Châu Á tìm nguồn cung thay thế khi Ả Rập Xê-út, Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu

Các nhà máy lọc dầu của châu Á, đáp ứng khoảng 1/3 mức tiêu thụ nhiên liệu của thế giới, đang sẵn sàng chuyển sang các nhà cung cấp dầu thô khác nếu Ả Rập Xê-út và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng, Bloomberg đưa tin.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hai nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới cho biết hôm thứ Hai (3/7) rằng họ sẽ kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng sang tháng 8. Cùng với việc cắt giảm mà họ đã thực hiện và các biện pháp kiềm chế đang diễn ra của các quốc gia khác trong liên minh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), tổng mức cắt giảm nguồn cung sẽ lên tới 3,1 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 3% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Các thương nhân ở châu Á cho biết vẫn có nguồn cung dồi dào từ các nhà khai thác bên ngoài liên minh 23 quốc gia này, đặc biệt là ở các địa điểm như Mỹ, Tây Phi và Biển Bắc.

Một mặt, điều này có thể làm giảm bớt nguồn cung ở Mỹ và châu Âu, nơi có các hợp đồng tương lai dầu được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Mặt khác, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia Trung Đông mất đi thị phần tại thị trường có nhu cầu đang phát triển nhanh nhất.

Cho đến nay, sự sụt giảm sản lượng của Ả Rập Xê-út và các đồng minh đã không tạo ra bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào đối với giá dầu, vốn đã bị kẹt ở mức từ 70 đến 80 USD/thùng trong nhiều tuần.

Trong vài ngày tới, Ả Rập Xê-út sẽ công bố giá bán dầu thô chính thức cho các khu vực mua khác nhau trên thế giới. Những con số này có thể đóng vai trò then chốt trong việc xác định nhu cầu từ các khu vực khác nhau.

Trước đợt cắt giảm mới nhất của Ả Rập Xê-út, các thương nhân ước tính rằng giá đối với dầu thô vận chuyển trong tháng 8 từ Ả Rập Xê-út sẽ không thay đổi - ở mức mà nhiều người trong số họ đã coi là tương đối cao. Một số thương nhân cho biết họ dự đoán giá sẽ tăng nếu Ả Rập Xê-út có ý định thắt chặt nguồn cung.

Các thương nhân nói rằng nhu cầu tại thị trường giao ngay châu Á khá tốt vào tháng trước, nhưng kỳ vọng giá dầu của Ả Rập Xê-út tương đối cao trong tháng 8 có thể ngăn cản sự quan tâm từ châu Á đối với mặt hàng này.

Brent - Dubai

Chênh lệch giữa giá niêm yết của dầu thô Brent và Dubai cũng đã thu hẹp mạnh trong tháng qua, cho thấy dầu thô gắn liền với dầu Brent có thể hấp dẫn hơn. Chi phí vận chuyển rẻ hơn cũng làm giảm hóa đơn nhập khẩu tổng thể đối với các chuyến giao hàng đường dài từ Đại Tây Dương.

Các nhà máy lọc dầu ở Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan có thể xoay chuyển giữa các thùng dầu từ Trung Đông và các loại dầu khác. Ví dụ: các nhà máy lọc dầu có thể sử dụng West Texas Intermediate (WTI) hoặc Forties của Mỹ thay vì Murban của Abu Dhabi và chuyển từ Upper Zakum hoặc Oman sang Johan Sverdrup của Na Uy hoặc Mars của Mỹ.

Đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của châu Á đối với các loại dầu của Tây Phi đang tăng lên.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã mua một số lượng tương đối lớn dầu của Angola, trong khi các nhà máy lọc dầu nhà nước ở Indonesia và Ấn Độ cũng đã mua một số chuyến hàng của Nigeria cho tháng 8, các thương nhân cho biết.

Theo dữ liệu theo dõi tàu, 2 siêu tàu chở dầu hiện đang vận chuyển dầu Forties của North Sea đến Trung Quốc, ước tính sẽ cập bến vào tháng tới. Đó là những lô hàng đầu tiên có bên mua đến từ châu Á kể từ tháng 1, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Đỗ Khánh

Bloomberg

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chau-a-tim-nguon-cung-thay-the-khi-a-rap-xe-ut-nga-tiep-tuc-cat-giam-san-luong-dau-688742.html