Châu Âu tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga, tăng nhập khẩu từ Mỹ
Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm thêm nguồn cung khí đốt từ Mỹ và các quốc gia khác nhằm thay thế khí đốt của Nga, đồng thời đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Do cuộc khủng hoảng Ukraine, EU đã cam kết ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Dù lượng khí đốt Nga cung cấp qua đường ống đã giảm mạnh, khối này vẫn tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga trong năm ngoái.
Ủy viên năng lượng EU Dan Jorgensen tuyên bố rằng thay vì sử dụng tiền thuế của công dân để mua xăng dầu của Nga, "chúng ta cần đảm bảo tự sản xuất năng lượng".

Ảnh minh họa: Unsplash
Ông cho biết EU đang chuẩn bị điều chỉnh các quy định để đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái tạo. Đối với các lĩnh vực như công nghiệp và hệ thống sưởi ấm dân dụng, nơi chưa thể thay thế khí đốt ngay lập tức, EU sẽ tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế.
"Vẫn sẽ có nhu cầu về khí đốt và chúng ta cần đảm bảo rằng nó không đến từ Nga. Điều đó có nghĩa là phải nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ", ông Jorgensen nói.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm vào tuần trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã cảnh báo EU về khả năng áp thuế thương mại nếu khối này không tăng cường nhập khẩu dầu và khí đốt từ Mỹ.
Ủy ban châu Âu không trực tiếp mua khí đốt nhưng đang lên kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp LNG, đồng thời cân nhắc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu LNG để đảm bảo hợp đồng dài hạn với giá cả ổn định.
Theo các tài liệu dự thảo, EU yêu cầu tất cả hợp đồng khí đốt phải chấm dứt vào năm 2049 nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Jorgensen từ chối bình luận về bản dự thảo bị rò rỉ nhưng xác nhận EU đang siết chặt kiểm soát thị trường khí đốt để ngăn chặn đầu cơ làm tăng giá. Tuần tới, Ủy ban sẽ đề xuất các công cụ tài chính nhằm tách biệt giá điện bán lẻ khỏi giá khí đốt cao.
Hiện tại, dù năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh, giá điện tại châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào giá khí đốt.