Châu Âu làm thế nào để tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 420 tỷ USD/năm?

Trong nỗ lực tăng cường chi tiêu quốc phòng, châu Âu sẽ phải tính đến việc trích tiền từ ngân sách quốc gia, nguồn quỹ của EU, thậm chí là một cơ chế tài chính mới.

Đoàn kết là yếu tố then chốt

Theo hãng tin Reuters, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra tổn thất nghiêm trọng cho châu Âu.

Không dừng lại ở đó, việc Tổng thống Donald Trump công khai tuyên bố về khả năng châu Âu không còn có thể dựa vào Mỹ để bảo đảm an ninh đã khiến chi phí quốc phòng của Lục địa Già lại càng leo thang.

Hiện tại, NATO đặt mục tiêu mỗi thành viên sẽ chi 2% GDP quốc gia cho quốc phòng. Dù hầu hết thành viên châu Âu đã đạt được con số này nhưng một số quốc gia như Italy và Tây Ban Nha vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Châu Âu đang đứng trước nguy cơ không nhận được sự bảo đảm về quốc phòng từ Mỹ (Ảnh: EDR).

Châu Âu đang đứng trước nguy cơ không nhận được sự bảo đảm về quốc phòng từ Mỹ (Ảnh: EDR).

Thời gian gần đây, các thành viên NATO đã thảo luận về việc tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 3% GDP. Tuy nhiên, sau những phát ngôn của Tổng thống Trump, châu Âu đang tính đến việc phải tự triển khai các biện pháp phòng thủ mà không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Đồng nghĩa, việc chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu có thể tăng lên 4% GDP, tương đương mức tăng lên đến 420 tỷ USD/năm.

Song vấn đề chính của châu Âu không chỉ là việc đang chi tiêu quá ít cho quốc phòng mà còn là sự chia rẽ lớn trong khối.

EU đã chịu thiệt hại không nhỏ sau khi mất đi một trong những cường quốc quân sự hàng đầu là Anh sau sự kiện Brexit. Ngoài ra, một số quốc gia như Hungary lại có quan điểm thân thiện với Nga, trong khi Áo giữ lập trường trung lập.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu cũng bị chia cắt, khi chính phủ các quốc gia luôn dành ưu tiên các nhà thầu quốc phòng địa phương. Cụ thể, khu vực này có tới 15 loại xe tăng chiến đấu khác nhau.

Chính vì thế, để chi tiêu cho quốc phòng hiệu quả, châu Âu cần thống nhất mục tiêu và hành động tập thể, đồng thời xóa bỏ nhiều quan niệm lâu đời.

Đức cần vượt qua sự dè dặt đối với các quy định vay nợ chung của EU, Pháp phải chấp nhận mua vũ khí từ Mỹ trong khi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước chưa đủ mạnh và Anh sau khi ra khỏi Liên minh châu Âu cần hợp tác với châu Âu...

Những giải pháp tăng chi tiêu quốc phòng cho châu Âu

Trong bối cảnh, chính phủ các quốc gia sẽ phải gánh phần lớn chi phí gia tăng cho chi tiêu quốc phòng, Ủy ban châu Âu (EC) muốn miễn trừ chi tiêu quốc phòng khỏi các quy định giới hạn nợ và thâm hụt ngân sách của EU.

Tuy nhiên, trên thực tế mức nợ quốc gia của nhiều nước hiện tại đã ở mức cao. Việc tăng chi tiêu quốc phòng có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của các quốc gia này, tổ chức Standard & Poor's - một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới, cảnh báo.

Các quốc gia châu Âu đang tính đến nhiều phương án để tăng cường huy động ngân sách cho quốc phòng (Ảnh: EDA).

Các quốc gia châu Âu đang tính đến nhiều phương án để tăng cường huy động ngân sách cho quốc phòng (Ảnh: EDA).

Những biện pháp khác mà chính phủ các quốc gia thành viên EU có thể tính đến nhằm huy động thêm nguồn tài chính bao gồm phát hành trái phiếu chung.

Ngoài ra, EU có thể tính đến phương án tái triển khai Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) với khoảng 422 tỷ Euro chưa sử dụng, trong đó dành khoảng 300 tỷ Euro cho quốc phòng trong vòng 5 năm nếu chấp nhận nới lỏng quy định về đòn bẩy tài chính.

Tuy nhiên, việc chỉ có các quốc gia thành viên EU hành động là chưa đủ trong bối cảnh các nước ngoài EU như Anh và Na Uy cũng đóng vai trò then chốt trong việc đóng góp cho chi tiêu quốc phòng ở châu Âu. Điều này dẫn đến ý tưởng thành lập một "ngân hàng tái vũ trang" với cấu trúc tương tự các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng này có thể được sáng lập với sự tham gia của một nhóm quốc gia như Anh, Ba Lan, các nước Scandinavia và Baltic vốn có cùng chí hướng và sẵn sàng hợp tác với nhau. Với số vốn bao đầu dự tính khoảng 10 tỷ Euro, ngân hàng tái vũ trang hoàn toàn có thể có thể huy động tới 100 tỷ Euro cho các khoản vay quốc phòng.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chau-au-lam-the-nao-de-tang-chi-tieu-quoc-phong-len-muc-420-ty-usd-nam-192250224160804745.htm