Châu Á ưu tiên mở cửa du lịch
Mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á, song nhiều chính phủ trong khu vực đang lên các 'kịch bản' nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế với phương châm thích ứng an toàn với dịch. Du lịch là một lĩnh vực được ưu tiên trong chiến lược phục hồi kinh tế.
Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại “đất nước nụ cười” trong vòng vài tháng tới. Theo kế hoạch, các tỉnh của Thái Lan sẽ mở cửa trở lại theo bốn giai đoạn, theo các yếu tố về doanh thu du lịch, địa lý và các biện pháp phòng ngừa Covid-19.
Giai đoạn thí điểm trong tháng 10, bao gồm cả mô hình “hộp cát” ở các địa điểm du lịch Phuket và Samui đã thực hiện từ tháng 7 và tháng 8, mở cửa trở lại các tỉnh Phuket, Surat Thani (các đảo Koh Samui, Koh Pha-ngan và Koh Tao), Phang Nga (vùng bờ biển Khao Lak và đảo Koh Yao) và Krabi (các đảo Koh Phi Phi và Koh Ngai, và các bãi biển Railay, Khlong Muang và Tub Kaak). Mặc dù quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp để phòng, chống Covid-19 tới cuối tháng 11, nhưng CCSA cho phép thêm một số doanh nghiệp mở cửa trở lại và rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm.
Malaysia thực hiện thí điểm “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi thuộc bang Kedah. Đảo du lịch nổi tiếng với những bãi biển thơ mộng này đã mở cửa đón du khách nội địa, những người đã hoàn thành tiêm chủng. 9.500 du khách đã tới đây ngay trong ngày đầu mở cửa. Trong vòng một tuần thí điểm mở cửa trở lại từ giữa tháng 9, Langkawi đã thu hút được 12.607 du khách. Sau thành công ở Langkawi, Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia dự kiến sẽ mở “bong bóng du lịch” tới một số địa phương khác như cao nguyên Genting, Malacca và đảo Tioman.
Các quốc gia Nam Á vốn hứng chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch cũng bắt đầu lên kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp không khói. Nepal nối lại việc cấp thị thực (visa) cho tất cả khách du lịch đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19; dỡ bỏ quy định cách ly khi nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tiêm phòng.
Quyết định được đưa ra đúng thời điểm thuận lợi nhất cho các chuyến leo núi mùa thu ở Nepal. Hiệp hội Leo núi Nepal nhận định, đây là quyết định rất quan trọng, có thể giúp gia tăng lượng khách du lịch quốc tế. Do khách quốc tế là một trong những nguồn thu chủ yếu của Nepal, quyết định đóng cửa đất nước do đại dịch hồi tháng 3 năm 2020 đã gây thiệt hại kinh tế ước tính hàng trăm triệu USD, đồng thời tác động mạnh tới khoảng 800.000 người làm việc trong ngành du lịch tại đây.
Ấn Độ cũng dự định cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch để chuẩn bị nối lại hoạt động của ngành du lịch sau hơn một năm đóng cửa. Ấn Độ đang đàm phán với các hãng hàng không quốc tế để lên lịch trình nối lại các chuyến bay giữa nước này với các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tại Sri Lanka, từ tháng 7, khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng bắt đầu được phép nhập cảnh mà không cần phải cách ly nếu có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Khu vực Nam Á có khoảng 47 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, là một phần nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế của các quốc gia khu vực trong năm 2020.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/chau-a-uu-tien-mo-cua-du-lich-667751/