Châu Âu: Các tiến bộ về sức khỏe đang bị 'đình trệ'

Theo một báo cáo mới đánh giá toàn diện từ các bệnh nhiễm trùng, mãn tính… cho đến vấn đề tuổi thọ trên khắp lục địa và một số khu vực Trung Á, các tiến bộ về sức khỏe của châu Âu đang bị 'trì trệ', và thậm chí thụt lùi.

Khoảng cách trong phạm vi tiêm chủng đã trở nên tồi tệ hơn ở một số quốc gia Châu Âu, dẫn đến sự tái bùng phát của các bệnh như sởi và ho gà. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Khoảng cách trong phạm vi tiêm chủng đã trở nên tồi tệ hơn ở một số quốc gia Châu Âu, dẫn đến sự tái bùng phát của các bệnh như sởi và ho gà. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cụ thể, Báo cáo Y tế châu Âu năm 2024 vừa được công bố phát hiện ra rằng khoảng cách trong phạm vi tiêm chủng đã trở nên tồi tệ hơn ở một số quốc gia trong khu vực, dẫn đến sự tái bùng phát của các bệnh như sởi và ho gà.

Theo báo cáo, có hơn 58.000 ca mắc sởi vào năm 2023 ở 41 quốc gia châu Âu, và 87.000 ca mắc ho gà - con số cao nhất trong thập kỷ qua.

Chỉ có 7 quốc gia trong khu vực, gồm Hungary, Kazakhstan, Malta, Bồ Đào Nha, Slovakia, Turkmenistan và Uzbekistan, có tỷ lệ tiêm chủng 3 loại vaccine chính phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà; bệnh sởi; và các bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn cao hơn 95%.

Báo cáo mới này được Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố 3 năm/lần và được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia phải đối mặt với một số thách thức, chẳng hạn như dân số già hóa và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cải thiện về sức khỏe ở châu Âu. Báo cáo cho biết các bệnh như tim mạch, ung thư, tiểu đường và các bệnh hô hấp mãn tính đang giảm dần.

Mười quốc gia, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Israel, Kazakhstan, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ, đã đạt được mục tiêu giảm 25% tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh mãn tính chính.

Mặc dù vậy, những căn bệnh này vẫn liên quan đến cái chết của gần 17% những người dưới 70 tuổi trong khu vực.

Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm là bệnh tim mạch, đặc biệt là ở các nước Đông Âu và Trung Á.

Đáng lưu ý, các nước Bắc Âu và Tây Âu có số ca mắc ung thư mới cao hơn, nhưng tỷ lệ tử vong đang giảm. Trong khi đó, các nước Đông Âu có số ca ung thư thấp hơn, nhưng tỷ lệ tử vong lại cao hơn.

“Toàn bộ khu vực này phải đối mặt với nguyên nhân gốc rễ của các bệnh mãn tính, từ việc sử dụng thuốc lá và rượu đến việc tiếp cận kém với thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng, ô nhiễm không khí, và thiếu hoạt động thể chất”, Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu của WHO, cho biết trong một tuyên bố.

Người châu Âu tiêu thụ nhiều rượu nhất trên toàn cầu với mức trung bình 8,8 lít mỗi người lớn mỗi năm - tương đương khoảng 733 đến 880 ly tiêu chuẩn mỗi năm. Mức tiêu thụ rượu cao nhất ở các nước EU và thấp nhất ở Trung Á.

Theo báo cáo, rượu là nguyên nhân gây ra 1 trong 11 ca tử vong ở khu vực này.

Tiến sĩ Gauden Galea, cố vấn chiến lược của WHO, giải thích rằng nhiều quốc gia châu Âu “đang sản xuất lượng rượu rất lớn trên thế giới” và người dân chưa nhận thức được “mối liên hệ chặt chẽ” giữa rượu và ung thư.

WHO cho biết tỷ lệ hút thuốc lá cũng ở mức cao - khoảng 25%, và khu vực này không đạt được mục tiêu giảm 30% người hút thuốc trong năm nay.

Trong khi đó, tình trạng béo phì, có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, đang gia tăng ở khu vực này với gần 1/4 số người trưởng thành đang phải sống chung với tình trạng này.

Người trẻ “cô đơn” hơn trước

Theo báo cáo, cứ 5 thanh thiếu niên trong khu vực thì có một người đang phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi từ 15 - 29.

“Trong thế giới trực tuyến và kết nối hiện nay, thật trớ trêu khi những người trẻ đang cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết, nhiều người đang phải vật lộn với cân nặng và sự tự ti của mình, khiến họ có sức khỏe kém khi trưởng thành”, ông Kluge nêu rõ.

Ông nói thêm rằng việc bảo vệ sức khỏe của trẻ em có thể giúp chúng phát triển thành những thanh thiếu niên khỏe mạnh hơn và từ đó, trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh hơn.

Ngaòi ra, báo cáo cũng đề cập đến một loạt các vấn đề sức khỏe khác ở châu Âu, lưu ý rằng mặc dù khu vực này có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ tương đối thấp, nhưng tiến trình này cũng đã đình trệ kể từ năm 2015.

Báo cáo kêu gọi thu hẹp khoảng cách lớn giữa các quốc gia về số ca tử vong ở trẻ em có thể phòng ngừa được và cảnh báo châu Âu là khu vực nóng lên nhanh nhất trên toàn cầu, với ước tính 175.000 ca tử vong liên quan đến nhiệt mỗi năm.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Kluge cho biết so với trước đại dịch COVID-19, hệ thống y tế của châu Âu “không được chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp hiện nay”. Ông nhấn mạnh rằng các loại virus như cúm gia cầm, mpox và Marburg “không có biên giới”, và chú trọng vấn đề sức khỏe trong các chương trình nghị sự có nghĩa là “cùng nhau xây dựng một thế giới an toàn hơn và kiên cường hơn”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Euronews)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/chau-au-cac-tien-bo-ve-suc-khoe-dang-bi-dinh-tre-151236.html