phát triển là những khó khăn về tài chính. Sẽ rất tốn kém để tài trợ cho việc chuyển đổi các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới.
Có một câu hỏi đang đặt ra đối với 100 tỷ USD mà các nước giàu hứa cung cấp vào năm 2020, dưới tên gọi "tài chính khí hậu", để giúp các nước đang phát triển trở nên xanh hơn nhanh hơn. Thông tin này lần đầu tiên được đề cập trong các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc vào năm 2009 tại COP-15 khi các nước giàu hứa cung cấp 30 tỷ USD cho giai đoạn 2010–2012. Họ cũng đồng ý huy động tài chính dài hạn thêm 100 tỷ USD/năm từ năm 2020.
Vấn đề là ngôn ngữ được đưa vào đoạn văn liên quan đến "tài chính khí hậu" rất lỏng lẻo đến mức gần như vô nghĩa. Và dù có đề cập như thế nào, dòng chảy 100 tỷ USD mỗi năm dường như rất khó đến. Các tuyên bố chính thức của các nước giàu tại các cuộc họp COP có xu hướng khéo léo tránh đề cập đến vấn đề này. Không có gì ngạc nhiên khi đại biểu từ các nước đang phát triển không quên lời hứa này và tiếp tục đề cập đến vấn đề này khi phát biểu tại các cuộc họp của Liên Hợp Quốc.
Trong một khoảng thời gian, các ngân hàng phát triển đa phương lớn (MDB) đã phải chịu áp lực mạnh mẽ trong việc ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới ở các nước đang phát triển. Cả Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều bắt đầu đi theo hướng này từ năm 2013.
Trước sức ép chính trị từ các nước giàu, MDB không có lựa chọn nào khác. Các tổ chức này dự kiến sẽ điều chỉnh chương trình làm việc của họ theo các mục tiêu quốc tế được đề ra trong các văn kiện như Thỏa thuận Paris 2015.
Khó khăn khi muốn ngừng đầu tư vào than
Tuy nhiên, vẫn có nhiều mặt trái. Quyết định ngừng tài trợ cho các nhà máy than ở các nước đang phát triển có nghĩa là Ngân hàng Thế giới và ADB sẽ khó giải quyết các vấn đề lớn về thiếu hụt năng lượng ở các nước đang phát triển. Trước đây, các định chế tài chính này đã nói về nhu cầu giải quyết tình trạng nghèo đói trên toàn cầu nhưng hiện giờ, họ đang gặp khó khăn trong việc vừa phải cắt giảm hỗ trợ đầu tư cho nhiệt điện than ở các nước đang phát triển nhưng vừa phải giúp cung cấp năng lượng cho người dân nghèo ở các nước này.
Một vấn đề liên quan là các nước đang phát triển vẫn có kế hoạch đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than. Họ có thể tiếp tục làm việc này mà không cần MDB tài trợ vì nguồn tài trợ từ các định chế quốc tế chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhu cầu tổng thể của họ.
ADB ước tính rằng tổng vốn đầu tư hiện tại vào hệ thống điện của châu Á là hơn 800 tỷ USD mỗi năm. ADB gần đây đã công bố kế hoạch cung cấp 100 tỷ USD, với tên gọi tài chính khí hậu, cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong giai đoạn 2019–2030. Con số này tương đương khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Khoản tài trợ được hứa hẹn này chiếm khoảng 1% các khoản đầu tư hàng năm vào lĩnh vực điện năng trong khu vực. Rõ ràng, các quyết định của MDB về việc giữ lại tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than chỉ mang lại rất ít tác động đến các kế hoạch đầu tư ở các nước châu Á.
Bên cạnh đó, thông báo của Trung Quốc rằng họ sẽ không còn hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện than nước ngoài cũng không tạo ra nhiều khác biệt. Trung Quốc vẫn sẽ tài trợ cho nhiều dự án khác trên khắp châu Á. Các quốc gia có thể vay từ Trung Quốc dưới danh nghĩa một dự án khác và sau đó chuyển sang tài trợ cho chính các nhà máy năng lượng đốt than của họ.
Vấn đề thứ ba là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân cho các chương trình năng lượng. Chính phủ các nước OECD muốn chuyển hướng các cuộc thảo luận về nguồn vốn chính thức cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu bằng cách chỉ ra vai trò của khu vực tư nhân trong việc tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Nhưng có vô số vấn đề khi phụ thuộc vào khu vực tư nhân.
Hầu như không thể có được một ước tính hợp lý về khả năng tài trợ của khu vực tư nhân trong việc hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Tất cả các mục tiêu tài chính đều được đề cập nhưng chỉ được tóm gọn lại thành những danh sách mong muốn mơ hồ.
Khu vực tư nhân cũng có kế hoạch tài trợ cho một loạt các dự án năng lượng. Nhưng rất có thể nhiều điều trong số kế hoạch này sẽ không bao giờ xảy ra. Sẽ là sai lầm nếu kỳ vọng rằng những kế hoạch mơ hồ về nguồn vốn tư nhân này sẽ lấp đầy khoảng trống khi chính phủ các nước giàu không hỗ trợ nhu cầu năng lượng mới nổi trên khắp thế giới đang phát triển.