Thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine: Ông Zelensky đã dao động, Kiev sẽ được chia phần thế nào?
Bản dự thảo thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine đang gây tranh cãi được cho là sẽ cung cấp cho Washington các bảo đảm tài chính và quyền tiếp cận các lại tài nguyên quan trọng để không phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Đổi lại, khi các nguồn lực bắt đầu chảy, Mỹ sẽ có nhiều động lực hơn để bảo vệ Ukraine.
Tổng thống Donald Trump cho biết ngày 22/2 rằng, Mỹ đã gần đạt được thỏa thuận với Ukraine về việc chia sẻ doanh thu từ khoáng sản của Kiev như một phần trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
"Tôi cho rằng, chúng ta đã khá gần với một thỏa thuận", ông Trump phát biểu trong cuộc tụ họp của những người bảo thủ tại National Harbor, Maryland, ở ngoại ô Washington. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, Mỹ muốn thu hồi hàng tỷ USD tiền viện trợ quân sự đã trao cho Ukraine trong nỗ lực đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Ông Trump cho biết, Mỹ đang yêu cầu đất hiếm, dầu hoặc "bất cứ thứ gì chúng ta có thể có được".

Hình ảnh chụp từ máy bay không người lái cho thấy mỏ lộ thiên Zavallievsky Graphite, tại Zavallia, Ukraine, ngày 10/2. (Nguồn: Reuters)
Hứa hẹn từ Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, doanh thu từ thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine sẽ thúc đẩy “công cuộc tái thiết và phát triển lâu dài” của quốc gia bị xung đột quân sự tàn phá này.
Trong bài viết trên tờ Financial Times vừa xuất bản, ông Bessent nhắc lại rằng, không phải ai khác, mà chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy là người đầu tiên nêu ra khái niệm về thỏa thuận khoáng sản với ông Donald Trump vào tháng 9 năm ngoái. Đó là một phần của "Kế hoạch chiến thắng", mà ông Zelensky đã từng trình bày với các đồng minh của Kiev.
Ông Bessent viết - ông đã thực hiện chuyến thăm quốc tế đầu tiên của mình trên cương vị mới, tới Kiev với kế hoạch “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước”.
“Quan hệ đối tác này (Mỹ-Ukraine) sẽ cam kết về sự hỗ trợ liên tục của Mỹ đối với người dân Ukraine, cũng như đặt nền tảng cho việc tái thiết mạnh mẽ nền kinh tế nước Đông Âu này”, ông viết.
Người đứng đầu ngành Tài chính Mỹ phân tích thêm rằng, Ukraine được ban tặng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các tài sản quốc gia khác có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau sự tàn phá của xung đột quân sự - nhưng đó là chỉ khi chính phủ và người dân của họ được trang bị đủ vốn, chuyên môn và các động lực phù hợp.
Bài viết của ông Bessent đã được công bố vào ngày mà người ta mong đợi người đứng đầu chính phủ Ukraine và phía Mỹ sẽ hoàn thiện các điều khoản của thỏa thuận khoáng sản.
Tuy nhiên, cũng có thông tin vào cuối tuần trước (ngày 22/2) rằng, Ukraine đang xem xét một đề xuất sửa đổi đối với những điều khoản của Washington về các nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của mình - trong đó yêu cầu nước này từ bỏ một nửa doanh thu từ khoáng sản đất hiếm, khí đốt và dầu mỏ, cũng như thu nhập từ các cảng và cơ sở hạ tầng khác.
Những ngày này, nội dung bản thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông, tuy nhiên chúng vẫn là những mảnh ghép chưa đầy đủ. Thông tin cụ thể hơn về những đề xuất của Washington, tờ FT đưa tin, thỏa thuận khoáng sản kêu gọi một quỹ đầu tư tái thiết, trong đó Ukraine sẽ đóng góp 50% thông qua tài nguyên khoáng sản cho đến khi đạt ngưỡng 500 tỷ USD.
Theo nội dung các điều khoản của chính quyền Tổng thống Trump, nếu được chấp thuận, quỹ tái thiết sẽ lấy tiền từ Ukraine hiện đang được đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của nước này, cũng như số tiền tái thiết đất nước sau khi cuộc xung đột với Nga kéo dài 3 năm kết thúc.
