Châu Âu có thể ngăn khủng hoảng năng lượng trở thành khủng hoảng kinh tế?
Nhiều nhà kinh tế dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái ở châu Âu trong vài tháng tới khi đồng euro đang chạm mức thấp nhất so với đồng USD trong hai thập kỷ.
Do nguồn cung khí đốt của Nga, năng lượng hạt nhân của Pháp và thủy điện của Na Uy đều bị gián đoạn và ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường năng lượng, giá điện đang ở mức rất cao. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng 30% vào tuần trước.
Mùa Hè năm ngoái, các hợp đồng mua điện trước một năm của Pháp và Đức được giao dịch ở mức 100 euro (tương đương 118 USD) mỗi MWh. Gần đây, giá các hợp đồng này đã tăng lên mức trên 1.000 euro.
Giá điện sau đó đã giảm, nhưng giá khí đốt vẫn giao dịch ở mức tương đương khoảng 400 USD cho một thùng dầu. Ông chủ của tập đoàn dầu khí Shell đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ kéo dài hơn một mùa Đông.
"Nỗi đau" này sẽ rất nghiêm trọng và lan rộng khi các hợp đồng mua năng lượng hiện tại của các hộ gia đình và doanh nghiệp hết hạn và các hợp đồng mới được ký kết. Một yếu tố sẽ làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất để chống lạm phát.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái trong vài tháng tới và đồng euro đang chạm mức thấp nhất so với đồng USD trong hai thập kỷ. Viễn cảnh bất ổn và tranh cãi giữa các quốc gia thành viên EU đang dần hiện ra trước mắt.
Theo tạp chí The Economist của Anh, cho đến nay, phản ứng của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa đủ tham vọng. Ý tưởng mới nhất của ủy ban này là áp trần giá khí đốt sử dụng để sản xuất điện, sẽ được thảo luận tại hội nghị các Bộ trưởng EU vào ngày 9/9.
EC cũng có thể tìm cách điều chỉnh lại một cách toàn diện thị trường năng lượng để giá giao ngay không còn được thiết lập bởi chi phí của nhà sản xuất nhỏ vốn thường sử dụng khí đốt để phát điện.
Áp trần giá khí đốt nghe có vẻ phù hợp nhưng có thể phản tác dụng. Đó là bởi vì mức trần giá sẽ không hạn chế nhu cầu năng lượng đang khan hiếm. Theo một nghiên cứu, một mức trần được thực hiện ở Tây Ban Nha đã dẫn đến việc sản xuất điện bằng khí đốt tăng 42% kể từ tháng Sáu. Một chính sách như vậy cho toàn EU sẽ chỉ làm gia tăng hơn nữa nhu cầu khí đốt, làm tăng khả năng phải thực hiện việc phân phối khí đốt trong mùa Đông.
Điều kiện hiện tại cho phép một số công ty năng lượng tái tạo, sản xuất với chi phí cận biên gần bằng 0, thu được lợi nhuận. Nếu giá khí đốt tiếp tục ở mức cao trong nhiều năm, những đợt gió như vậy có thể bị coi là có giá thuê không hợp lý. Nhưng chính tín hiệu giá đó đảm bảo rằng các nhà máy chạy bằng khí đốt sẽ sản xuất ra năng lượng khi gió không thổi và thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo.
Các chính phủ nên tập trung vào hai nhiệm vụ lớn hơn. Đầu tiên là cho phép cơ chế thị trường kiềm chế nhu cầu, đồng thời hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. EU sẽ cần đưa ra những khoản tài trợ lớn, và việc hỗ trợ có mục tiêu có thể giúp giảm chi phí. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các khoản giảm giá và chuyển tiền mặt cho 40% người nghèo nhất sẽ "rẻ" hơn so với các chính sách hiện nay, phần lớn bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu hay giới hạn giá bán lẻ.
Ưu tiên thứ hai là tăng nguồn cung, ví dụ như các nguồn khí đốt tự nhiên khác. Đây là lý do tại sao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa đến thăm Algeria. Trong phạm vi châu Âu, nhiều quốc gia có thể giúp giảm bớt những tắc nghẽn trong với việc hợp tác vận chuyển khí đốt xuyên biên giới.
Ngày nay, đầu tư không đủ và sự khác biệt về tiêu chuẩn đã cản trở dòng chảy từ Tây Ban Nha và Pháp sang Đức và Đông Âu. EU cần đảm bảo rằng trong trường hợp thực hiện việc phân phối khí đốt, có một thỏa thuận toàn lục địa về việc người dùng nào bị cắt giảm khí đầu đầu tiên. Nếu không có thỏa thuận chung, sẽ xuất hiện nguy cơ các quốc gia tích trữ khí đốt.
Đến nay, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha, những nước thành viên mắc nợ nhiều nhất của khu vực đồng euro, đã chi 2-4% GDP của mình cho các khoản hỗ trợ tài chính để giảm bớt cú sốc năng lượng. May mắn thay, EU có tiềm lực để trợ giúp họ. Quỹ phục hồi đại dịch trị giá 807 tỷ euro đang được trích ra dưới hình thức cho vay và tài trợ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa đến 15% tổng số tiền này được giải ngân.
Các khoản thanh toán cho các dự án năng lượng có thể được đẩy nhanh và EC có thể cung cấp các khoản vay giá rẻ để giúp thực hiện các khoản hỗ trợ tài chính có mục tiêu. EU đã cùng nhau giải quyết những hậu quả kinh tế của các đợt phong tỏa do đại dịch. Cuộc khủng hoảng năng lượng này cũng đòi hỏi một phản ứng táo bạo tương tự./.