Châu Âu với tham vọng biến Biển Bắc thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới
Các lãnh đạo châu Âu giờ đây tuyệt nhiên không muốn miếng bánh to nhất trong đại dự án 800 tỷ euro xây dựng nền tảng năng lượng xanh cho châu Âu lại rơi vào tay các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ.
Tham vọng biến Biển Bắc thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới
Trong bản Tuyên bố chung được lãnh đạo 9 quốc gia ven Biển Bắc ký và công bố đầu tuần này, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, châu Âu sẽ xây dựng được một mạng lưới điện gió trên Biển Bắc có công suất 120 GW và đến năm 2050, con số này sẽ lên tới 300 GW. Đây là một mục tiêu cực kỳ tham vọng, như đánh giá của Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo thì đây là các dự án lớn nhất trong cả một thế hệ và lớn hơn bất cứ một dự án nào ở tầm quốc gia.
Để so sánh và hình dung được quy mô cực kỳ lớn của đại dự án năng lượng xanh này thì có một con số như sau: tổng công suất các dự án điện gió của các nước Tây - Bắc Âu hiện nay trên Biển Bắc chỉ là 25 GW/năm. Điều này đồng nghĩa với việc 9 nước châu Âu cần phải tăng gấp gần 5 lần sản lượng điện gió trong 7 năm tới, và gấp 12 lần trong 30 năm tới. Đây là thách thức rất lớn, cả về kinh tế, kỹ thuật lẫn thời gian với các nước châu Âu.
Trong số các nước tham gia vào Thượng đỉnh Biển Bắc đầu tuần này tại thành phố Ostend của Bỉ, Anh là một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực điện gió nhưng hiện cũng chỉ có sản lượng điện gió 12 GW/năm nhờ 45 trang trại điện gió. Đức có 30 trang trại điện gió với sản lượng 8 GW/năm, tiếp đến là Hà Lan với 2,8 GW/năm, Đan Mạch và Bỉ cùng sản xuất được 2,3 GW/năm. Các con số này cho thấy, để đạt được mục tiêu nhân gấp gần 5 lần sản lượng điện gió từ nay đến năm 2030, các nước châu Âu cần phải dồn các nguồn lực khổng lồ về kinh tế và triển khai với tốc độ rất nhanh chóng thì mới có thể bắt kịp với tiến độ đã đề ra.
Nhu cầu về nguồn vốn đầu tư là cực kỳ lớn, như nước Pháp đã đặt mục tiêu đầu tư đến 40 tỷ euro từ nay đến năm 2050 để có thể đạt mục tiêu sản xuất được 40 GW điện gió vào giữa thế kỷ này. Nếu tính toàn bộ châu Âu, số tiền cần chi ra có thể lên tới 800 tỷ euro và đây sẽ là đại dự án chung tốn kém nhất trong lịch sử châu Âu. Tất nhiên, nếu hoàn thành được tất cả các mục tiêu đã đặt ra thì Biển Bắc sẽ trở thành trang trại điện gió lớn nhất thế giới, ít nhất là dựa trên những dự án đã được công bố đến thời điểm này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng đã và đang triển khai những đại dự án lớn về điện gió trên biển, trong đó Trung Quốc tiến rất nhanh. Gần 1 nửa sản lượng điện gió trên thế giới hiện nay do Trung Quốc sản xuất và Trung Quốc cũng đang có rất nhiều ưu thế trong việc sản xuất các tua-bin khổng lồ dùng cho các trang trại điện gió trên biển.
Châu Âu từng bước tự chủ về năng lượng?
Nếu các nước châu Âu đạt được mục tiêu đến năm 2050 sản xuất được 300 GW/năm nhờ các trang trại điện gió trên Biển Bắc thì sản lượng điện gió này sẽ đủ để cung cấp cho 300 triệu hộ gia đình tại châu Âu, tức gần 3/4 dân số châu Âu. Đây sẽ là bước tiến cực kỳ lớn của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng như chuyển đổi mô hình kinh tế xanh.
Thực tế, an ninh là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong đại dự án này. Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm đổ vỡ quan hệ năng lượng tồn tại nhiều thập kỷ qua giữa châu Âu và Nga, buộc các nước châu Âu phải thay đổi toàn bộ chiến lược năng lượng, không chỉ là tìm nguồn thay thế cho khí đốt, dầu mỏ của Nga mà còn phải đầu tư toàn diện vào các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, bởi đây là các nguồn năng lượng duy nhất mà châu Âu có thể tự chủ, không phụ thuộc vào bên ngoài.
Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, châu Âu đã có ý thức về vấn đề này nhưng chưa thực sự bị đẩy vào tình thế cấp bách. Tuy nhiên, hiện tại châu Âu không thể trì hoãn thêm nữa bởi ngay cả khi tìm được các nguồn cung thay thế cho năng lượng Nga thì châu Âu vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các đối tác khác, dưới một hình thức khác. Ví dụ rõ nhất là việc châu Âu đã thay khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng giá đắt hơn gấp nhiều lần từ Mỹ nên về mặt chiến lược lâu dài, châu Âu không thể hài lòng với việc chấm dứt phụ thuộc năng lượng vào Nga nhưng lại chuyển qua phụ thuộc vào Mỹ, phải gánh vác chi phí năng lượng quá cao, dẫn tới việc đe dọa mức sống của người dân và triệt tiêu năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp châu Âu.
Do đó, đối với châu Âu, việc cấp tốc đẩy nhanh các ngành năng lượng xanh là bài toán an ninh mang tính sống còn, không chỉ về năng lượng mà còn về kinh tế, về sự tự chủ của châu Âu.
Về tổng thể, các mục tiêu năng lượng xanh này cũng nằm trong lộ trình chuyển đổi năng lượng mà châu Âu đã đặt ra từ năm 2019, đó là dần chấm dứt các nguồn năng lượng hóa thạch, thay bằng năng lượng tái tạo, hướng đến năm 2050 sẽ đạt mức trung hòa carbon trên toàn khối. Các tham vọng này đã được cụ thể hóa bằng Hiệp định Xanh (Green Pact) mà Ủy ban châu Âu công bố từ 2 năm trước và sẽ được thúc đẩy mạnh hơn với Chiến lược công nghiệp Xanh mà châu Âu sắp công khai chi tiết.
Những trở ngại của châu Âu trong đại dự án 800 tỷ euro
800 tỷ euro là một con số khổng lồ. Để so sánh, các nước EU đã phải tranh cãi gay gắt hồi năm 2021 mới có thể thông qua được gói phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ euro. Do đó, mặc dù đại dự án này kéo dài vài thập kỷ nhưng để thu xếp được khoản đầu tư này một cách lâu dài và ổn định, các nước châu Âu sẽ cần phải vượt qua rất nhiều trở ngại.
Về mặt kỹ thuật, châu Âu cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Hiệp hội các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện gió châu Âu là WindEurope cho biết, hiện nay các nước châu Âu mỗi năm chỉ gia tăng thêm được 7 GW điện gió trong khi để đạt được tham vọng đề ra thì mỗi năm cần thêm được ít nhất 20 GW điện gió ở Biển Bắc.
Điểm nghẽn ở đây là châu Âu vẫn chưa thực sự làm chủ được các công nghệ quan trọng nhất, hiệu quả nhất trong việc sản xuất các tua-bin dùng cho các cột điện gió trên biển. Đây cũng chính là một trong những nội dung trọng tâm được lãnh đạo 9 nước châu Âu thảo luận tại Thượng đỉnh Biển Bắc vừa qua, đó là phải thống nhất các quy chuẩn kỹ thuật giữa các nước, để sau khi các trang trại điện gió ngoài khơi được đồng loạt xây dựng trên Biển Bắc thì châu Âu có thể tạo dựng, kết nối tất cả các trang trại này thành một mạng lưới điện thống nhất.
Khía cạnh khác cũng cực kỳ quan trọng là tất cả các quy trình kỹ thuật này phải do các công ty châu Âu đảm nhiệm. Đây là cảnh báo được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, với bài học trong quá khứ là châu Âu từng đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nhưng rồi sau đó lại đánh mất thế mạnh vào các đối thủ khác, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, để rồi giờ đây phần lớn nhu cầu pin năng lượng mặt trời châu Âu là phải nhập từ Trung Quốc.
Các lãnh đạo châu Âu giờ đây tuyệt nhiên không muốn miếng bánh to nhất trong đại dự án 800 tỷ euro xây dựng nền tảng năng lượng xanh cho châu Âu lại rơi vào tay các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ. Chắc chắn vấn đề này sẽ được Ủy ban châu Âu đưa vào trong chi tiết của bản Kế hoạch công nghiệp Xanh sắp tới, một kế hoạch sẽ mang nặng tính bảo hộ của châu Âu, nhằm đối trọng với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ hay các chính sách tương tự từ Trung Quốc./.