Châu Âu định hình lại quan hệ với Trung Quốc
Cuộc họp thượng đỉnh EU - Trung Quốc kết thúc hôm 14-9 không đạt được thỏa thuận chung nào. Thay vào đó là hàng loạt chỉ trích đến từ EU dành cho đối tác thương mại lớn nhất của mình. Thời gian trăng mật giữa hai bên đã đến hồi kết thúc.
Từ đối tác thành đối thủ
Trong một thời gian dài, mối quan hệ kinh tế giữa EU với Trung Quốc đã phát triển liên tục. Mối quan hệ đó tốt đẹp đến nỗi, nó giúp cả hai bên gạt bỏ những bất đồng để dõi theo những con số tăng trưởng không ngừng.
Không có ví dụ nào cho mối quan hệ EU - Trung Quốc rõ hơn mối quan hệ đầy thân tình giữa Đức, quốc gia giàu nhất trong EU với Trung Quốc. Đức từng là bên cung cấp những thiết bị, máy móc hiện đại giúp tạo động lực cho nền kinh tế Trung Quốc, đổi lại mối quan hệ với Bắc Kinh cũng giúp nền kinh tế của Berlin phục hồi nhanh sau khủng hoảng năm 2008 và duy trì mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ trong số những nước công nghiệp phát triển.
Trong gần 2 thập niên, Trung Quốc cần tới những thiết bị công nghiệp hiện đại của Đức như robot, máy móc để trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới. Đó cũng là quãng thời gian vàng son mà các tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đức có mức tăng trưởng doanh thu 2 con số ở thị trường Trung Quốc. Trong thập niên đầu của thế kỷ 21, mức doanh thu này giúp Đức trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng trên cả Mỹ và Trung Quốc. Nó cũng cho phép Đức duy trì ngành sản xuất trong nước bất chấp những bước chuyển dịch trong hệ thống sản xuất toàn cầu. Nhưng, điều này đang thay đổi nhanh chóng.
Các công ty Trung Quốc đang quay trở lại cạnh tranh với những nhà công nghiệp Đức. Họ cung cấp tuabin gió cho thị trường Pháp, Hà Lan, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm mới ở Bồ Đào Nha, đấu thầu mạng lưới điện ở Ba Lan và thực hiện hàng loạt dự án công nghiệp lớn ở khắp nơi trên thế giới. Người Đức không còn là sự lựa chọn số 1 cho những dự án công nghiệp lớn như họ đã từng đem đến sự bảo đảm nữa. Chỉ riêng thị phần về hàng hóa kỹ thuật cơ khí, lĩnh vực sử dụng khoảng 1,3 triệu lao động ở Đức đã giảm từ 19,2% xuống 16,1% trong giai đoạn 2010-2018, trong khi Trung Quốc tăng từ 8,5% lên 13,5%.
Sự dịch chuyển càng rõ ràng hơn trong năm 2020 này khi nhờ việc kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm thị phần xuất khẩu lớn hơn, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tê liệt vì đại dịch. Không chỉ nước Đức mà cả châu Âu đã nhìn rõ đối thủ của mình và họ thấy cần phải thay đổi.
Thị trường Trung Quốc đang đóng lại
Cho đến lúc này, Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể được hoàn thành trong năm 2020 như theo kế hoạch dù nó đã được đề ra từ rất nhiều năm trước. Bất chấp sự cởi mở của EU trong nỗ lực mở cửa thị trường với hàng hóa Trung Quốc thì những mặt hàng thế mạnh của EU ngày càng khó tìm chỗ đứng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này hơn. Những hãng xe như Dongfeng, Gacz, Lifan, SAIC... đang vươn dần lên những phân khúc trung và cao cấp để chiếm vị trí của những hãng xe đến từ châu Âu như Volkswagen hay Volvo. Trong khi những chiếc máy bay phản lực Made in China cũng đã sẵn sàng phát triển những bản thương mại để tham gia vào cuộc đua với hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Airbus. Nạn ăn cắp bản quyền, hàng giả, hàng nhái tràn lan làm tổn hại tới thị trường xa xỉ phẩm mà châu Âu có thế mạnh. Có thể nói, thị trường Trung Quốc không còn làm lóa mắt các nhà sản xuất châu Âu nữa.
Trong khi đó, những mặt hàng nông nghiệp thực phẩm mà Trung Quốc cần nhập nhất lại không phải thế mạnh của EU. Cán cân thương mại hai chiều đang thay đổi chóng mặt cho dù trao đổi thương mại giữa hai bên vẫn duy trì ở mức cao khoảng 1 tỷ euro mỗi ngày. Theo thông báo của Ủy ban Kinh tế châu Âu (ECE) thì lần gần nhất EU đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc đã là năm 2016. Khi nước Mỹ của ông Donald Trump khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc thu dần được những kết quả tích cực, những nhà quản lý kinh tế của EU đang phải nhìn nhận lại đối tác của mình.
