Châu Âu dõi theo bầu cử Đức
Cử tri Đức ngày 23-2 đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử trước hạn với 4 ứng viên cạnh tranh vị trí thủ tướng.
4 ứng viên gồm: ông Olaf Scholz của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), ông Friedrich Merz thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), ông Robert Habeck thuộc Đảng Xanh và bà Alice Weidel của đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD).
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy CDU dẫn đầu cuộc đua, theo sau là AfD, SPD và Đảng Xanh. Dù vậy, các cuộc khảo sát cũng cho thấy đảng của ông Merz sẽ cần một đảng nhỏ hơn làm đối tác liên minh để giành được thế đa số trong quốc hội. Các cuộc đàm phán liên minh thường diễn ra khó khăn và kéo dài nhiều tuần, dẫn đến những giai đoạn tê liệt chính trị kéo dài trước khi thủ tướng mới chính thức nắm quyền.
Trao đổi với trang Politico, ông Merz, ứng viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng mới, cho biết ông đang nhắm tới hạn chót là ngày 20-4 để đạt được thỏa thuận và kêu gọi các đồng minh tiềm năng chuẩn bị việc đàm phán nhanh chóng. Ông Merz có thể lựa chọn hợp tác với SPD để thành lập "liên minh lớn" dù một số nhà phân tích cho rằng bước đi này không đơn giản do hai bên có những khác biệt rõ rệt, nhất là về chính sách kinh tế và xã hội.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bỏ phiếu ở Zehlendorf ngày 23-2. Ảnh: DPA
Trong trường hợp lập được chính phủ mới, tân thủ tướng Đức sẽ đối mặt một loạt thách thức, từ kinh tế trì trệ, chính sách nhập cư cho đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đáng chú ý, nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) này có thể bị trúng đòn nếu ông Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại.
Theo trang Euronews, Đức đóng vai trò lớn trong việc định hình phản ứng của EU trước mối đe dọa bên kia Đại Tây Dương. Cử tri Đức muốn bảo đảm an ninh, vị thế của đất nước và châu Âu không bị suy giảm. Trong nỗ lực trấn an cử tri, ông Merz khẳng định nếu đắc cử, ông sẽ ưu tiên khôi phục vị thế của nước Đức trên trường thế giới, cũng như cam kết sẽ có một "tiếng nói mạnh mẽ" ở châu lục này vào thời điểm đầy xáo trộn như hiện nay.
Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) cũng nhận định kết quả bầu cử sẽ định hình hướng đi tương lai của Đức và đặc biệt là châu Âu. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chỉ trích các đồng minh lâu năm ở châu Âu, một nước Đức mạnh mẽ và tự tin là cần thiết để mang lại cho EU sự lãnh đạo vốn đã thiếu vắng lâu nay. Nếu Đức không đảm nhận được vai trò này, cả EU, phương Tây và hệ thống thương mại toàn cầu có nguy cơ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chau-au-doi-theo-bau-cu-duc-196250223213115553.htm