Châu Âu thúc đẩy đạo luật trí tuệ nhân tạo bất chấp áp lực từ Mỹ

Brussels đang chuẩn bị ban hành hướng dẫn mới về việc áp dụng các quy định cấm trong Đạo luật AI của Liên minh châu Âu (EU), giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ trả đũa do các biện pháp nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ.

Luật này, thông qua vào năm 2023, được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những khung pháp lý toàn diện nhất thế giới về trí tuệ nhân tạo. Một số điều khoản, bao gồm lệnh cấm thu thập dữ liệu từ internet để tạo cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, đã có hiệu lực từ Chủ nhật vừa qua. Theo các quan chức EU, vào thứ Ba (ngày 4/2), Ủy ban châu Âu sẽ công bố hướng dẫn quan trọng về cách các doanh nghiệp nên thực hiện các quy tắc này.

Trong thời gian tới, các quy định tiếp theo sẽ được triển khai, tập trung vào các mô hình AI lớn và các ứng dụng AI có rủi ro cao trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe. Quá trình thực thi sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2027. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tranh luận rộng rãi tại châu Âu về cách khối này nên thực hiện các quy định kỹ thuật số trước sự phản đối mạnh mẽ từ các tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là những công ty được chính quyền ông Trump hậu thuẫn. Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo ông sẽ có biện pháp đối phó với Brussels nhằm đáp trả những án phạt mà EU áp dụng đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Hiện EU đang xem xét lại các cuộc điều tra nhằm vào các công ty như Apple, Meta và Google theo các quy định bảo vệ thị trường kỹ thuật số của khu vực. Patrick Van Eecke, đồng chủ tịch bộ phận dữ liệu, quyền riêng tư và an ninh mạng toàn cầu của công ty luật Cooley, nhận định: "Chắc chắn có một mối lo ngại ở Brussels về việc chính quyền ông Trump sẽ gây áp lực lên EU để đảm bảo các công ty Mỹ không phải đối mặt với quá nhiều rào cản hành chính hoặc thậm chí là các mức phạt tài chính."

Đạo luật trí tuệ nhân tạo của châu Âu đang vấp phải những phản đối từ Mỹ. Ảnh: Dpa

Đạo luật trí tuệ nhân tạo của châu Âu đang vấp phải những phản đối từ Mỹ. Ảnh: Dpa

Theo Đạo luật AI, các công ty phát triển hệ thống AI có rủi ro cao phải minh bạch hơn về cách thiết kế và vận hành mô hình. Những doanh nghiệp phát triển các mô hình AI mạnh mẽ nhất sẽ phải đáp ứng thêm nhiều yêu cầu như đánh giá rủi ro thường xuyên. Nếu không tuân thủ, họ có thể bị áp mức phạt nặng hoặc thậm chí bị cấm hoạt động tại EU.

Tham vọng của Brussels trong việc trở thành "trung tâm AI đáng tin cậy toàn cầu" từ lâu đã vấp phải sự phản đối từ các tập đoàn công nghệ lớn. Meta, công ty mẹ của Facebook, từng cảnh báo các quy định quá khắt khe có thể cản trở đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực AI. Các công ty công nghệ lớn cũng phản đối các điều khoản yêu cầu mức độ minh bạch cao hơn trong việc sử dụng dữ liệu, bao gồm quy định cho phép bên thứ ba truy cập mã nguồn để đánh giá rủi ro. Ngoài ra, một số công ty nguồn mở và startup nhỏ có thể được hưởng ngoại lệ nhất định trong khuôn khổ Đạo luật AI.

Hồi đầu tháng này, ông Trump đã nhấn mạnh ông coi các biện pháp từ Brussels đối với các doanh nghiệp Mỹ là một hình thức đánh thuế. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông cho biết: "Chúng tôi đang có một số những bất đồng với EU." Trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, ông đã giới thiệu một dự án cơ sở hạ tầng AI trị giá 500 tỷ USD mang tên Stargate, do SoftBank (Nhật Bản) và OpenAI (Mỹ) dẫn đầu. Đồng thời, ông cũng đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm giảm bớt các rào cản trong phát triển AI.

Một quan chức cấp cao của EU, người tham gia vào việc thực hiện Đạo luật AI, tiết lộ với báo giới về việc dù Ủy ban châu Âu nhận thức rõ áp lực từ phía Mỹ, luật này sẽ không bị thay đổi.

"Những gì chúng tôi có thể làm là đảm bảo luật được áp dụng một cách linh hoạt nhất có thể để thúc đẩy đổi mới, và đó chính là điều chúng tôi đang làm lúc này. Các quy tắc có một mức độ linh hoạt nhất định và chúng tôi đang xem xét cách tối ưu hóa việc thực hiện" - vị quan chức này nói.

Caterina Rodelli, một nhà phân tích chính sách EU tại tổ chức quyền kỹ thuật số Access Now, cho biết kể từ khi ông Trump nhậm chức, các cuộc thảo luận về quy định công nghệ tại Brussels đã có sự thay đổi. Bà lưu ý nhóm của mình đang vận động để lệnh cấm trong Đạo luật AI được thực hiện một cách quyết liệt hơn. "Những gì chúng tôi từng nghĩ là đã được quyết định thì thực tế không phải vậy" - bà nói. Bà Rodelli cũng cảnh báo có nguy cơ về việc quy định sẽ bị nới lỏng.

Một nguồn tin cho biết các quy định mới công bố vào Chủ nhật rất rõ ràng, và nhiều công ty công nghệ lớn đã bắt đầu tuân thủ. Tuy nhiên, một vấn đề đang gây tranh cãi ở Brussels là các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc thực hành cho AI mục đích chung, vốn sẽ ảnh hưởng đến các mô hình AI mạnh mẽ như Gemini của Google và GPT-4 của OpenAI. Bộ quy tắc này sẽ giúp hướng dẫn cách các công ty có thể triển khai Đạo luật AI trên thực tế. Các cuộc đàm phán, quy tụ hàng trăm bên liên quan và được điều phối bởi Văn phòng AI của Ủy ban châu Âu, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-thuc-day-dao-luat-tri-tue-nhan-tao-bat-chap-ap-luc-tu-my.html