Khi châu Âu được quay trở lại
Nhưng, giữa lúc khó khăn thì một cơ hội lại mở ra với châu Âu khi cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc leo lên một nấc thang mới. Có ngẫu nhiên không khi trong nửa cuối tháng 8 năm 2020 này, hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc đều đã đặt chân đến châu Âu bất chấp đại dịch COVID? Chuyến công du 4 nước châu Âu của ông Mike Pompeo từ hôm 11 tới 14 tháng 8 vừa qua đã kèm theo thông điệp rất mạnh mẽ: cuộc chiến tranh lạnh 2.0 với Trung Quốc đã bắt đầu và dĩ nhiên Mỹ muốn châu Âu tham gia cùng mình.
Ngay sau đó, dù không có kế hoạch từ sớm nhưng ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lập tức thăm châu Âu từ 25-8 đến 1-9. Một nỗ lực được coi là "kiểm soát thiệt hại" trong bối cảnh Mỹ đang chĩa mũi dùi về phía Bắc Kinh.
Trong một thời gian dài, châu Âu đã đứng ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung nhưng dần dần họ đã nhận ra rằng những lợi ích thương mại nhất thời sẽ không đảm bảo được vị thế của mình. Khi mà cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới, mở rộng và căng thẳng hơn thì châu Âu lại càng đóng vai trò quan trọng cân bằng ở giữa. Châu Âu, với vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sở hữu uy tín quốc tế cùng sức ảnh hưởng rộng lớn rõ ràng là điểm tựa tốt cho bất cứ bên nào.
Sự xa lánh với châu Âu trong thời gian đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump cũng như những rào cản mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lập nên giữa họ với EU đang dần được xóa bỏ. Vấn đề lúc này là, EU sẽ chọn cho mình vị trí như thế nào?
Cứng rắn để mở đường
Không khó để thấy châu Âu đang tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những vấn đề của mình. Ngoài những lời chỉ trích bên ngoài, các quốc gia châu Âu cũng tỏ rõ thái độ thận trọng hơn với các đối tác Trung Quốc. Đơn cử như "vụ Huawei", hãng công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc tuy chưa bị cấm tại EU nhưng cánh cửa đang dần đóng lại thông qua những rào cản kỹ thuật và an ninh ở một loạt quốc gia từ Pháp đến Tây Ban Nha và cả Đức.
Bất chấp cho đến cuối năm ngoái, Huawei đã ký hơn 40 hợp đồng thương mại liên quan tới công nghệ 5G ở châu Âu thì nay các chính phủ EU đang muốn đảo ngược tiến trình. Một quyết định mà phần nhiều được cho là bởi sức ép từ phía Mỹ. Còn EU, họ cũng thấy rõ cần phải bảo vệ mình trước làn sóng tấn công từ các tập đoàn Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không phải không có những lá bài để cân bằng lại ảnh hưởng ở châu Âu. Đáng kể nhất là những lợi ích kinh tế mà nước này mang lại ở nhiều quốc gia trong khu vực. Bản thân châu Âu cũng thu được những lợi ích của riêng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đẩy dòng tiền đầu tư chảy về lục địa già. Trung Quốc nhờ đó duy trì sức ảnh hưởng lớn tại nhiều quốc gia trong khu vực. EU là một khối đa quốc gia, mỗi nước đều có những tính toán chiến lược dựa trên cân đối lợi ích của mình.
EU vẫn rất cần tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện tại. Thế nhưng, EU đang trở nên ít tin tưởng Trung Quốc hơn. Đã có những cảnh báo về bẫy đầu tư của Trung Quốc. Thêm nữa, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người nhiệt thành "mai mối" cho EU và Trung Quốc, sắp rời nhiệm sở, nhà lãnh đạo mới của nước Đức được cho là sẽ cứng rắn hơn trong cách nhìn nhận về Trung Quốc.
Quan hệ ổn định giữa EU và Trung Quốc vì thế đang dần đi tới hồi kết. EU cũng đang lựa chọn con đường độc lập hơn với Mỹ nhưng không có lý do gì họ sẽ ngả về phía Trung Quốc khi những nghi ngờ vẫn còn tồn tại. Giờ thì quả bóng đang được đẩy về phía Trung Quốc, liệu họ có sẵn sàng bắt lấy bàn tay của EU lần nữa hay sẽ để liên minh khổng lồ này quay về với Mỹ?
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chau-au-dinh-hinh-lai-quan-he-voi-trung-quoc-613539/