Châu Âu quyết tâm ủng hộ Ukraine sau 3 năm xung đột với Nga
Các lãnh đạo châu Âu và Canada đã tề tựu ở Kiev, nhấn mạnh quyết tâm ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong bối cảnh xung đột quân sự giữa nước này với Nga đã bước qua năm thứ 3.
Ngày 24/2 năm nay đánh dấu tròn 3 năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong ngày này, hàng chục nhà lãnh đạo từ châu Âu và Canada đã có mặt tại Thủ đô Kiev, nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine trước những diễn biến đáng lo ngại bên kia bờ Đại Tây Dương.
Trong số những nhân vật nổi bật có mặt tại Kiev có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa, và lãnh đạo nhiều nước châu Âu. Họ cùng tham dự các sự kiện tưởng niệm và gặp gỡ Tổng thống Volodymyr Zelensky để bàn bạc về các giải pháp hỗ trợ Ukraine trong thời khắc then chốt.
Mỹ "thỏa hiệp"?
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có những thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của Mỹ đối với chiến sự Nga-Ukraine. Giới chức châu Âu lo ngại cách tiếp cận mới này có thể dẫn đến một giải pháp bất lợi cho Ukraine và gạt châu Âu ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các lãnh đạo châu Âu tại Kiev ngày 24/2. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang được tiến hành. Giới chức Washington cũng đã nhất trí với Moscow về việc tái lập quan hệ ngoại giao và khởi động lại hợp tác kinh tế, đồng thời tiếp tục các cuộc đàm phán song phương vào tuần tới.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa tuyên bố sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) vào ngày 6/3, với Ukraine là sẽ vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.
“Chúng ta đang sống trong thời khắc quyết định đối với Ukraine và an ninh châu Âu,” ông Costa nhấn mạnh trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
Kaja Kallas - nhà ngoại giao hàng đầu của EU, cũng nhấn mạnh Mỹ không thể ký kết bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào để chấm dứt xung đột với Nga mà không có sự tham gia của Ukraine hoặc châu Âu.
“Bạn có thể thảo luận bất cứ điều gì bạn muốn với ông Putin. Nhưng nếu liên quan đến châu Âu hoặc Ukraine, thì Ukraine và châu Âu cũng phải đồng ý với thỏa thuận này,” bà Kallas tuyên bố, nhằm phản bác những lập trường ủng hộ Nga bị cho là đang được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra.
Châu Âu "không khoan nhượng"?
Nhiều tín hiệu mới cho thấy quyết tâm của châu Âu không chỉ dừng lại ở lời nói. Vương quốc Anh dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, được Ngoại trưởng David Lammy mô tả là “mạnh tay nhất kể từ đầu cuộc chiến,” "nhằm làm suy yếu cỗ máy quân sự của Moscow và cắt đứt nguồn doanh thu nuôi dưỡng xung đột".
Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là đã lên kế hoạch đến Washington DC (Mỹ) trong tuần này, với hy vọng thuyết phục Tổng thống Donald Trump không từ bỏ Ukraine để chạy theo một thỏa thuận hòa bình vội vã với Nga.
Tại Đức, ông Friedrich Merz, lãnh đạo liên minh bảo thủ vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23/2, đã đăng trên X: “Hơn bao giờ hết, chúng ta phải đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ. Để có được nền hòa bình công bằng, quốc gia này phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình”.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng chia sẻ quan điểm trên. Ông khẳng định “hòa bình và tự do ở châu Âu đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết ủng hộ Ukraine", đồng thời cam kết Berlin sẽ không nới lỏng hỗ trợ nhân đạo và quân sự cho Kiev cho đến khi xung đột kết thúc.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các lãnh đạo châu Âu đặt hoa tưởng nhớ những người thiệt mạng trong xung đột Nga-Ukraine tại Kiev ngày 24/2. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Ba năm xung đột giữa Nga và Ukraine đã và đang đặt cộng đồng quốc tế trước những ngã rẽ đầy thử thách. Sự hiện diện của các lãnh đạo châu Âu và Canada tại Kiev như lời khẳng định rằng Ukraine không hề đơn độc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump dường như đang chuyển hướng sang một lộ trình hòa giải với Nga, giới quan sát cho rằng giới chức "lục địa già" phải hành động quyết liệt hơn.
Sau cùng, cuộc xung đột này vẫn là "bài thử nghiệm mức độ khó" đối với tinh thần đoàn kết và ý chí của phương Tây. Trong bối cảnh đó, những tháng tới sẽ là thời điểm định hình tương lai không chỉ của Ukraine mà còn của toàn châu Âu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-quyet-tam-ung-ho-ukraine-sau-3-nam-xung-dot-voi-nga.html