Châu Âu thảo luận khả năng cấm vận dầu của Nga

Khi Nga gia tăng các hoạt động quân sự ở Ukraine và triển vọng về một thỏa thuận hòa bình vẫn mờ mịt, sự ủng hộ bên trong Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga ngày càng gia tăng, theo các nhà ngoại giao nắm rõ vấn đề này.

Quan điểm ủng hộ lệnh cấm vận dầu của Nga đang gia tăng trong nội bộ EU. Ảnh: Reuters

Đề xuất hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, nguồn cung năng lượng chính của châu Âu, là điều mà EU hầu như luôn gạt ra khỏi bàn thảo luận. Nhưng giờ đây, các nước EU ngày càng hướng đến thực hiện đề xuất này khi Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công vũ trang vào các thành phố của Ukraine và các vòng đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kyiv cho thấy rất ít dấu hiệu tiến triển.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao ở châu Âu cho biết EU không xem xét hạn chế nhập khẩu khí đốt của Nga. Một số nước EU, bao gồm cả Đức, vẫn chưa ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga nhưng có thể cân nhắc hạn chế nhập khẩu dần dần, chứ không cắt nhập khẩu hoàn toàn, nếu tình hình chiến sự ở Ukraine xấu đi.

Lệnh cấm vận dầu thô của Nga, nếu được EU thông qua, sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga vốn đang suy sụp do tác động từ loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngành năng lượng đóng góp tới 1/5 GDP của Nga và chiếm khoảng 40% nguồn thu ngân sách nước này. Năm 2021, xuất khẩu dầu và các chế phẩm dầu mỏ chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga, theo tổ chức tư vấn Bruegel, có trụ sở tại Brussels (Bỉ).

Khoảng một nửa xuất khẩu dầu thô của Nga đi sang thị trường châu Âu. EU và Anh đã trả khoảng 88 tỉ euro để nhập khẩu dầu của Nga vào năm ngoái, bao gồm dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ. Một lệnh cấm vận của EU sẽ hạn chế nguồn cung dầu đáng kể cho châu Âu vì Nga chiếm khoảng 28% tổng lượng dầu thô nhập khẩu hàng năm của EU.

Các nhà phân tích nhận định, một lệnh cấm vận như vậy có thể chặn đứng khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày từ thị trường toàn cầu với khoảng 100 triệu thùng/ngày. Đây là con số khá lớn trong bối cảnh nguồn cung dầu trên toàn cầu đang thắt chặt.

Tại cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao EU ở Brussels hôm 21-3, ngoại trưởng của các nước bao gồm Thụy Điển, Ireland, Slovenia, Cộng hòa Czech và Slovakia cho rằng ít nhất phải xem việc cấm vận dầu của Nga là một phương án trừng phạt vào thời điểm hiện tại.

Các nước khác, bao gồm Đan Mạch, cho biết họ sẽ ủng hộ động thái này nếu có sự đồng thuận rộng rãi trong khối. Trong khi đó, Đức và Hà Lan cho rằng EU phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung dầu từ Nga nên không thể dừng mua ngay lập tức được.

“Nhìn vào mức độ tàn phá ở Ukraine hiện nay, theo quan điểm của tôi, rất khó để bảo vệ lập luận rằng chúng ta không nên trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc biệt là dầu và than đá”, Ngoại trưởng Ireland, Simon Coveney nói với các phóng viên khi trên đường vào cuộc họp.

Hồi đầu tháng này, Mỹ và Anh tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga. Các quan chức Anh cho biết chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang thúc đẩy nhóm các nước công nghiệp G7 triển khai lệnh cấm vận dầu của Nga.

Đức, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7, đã mời các lãnh đạo nhóm này đến tham gia một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 24-3 bên lề cuộc họp của EU với Tổng thống Mỹ, Joe Biden.

Ngoại trưởng Slovakia, Ivan Korčok nói: “Tôi mong đợi một cuộc thảo luận cởi mở về vấn đề đó khi Tổng thống Biden đến”. Bất kỳ động thái nào hướng đến lệnh cấm vận dầu của Nga sẽ phải cần sự nhất trí của tất cả 27 nước thành viên EU, và đến thời điểm này, họ chưa đạt được sự đồng thuận đó.

Trong cuộc thảo luận hôm 21-3, Hungary vẫn thẳng thắn phản đối lệnh cấm mua dầu Nga. Quan trọng hơn, đến nay, Đức vẫn không ủng hộ lệnh cấm này.

Tuy nhiên, các quan chức Đức nói rằng quan điểm của Berlin về lệnh cấm vận dầu của Nga không phải là không thể thay đổi. Họ cho biết nếu EU không vội vàng đưa ra quyết định và đảm bảo rằng bất kỳ lệnh cấm vận nào sẽ được thực hiện dần dần, thì Đức có thể sẽ tham gia.

Pháp, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, muốn đảm bảo khối này đoàn kết về các lệnh trừng phạt và không muốn cô lập Đức hoặc các nước EU khác phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga.

Hôm 21-3, Phó thủ tướng Nga, Alexander Novak cảnh báo phương Tây rằng giá dầu tăng lên hơn 300 đô la/thùng nếu dầu của Nga bị tẩy chay. “Rõ ràng, việc loại bỏ dầu của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường thế giới”, ông Novak nói.

Hôm qua, giá dầu chuẩn quốc tế Brent giao tháng 5 tăng hơn 7%, lên mức 115,62 đô la/thùng. Carsten Fritsch, nhà phân tích năng lượng tại Commerzbank Research, nói: “Lý do cho sự tăng giá này là do thị trường phản ứng trước thông tin EU đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga”.

Theo Wall Street Journal

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-au-thao-luan-kha-nang-cam-van-dau-cua-nga/