Châu Âu tự tin tránh được suy thoái nhờ giá khí đốt giảm sâu
Liên minh châu Âu (EU) sẽ tránh được suy thoái trong năm 2023 nhờ giá khí đốt giảm nhanh trong những tháng gần đây cùng chính sách hỗ trợ của các chính phủ và sức chi tiêu ổn định của hộ gia đình, theo nhận định của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU.
Nâng dự báo tăng trưởng
Hôm 13-2, EC nâng dự đoán tăng trưởng của EU trong năm nay lên 0,8%, cao hơn mức 0,3% dự báo hồi tháng 11, đồng thời nhận định khu vực này sẽ tránh được suy thoái kỹ thuật, được định nghĩa là sản lượng kinh tế suy giảm trong hai quí liên tiếp. Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) cũng được dự báo sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm 2023, cũng cao hơn mức 0,3% mà EC dự báo hồi cuối năm ngoái. Theo EC, tất cả các nước thành viên EU đều tăng trưởng dương trong năm 2023, ngoại trừ Thụy Điển, nước được dự báo chứng kiến GDP suy giảm 0,8%.
Quyết định nâng triển vọng tăng trưởng của EC phù hợp nhận định với các nhà phân tích, hiện cho rằng khu vực eurozone sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay.
Vào mùa thu năm ngoái, nỗi ám ảnh về nguy cơ nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt đứt hoàn toàn cùng với sản lượng công nghiệp suy giảm và tâm lý kinh doanh bi quan làm dấy lên lo ngại rằng EU sẽ rơi vào một cơn suy thoái sâu.
Tuy nhiên, một mùa đông với thời tiết ôn hòa và các khoản trợ cấp của chính phủ đã giúp giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực trong bối cảnh giá khí đốt chuẩn của châu Âu giảm sâu so với mức cao kỷ lục được ghi nhận trong mùa hè năm 2022.
Hôm 13-2, giá khí đốt tương lai ở châu Âu giảm sâu đến 4,8%, xuống còn 51,39 euro/ megawatt giờ, thấp nhất kể từ tháng 9-2021 và thấp hơn nhiều so với mức hơn 300 euro cách đây sáu tháng.
Châu Âu đã trải qua tháng 1 ấm thứ 3 trong lịch sử, nhờ đó, khối lượng lưu trữ khí đốt của EU vẫn ở mức cao bất thương trong thời gian này hàng năm. Hiện tại, các cơ sở lưu trữ khí đốt trong khu vực đang mức lấp đầy 66%, mở ra hy vọng EU sẽ không cần phải vội vàng bổ sung thêm khí đốt trước mùa đông tới.
Theo báo cáo công bố hôm 13-2 của tổ chức tư vấn Bruegel, kể từ tháng 9-2021, các nước EU, Anh và Na Uy đã chi ngân sách tổng cộng gần 800 tỉ euro để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chống chọi chi phí năng lượng đắt đỏ.
Lạm phát, chiến tranh tiếp tục là rủi ro lớn
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Paolo Gentiloni, Cao ủy Kinh tế của EU, nói: “Chúng ta đã bước vào năm 2023 trên một nền tảng vững chắc hơn dự đoán, với nguy cơ suy thoái và thiếu khí đốt đã giảm bớt và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục”.
Tuy nhiên, EC lưu ý dù triển vọng tăng trưởng cải thiện, EU vẫn đối mặt các rủi ro lớn, đặc biệt là liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.
“Rủi ro chính đối với những dự báo của EC là những căng thẳng địa chính trị và diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine”, ông Gentiloni nói.
Ông lưu ý người châu Âu vẫn đối mặt với một giai đoạn khó khăn phía trước. Tăng trưởng kinh tế của khu vực dự kiến vẫn trì trệ do những cản lực mạnh mẽ và lạm phát chỉ hạ nhiệt dần dần trong các quí tới.
EC cho rằng tăng trưởng trong năm nay của EU sẽ chậm hơn rõ rệt so với mức 3,5% được ghi nhận vào năm 2022, đồng thời cảnh báo nhiều cản lực sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
Brussels tuyên bố rằng lạm phát đã đạt đỉnh và dự đoán tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ đạt 6,4% trong năm nay tại EU, giảm so với mức 9,2% của năm ngoái. Lạm phát khu vực eurozone cũng được dự báo sẽ giảm xuống còn 5,6% trong năm nay, trước khi lùi về 2,5% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức 8,4% được ghi nhận trong năm 2022.
Theo EC, tiền lương thực tế sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn do giá cả tăng cao, với lạm phát cốt lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm chưa qua chế biến, vẫn tăng trong tháng 1.
EC cho biết thêm lãi suất chính thức cao hơn ở khu vực eurozone sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến dòng tín dụng và đầu tư. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất lên mức 2,5% vào đầu tháng này và báo hiệu sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp chính sách vào tháng tới. Theo EC, lạm phát cốt lõi cao đang làm xói mòn sức mua, do vậy, ECB buộc phải tiếp tục tăng lãi suất.
Trong tháng này, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel, thành viên của hội đồng quản lý thiết lập lãi suất của ECB, cảnh báo mối nguy hiểm lớn hiện nay là lạm phát có thể vẫn ở mức quá cao nếu ECB dừng tăng lãi suất quá sớm.
Trong cuộc họp báo tại Brussels hôm 13-2, ông nhấn mạnh rủi ro chính sắp tới là chiến tranh ở Ukraine và các căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, ông tin rằng châu Âu đã có thể quản lý sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Theo Bloomberg, Financial Times