“Các điều khoản trong Quan hệ đối tác của chúng tôi đề xuất rằng, doanh thu mà chính phủ Ukraine nhận được từ tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và các tài sản khác sẽ được phân bổ cho một quỹ tập trung vào việc tái thiết và phát triển lâu dài của đất nước, nơi Mỹ nắm kinh tế và sẽ có quyền quản lý các khoản đầu tư trong tương lai đó”, ông Scott Bessent viết.
“Cấu trúc và mối quan hệ này mang lại các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản trị doanh nghiệp và khuôn khổ pháp lý cần thiết để thu hút đầu tư tư nhân mạnh mẽ cho sự tăng trưởng sau xung đột quân sự ở Ukraine”.
Bộ trưởng Tài chính Bessent cam kết rằng, Ukraine sẽ có trong tay “Nhân tài, vốn và các tiêu chuẩn cao, cùng trình độ quản lý của Mỹ để đẩy nhanh quá trình phục hồi đất nước”. Người đứng đầu ngành Tài chính Mỹ cũng nói thêm rằng, thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine sẽ "gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga rằng Washington đang đầu tư vào một quốc gia tự do và thịnh vượng trong dài hạn".
Ký thỏa thuận khoáng sản trong tuần tới?
Tin mới nhất về thỏa thuận khoáng sản, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff ngày 23/2 cho biết, ông kỳ vọng một thỏa thuận về việc Mỹ tiếp cận các mỏ khoáng sản quan trọng của Ukraine sẽ được ký kết trong tuần này.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Witkoff nói: "Tổng thống Volodymyr Zelensky đã dao động trong cam kết về vấn đề này cách đây một tuần", đề cập việc nhà lãnh đạo Ukraine từ chối đề xuất ban đầu của Mỹ. "Tổng thống (Trump) đã gửi thông điệp tới ông ấy. Giờ đây ông ấy không còn dao động nữa".
"Ông Zelensky đã nhận ra rằng, chúng tôi (Mỹ) đã làm rất nhiều (cho Ukraine) và thỏa thuận này cần được ký kết, tôi nghĩ các bên sẽ ký trong tuần tới", Đặc phái viên của Tổng thống Trump khá tin tưởng.
Tuy nhiên, đây mới là các thông tin từ phía Mỹ. Tờ CNN đưa tin, theo một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, nội dung dự thảo thỏa thuận Mỹ-Ukraine về khoáng sản đất hiếm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác "không phải là điều mà Tổng thống Zelensky sẽ chấp thuận".
"Đây là một lời đề nghị kỳ lạ, khi cố gắng lấy từ một quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề do xung đột quân sự, nhiều hơn chi phí để trả cho quốc phòng của họ", nguồn tin nói với CNN.
Mỹ đang cố gắng tiếp cận các khoáng sản quan trọng và các nguồn tài nguyên khác của Ukraine như một phần của các cuộc đàm phán rộng hơn, nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Đổi lại, Ukraine muốn thúc đẩy các đảm bảo an ninh, Kiev không chỉ mong muốn được trả lại lãnh thổ đã mất, mà còn muốn được bảo vệ trước các cuộc tấn công từ Nga, có thể xảy trong tương lai.
Tuy nhiên, Ukraine đã không được mời tham dự các cuộc đàm phán Mỹ- Nga tại Saudi Arabia và tuần qua, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ukraine đã bị “mắc kẹt” trong một cuộc khẩu chiến leo thang. Ông Trump nói ông Zelensky mới chính là người bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong khi nhà lãnh đạo Ukraine đáp trả rằng - Tổng thống Mỹ đang sống trong một "không gian thông tin sai lệch".
Hiện người Ukraine vẫn đang cố gắng đàm phán để sửa đổi đối các điều khoản trong thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, với lý do được đưa ra là – những đề nghị của phía Mỹ trong bản dự thảo "không đưa ra bất kỳ nghĩa vụ nào của Mỹ, trong khi Kiev được kỳ vọng sẽ là bên cung cấp mọi thứ", nguồn tin kết luận.
Giới quan sát dự đoán rằng, khả năng bản thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukrane được ký kết khá cao, khi sau cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha khoe rằng, “trước lễ kỷ niệm 3 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự, tôi đề cao ý chí mạnh mẽ của Ukraine nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài - một nền hòa bình sẽ củng cố quan hệ Mỹ-Ukraine”.