Châu Âu hối hả trang bị vũ khí

Châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua.

“Châu Âu là điểm nóng mới”

Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 14/3, trong khi xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu giai đoạn 2017-2021 giảm 4,6% so với 5 năm trước đây, thì xuất khẩu vũ khí tại châu Âu tăng 19%. “Châu Âu là điểm nóng mới”, ông Siemon Wezeman, đồng tác giả báo cáo thường niên của SIPRI chia sẻ với AFP.

Litva chuyển tên lửa Stinger cho Ukraine. Ảnh: AFP

Litva chuyển tên lửa Stinger cho Ukraine. Ảnh: AFP

“Chúng tôi đang gia tăng chi tiêu quân sự không chỉ một chút mà là rất nhiều. Chúng tôi cần những vũ khí mới và phần lớn trong số này được nhập khẩu”, chuyên gia này nhấn mạnh. Theo ông Siemon Wezeman, phần lớn nguồn vũ khí đến từ ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu và Mỹ.

Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã công bố các kế hoạch tăng chi tiêu quân sự. Lo ngại trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhiều nước châu Âu đang tăng cường năng lực quân sự thông qua việc mua những vũ khí mới, chẳng hạn như chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, tên lửa, pháo và nhiều vũ khí hạng nặng khác.

“Việc mua hầu hết những loại vũ khí này đều cần thời gian. Bạn phải trải qua quá trình đánh giá, đưa ra quyết định, đặt hàng và chờ sản xuất. Điều đó thường mất ít nhất vài năm”, ông Wezeman cho biết.

Theo nhà phân tích này, xu hướng nhập khẩu vũ khí tại châu Âu bắt đầu gia tăng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và tác động đã được nhận thấy rõ rệt ở thời điểm hiện tại. Ông Wezeman nhận định, thị phần của châu Âu trong hoạt động buôn bán vũ khí trên toàn cầu đã tăng từ 10 lên 13% trong 5 năm qua và tỷ trọng này dự kiến sẽ tăng "đáng kể" trong thời gian tới.

Tính chất không công khai của nhiều hợp đồng mua bán và tài trợ vũ khí khiến các việc đánh giá chính xác về hoạt động buôn bán vũ khí trở nên khó khăn, nhưng các chuyên gia ước tính, doanh số vũ khí toàn cầu đạt gần 100 tỉ USD mỗi năm.

Theo SIPRI, châu Á và châu Đại Dương vẫn là những khu vực nhập khẩu chính trong 5 năm qua – nơi chiếm 43% hoạt động chuyển giao vũ khí và có 6 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản.

Trong khi nhập khẩu vũ khí tại khu vực đông dân nhất thế giới giảm khoảng 5% trong 5 năm qua, thì Đông Á và Châu Đại Dương lại có mức tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt là 20 và 59%.

“Căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương là động lực chính khiến nhập khẩu vũ khí gia tăng trong khu vực”, các tác giả của nghiên cứu cho biết.

Áp lực đối với các khách hàng của Nga

Trung Đông – thị trường lớn thứ 2 thế giới chiếm 32% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí trên toàn cầu, với mức tăng là 3%, chủ yếu do sự đầu tư vũ khí tại Qatar gia tăng trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa nước này với mốt số nước láng giềng ở vùng Vịnh. “Giá dầu tăng cao sẽ giúp họ gia tăng thu nhập và điều này thường dẫn đến các đơn đặt hàng vũ khí lớn”, ông Wezeman lưu ý.

Trong khi đó, châu Mỹ và châu Phi đã chứng kiến sự nhập khẩu vũ khí giảm mạnh, lần lượt là 36% và 34%, chiếm khoảng 6% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Xét theo từng quốc gia riêng lẻ, Ấn Độ và Saudi Arabia giữ vị trí top đầu trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, mỗi nước chiếm 11%, tiếp đến là Ai Cập (5,7%), Australia (5,4%) và Trung Quốc (4,8%).

Khi nói đến các nước xuất khẩu vũ khí, Mỹ vẫn đứng vị trí đầu bảng, chiếm 39% lượng vũ khí xúat khẩu trên toàn cầu. Nga vẫn ở vị trí thứ hai, mặc dù thị phần của nước này đã giảm xuống 19% trong 5 năm qua, phần lớn là do sự sụt giảm tại thị trường Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine có thể sẽ đè nặng lên ngành công nghiệp vũ khí của Nga trong tương lai.

“Chắc chắn sẽ có một “cây gậy” từ phía Mỹ. Nếu bạn mua vũ khí của Nga, chúng tôi có khả năng trừng phạt bạn theo nhiều cách khác nhau. Điều đó đã diễn ra trong vài năm qua”, ông Wezeman viện dẫn những căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

“Tôi cho rằng áp lực sẽ rất lớn đối với những nước như Algeria hay Ai Cập, vốn là các khách hàng mua vũ khí lớn của Nga”.

Pháp là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chiếm 11%, trong khi Trung Quốc và Đức giữ vị trí thứ tư và thứ năm, chiếm lần lượt 4,6 và 4,5%./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo AFP

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/chau-au-hoi-ha-trang-bi-vu-khi-post930282.vov